Vận dụng đúng đắn chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Thứ sáu, ngày 02/12/2016

Từ thực tiễn của 10 năm đổi mới, Bình Dương đã xác định, chỉ có phát triển công nghiệp và xây dựng mới tạo động lực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng. Tỉnh đã vận dụng đúng đắn chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đồng thời thực hiện tốt quan điểm đã được xác định: “Công nghiệp là khâu trung tâm, có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam”.

(BDO)

 Cùng với các KCN khác, KCN Việt Nam - Singapore I đã góp phần đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Bình Dương. Ảnh: Q.CHIẾN

 Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VI đã xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và những biện pháp lớn cho 3 năm còn lại của thế kỷ XX. Về phương hướng, nhiệm vụ đến năm 2000, Đảng bộ tỉnh xác định mục tiêu, yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng kinh tế ở mức độ cao, ổn định, tạo điều kiện tích cực cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết tốt các vấn đề bức xúc của xã hội, tăng trưởng kinh tế gắn với phát triển xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, giữ vững ổn định chính trị, bảo vệ Đảng, Nhà nước và nhân dân, bảo vệ thành quả cách mạng…; tiếp tục đổi mới công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao hơn nữa sức chiến đấu và năng lực lãnh đạo, khắc phục các nhược điểm, thực hiện chiến lược công tác cán bộ đáp ứng thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Dưới ánh sáng Đại hội VIII của Đảng, Bình Dương đã vận dụng đúng đắn chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa vào điều kiện cụ thể của tỉnh; đồng thời thực hiện tốt quan điểm đã được Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VI xác định: “Công nghiệp là khâu trung tâm, có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam”. Với những thuận lợi cơ bản về tài nguyên, nhân lực, vị trí địa lý nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có cửa ngõ giáp với TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, nên Bình Dương có điều kiện tốt để đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa. Kế thừa những thành tựu của Sông Bé, việc hình thành các khu công nghiệp (KCN) tập trung là mục tiêu xuyên suốt vô cùng quan trọng trên con đường phát triển của tỉnh. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh nỗ lực tập trung thực hiện đường lối công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trước hết ưu tiên phát triển các KCN tập trung, tạo môi trường thông thoáng thu hút nhanh nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước để thúc đẩy việc xây dựng và phát triển có chiều sâu, tạo đà cho kinh tế địa phương ổn định và phát triển bền vững.

Từ thực tiễn của 10 năm đổi mới, lãnh đạo tỉnh khi đó đã xác định chỉ có phát triển công nghiệp và xây dựng mới tạo động lực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng. Vấn đề đặt ra là phải nhanh chóng tận dụng lợi thế về điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, tạo môi trường đầu tư thông thoáng để thu hút vốn đầu tư của mọi thành phần kinh tế, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI). Một trong các hình thức kinh tế đó là việc xây dựng các KCN tập trung, loại hình được nhiều nước trên thế giới áp dụng thành công, luôn tạo được sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.

Căn cứ vào chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, lãnh đạo tỉnh đã tổ chức nghiên cứu và xây dựng kế hoạch phát triển các KCN trên địa bàn. Trước đó, mô hình đầu tiên trên địa bàn tỉnh là KCN Sóng Thần I đã được thành lập vào năm 1995 (nay thuộc địa bàn TX.Dĩ An). Từ KCN này đã mở màn cho sự hình thành và phát triển các KCN sau đó.

Các dự án đầu tư vào các KCN đã đóng góp tích cực vào chuyển đổi cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Sự hình thành các KCN tập trung đã thúc đẩy các loại hình dịch vụ phát triển, hình thành các khu đô thị mới. Kết quả phát triển các KCN tập trung thể hiện sự lãnh đạo, điều hành đúng đắn và sáng suốt của Đảng bộ và chính quyền tỉnh; tạo được bầu không khí phấn khởi trong đời sống chính trị, được nhân dân đồng tình ủng hộ… (còn tiếp).

 NHÓM P.V CHÍNH TRỊ