Vận động tội phạm truy nã
Những ngày đầu tháng 3, P.V có dịp theo chân Phòng Cảnh sát truy nã (CSTN) tội phạm Công an tỉnh đến thăm các gia đình đối tượng có con em ra đầu thú. Nhờ vậy, chúng tôi mới cảm nhận, thấu hiểu những nỗi vất vả trong công việc mà các anh đang làm. Ở đâu có đối tượng bị truy nã thì ở đó có các anh; và cho dù phải đối mặt với hiểm nguy khi làm nhiệm vụ nhưng các chiến sĩ vẫn ngày đêm lặn lội, âm thầm làm tròn chức trách công việc được giao.
Thầm lặng những bước chân
Gia đình đầu tiên mà chúng tôi đến thăm là nhà của đối tượng Nguyễn Văn Ngọc, SN 1987 can tội chiếm đoạt tài sản. Ngọc là bảo vệ cho Công ty P. tại KCN VSIP, TX.Thuận An. Sau khi nghỉ việc, nghe theo lời rủ rê của bạn bè, Ngọc đột nhập vào công ty lấy trộm hàng hóa đem ra bán lấy tiền tiêu xài. Tiêu thụ xong tài sản, Ngọc vẫn không biết rằng mình đang bị truy nã. Lần theo hồ sơ, các CSTN đã liên hệ cùng chính quyền địa phương tìm đến tận nhà Ngọc ở tỉnh Tiền Giang để tìm hiểu hoàn cảnh gia đình và vận động Ngọc ra đầu thú. Bước đầu làm quen, gia đình thao thao nói về Ngọc như là đứa con rất đáng tự hào và không ai biết rằng Ngọc đang là tội phạm. Đến khi các chiến sĩ công an thông báo sự tình thì họ mới sững sờ; vì niềm hy vọng lâu nay của gia đình vụt tắt! Lúc này, gia đình họ cũng không biết Ngọc đang lẩn trốn ở nơi đâu. Khi nghe các chiến sĩ phân tích “lời hơn lẽ thiệt” khi tội phạm ra đầu thú, gia đình hiểu ra chuyện nên đồng ý hợp tác và gọi điện đến từng người thân để tìm con.
Cảnh sát truy nã tội phạm vận động gia đình chị Nguyễn Thị Vân đưa Ngọc ra đầu thú
Sau khi tìm kiếm, gia đình biết Ngọc đang trốn tại nhà chị là Nguyễn Thị V., ngụ tại TX.Thuận An nên các chiến sĩ lại ngược trở về Bình Dương tìm gặp chị V. Và khi gặp gỡ, các chiến sĩ đã thuyết phục được chị V. giao em trai cho cơ quan công an. Nhưng chuyện này cũng chẳng chút dễ dàng, vì đối tượng phạm tội ai cũng sợ phải đối diện với pháp luật; và Ngọc cũng lo sợ nên việc khuyên nhủ càng khó khăn hơn. Với tất cả tình yêu thương của một người chị, chị V. đã cố gắng trò chuyện, phân tích cái lợi của việc ra đầu thú, để có cơ hội làm lại cuộc đời thì Ngọc mới đồng ý.
Ngày về trại tạm giam Công an TX.Thuận An, Ngọc bày tỏ: “Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, suy nghĩ nông cạn, lại nghe theo lời rủ rê của bạn bè mà làm chuyện xấu. Nhờ có các anh cảnh sát, gia đình động viên tôi ra đầu thú nên giờ đây tôi cảm thấy thoải mái hơn nhiều. Nếu không có các anh thuyết phục thì không biết bây giờ tôi đang trốn ở đâu, kéo dài những ngày sống trong phập phồng lo sợ… Hy vọng những đối tượng phạm tội mà ra đầu thú như tôi sẽ nhận được sự khoan hồng của pháp luật để được sớm trở về với cuộc sống thường ngày”.
