Vấn đề đa dạng sinh học tại tỉnh Bình Dương

Thứ năm, ngày 30/09/2010

Bình Dương là tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam - khu vực kinh tế năng động nhất và là nơi tập trung sản xuất hàng hóa lớn với nhiều khu công nghiệp hiện đại. Với tốc độ công nghiệp hóa - hiện đại hóa như hiện nay cùng với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp - dịch vụ đã làm cho diện tích đất nông nghiệp, lâm nghiệp, diện tích trồng cây xanh trên địa bàn tỉnh Bình Dương giảm đáng kể. Điều này làm mất dần nơi sinh sống của nhiều loài sinh vật. Sự thay đổi này còn gây ảnh hưởng đến cân bằng sinh thái, dẫn đến sự biến mất của các loài đặc hữu của địa phương và nguy cơ tiệt chủng của các loài quý hiếm.

 Theo thống kê của Viện sinh học Nhiệt đới năm 2010, toàn tỉnh hiện có khoảng 1.087 loài thực vật bậc cao thuộc 159 họ, 23 loài thú thuộc 11 họ của 6 bộ, 100 loài chim thuộc 42 họ của 13 bộ, 41 loài bò sát thuộc 11 họ của 2 bộ và 19 loài lưỡng cư thuộc 4 họ của 1 bộ. Bên cạnh đó, Làng tre Phú An ở huyện Bến Cát với diện tích 10 ha được xem là khu bảo tồn các loài tre với hơn 1.500 bụi với 300 giống tre của 17 loài khác nhau của Việt Nam và thế giới, trong đó có nhiều loại tre quý hiếm như cây tép nứa, tre vuông, vàng sọc, mai, mạy muồi, luồng, vầu, trúc Cao Bằng, tre mét, hóp... Ngoài ra, Bình Dương cũng là nơi có nhiều loài cây ăn trái, phân bố chủ yếu ở huyện Thuận An, Bến Cát và Tân Uyên với diện tích khoảng 6.620 ha, trồng chủ yếu các loài sầu riêng, chôm chôm, măng cụt, dâu, mít tố nữ... Đặc biệt, vườn trái cây Lái Thiêu ở huyện Thuận An - một địa danh du lịch rất nổi tiếng của Bình Dương là một di sản sinh thái nông nghiệp đặc trưng có diện tích 1.320 ha trải rộng trên địa bàn 6 xã, thị trấn của huyện Thuận An nằm ven sông Sài Gòn.

Động vật hoang dã bị săn bắt và bày bán trên đường phố

Tuy nhiên, quá trình phát triển công nghiệp và đô thị hóa cũng là nguyên nhân làm suy giảm đa dạng sinh học (ĐDSH) của Bình Dương. Các nghiên cứu và khảo sát gần đây cho thấy các thảm thực vật của Bình Dương hiện chỉ còn lưu trữ lại là rừng non trữ lượng thấp, độ che phủ chủ yếu nhờ vào diện tích các loài cây công nghiệp lâu năm và cây ăn trái. Hệ động thực vật giảm sút mạnh về số lượng và loài, hệ động vật hoang dã của tỉnh hầu như còn không nhiều, ở những cánh rừng chỉ có những loài thú nhỏ và các loài chim. Các loài thú quý hiếm của tỉnh có số lượng rất ít và phân bố chủ yếu ven hồ Dầu Tiếng. Các loài động vật hoang dã trong tự nhiên chỉ còn lại một ít ở các rừng phòng hộ Dầu Tiếng, rừng chiến khu D và rừng sản xuất lâm trường Phú Tân, chủ yếu là các loài cầy hương, khỉ đuôi dài, lợn rừng, cheo cheo, thỏ rừng, sóc, mèo rừng...

Nguyên nhân làm mất đi sự cân bằng sinh học và giảm sự ĐDSH trên là kết quả của sự tác động của nhiều yếu tố khác nhau bao gồm: Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp làm cho diện tích thảm thực vật giảm dẫn tới số lượng, chủng loài các loài thực vật giảm và do mất nơi cư trú nên số lượng các loài động vật cũng giảm theo; việc săn bắt và mua bán động vật hoang dã trái phép cũng là một trong những nguyên nhân trực tiếp, rõ ràng nhất gây nên giảm sút và biến mất của nhiều loài động vật trên địa bàn tỉnh. Hơn nữa, hoạt động công nghiệp tạo ra một lượng chất thải rất lớn làm ô nhiễm môi trường đất, nước và không khí, gây hủy hoại môi trường sống của rất nhiều loài động vật, thực vật và vi sinh vật, do đó sẽ làm mất đi sự cân bằng sinh học và giảm sự ĐDSH trên địa bàn tỉnh.

Trong nhiều năm qua, Bình Dương đã tiến hành rất nhiều các hoạt động giáo dục, tuyên truyền cũng như các chương trình, dự án và chiến lược nhằm lôi kéo cộng đồng dân cư địa phương vào công tác bảo vệ rừng, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên rừng, cũng như môi trường. Tuy nhiên, do còn chưa hiểu rõ về lợi ích, cũng như giá trị của ĐDSH và nội dung của các hành động bảo vệ ĐDSH nên sự tham gia của cộng đồng còn ít và chỉ đạt được một số kết quả nhất định.

Từ đó, chúng ta thấy được vai trò của cộng đồng trong công tác bảo vệ ĐDSH là rất quan trọng, công tác này không thể hoàn thành trong một thời gian ngắn với sự tham gia của một tổ chức hoặc một cá nhân nào đó mà phải là một quá trình tham gia lâu dài với sự tham gia của toàn cộng đồng, có như vậy thì sự ĐDSH của tỉnh Bình Dương nói riêng và của Việt Nam nói chung mới có thể được duy trì và phát triển.

MINH TUẤN