Chiến công bù đắp gian nan
Rời TX.Thuận An, chúng tôi đến trại tạm giam Công an huyện Tân Uyên gặp đối tượng Lê Minh Thiết, SN 1984, quê Trà Vinh, can tội “cố ý gây thương tích”. Thiết từng là tay anh chị “có máu mặt” trong giới giang hồ, đã gây án ở nhiều nơi và có một tiền án. Các cơ quan công an đều “mệt mỏi” với đối tượng này! Thế nhưng, khi Thiết gây án tại huyện Tân Uyên thì CSTN đã vận động được đối tượng này ra đầu thú. Để vận động được một tay anh chị như Thiết, xem ra CSTN cũng vất vả, nhọc công khi phải tìm đến gia đình của đối tượng ở tỉnh Trà Vinh, cho dù hy vọng rất mong manh. Thông qua chính quyền địa phương, CSTN biết Thiết là anh cả trong gia đình, rất thương cha mẹ và các em. Qua làm việc, thấy cha mẹ của Thiết đang lâm bệnh nặng nên thiếu tá Trần Trọng Nghĩa, Phó Đội trưởng Đội truy bắt đối tượng truy nã khác, đã chủ động gom góp tiền của anh em mua đường, sữa và một số vật dụng cần thiết để thăm viếng, giúp đỡ gia đình đối tượng.
Cảm nhận được tấm lòng từ các cán bộ, chiến sĩ công an; cha mẹ Thiết đã điện kêu gọi con mau ra đầu thú. Từ lúc trưởng thành, Thiết chỉ làm đau lòng cha mẹ, chưa chăm lo cho gia đình được ngày nào; và khi biết các chiến sĩ công an đối xử rất tốt với gia đình mình nên Thiết bình tâm suy nghĩ lại. Ngày hôm sau, Thiết đã chủ động điện thoại cho thiếu tá Nghĩa ngỏ ý xin ra đầu thú! Thế nhưng, CSTN chưa vội đưa Thiết về quy án mà yêu cầu Thiết vận động thêm các đối tượng là đồng bọn của mình cùng ra đầu thú. Lúc này, Thiết đã đồng ý hợp tác với mong muốn sẽ nhận được sự khoan hồng của pháp luật và đáp trả ơn mà các anh công an đã thay mình chăm sóc cha mẹ trong lúc họ ốm đau. Chỉ khoảng 10 ngày, Thiết đã vận động giúp các anh đưa thêm 2 đối tượng gây án ra đầu thú. Đây là một chiến công ngoài mong đợi của các chiến sĩ công an! Thiết nói rằng: “Tôi đã trốn rất nhiều nơi ở Đồng Nai, TP.HCM và huyện Tân Uyên… những ngày đó, tôi không thể làm ăn gì, cứ phải trốn chui trốn nhủi vì sợ công an phát hiện. Tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện ra đầu thú nhưng các anh công an đã làm tôi sực tỉnh. Giờ thì tôi phấn đấu chấp hành án tốt, giảm nhẹ hình phạt để sớm về nhà lo tu chí làm ăn, chăm lo cho gia đình”.
Có thể nói, đấu tranh với tội phạm đã khó thì việc truy tìm đối tượng bị truy nã lại càng khó hơn. Vì khi gây án, các đối tượng đã lường trước được bản án mà pháp luật dành cho mình nên họ tìm mọi cách để lẩn trốn. Khi tìm được rồi thì chúng thường chống trả mãnh liệt. Vì vậy, việc vận động đối tượng ra đầu thú là công tác rất được Phòng CSTN quan tâm, chú trọng; bởi vừa thể hiện tính nhân văn, vừa giảm được hao phí sức người, sức của, quan trọng nhất là giảm thiệt hại, thương tích về người. Dẫu biết rằng: cuộc chiến nào cũng đầy cam go, khốc liệt nhưng với tinh thần nhiệt tình và tấm lòng chân thành của mình thì các CSTN sẽ đạt nhiều thành tích cao hơn nữa trong công tác vận động đối tượng ra đầu thú, tạo được lòng tin trong nhân dân.
THỦY TRINH