Vẫn còn nhiều sai phạm về an toàn thực phẩm
Theo đánh giá của cán bộ đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm (ATTP) của Phòng Y tế TP.Thủ Dầu Một thì vẫn còn nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, thức ăn đường phố sai phạm. Đoàn đã xử lý nhắc nhở, xử lý hành chính tại những cơ sở kinh doanh không đạt yêu cầu về ATTP…
(BDO)
Đoàn kiểm tra liên ngành đang lập biên bản xử phạt một trường hợp sử dụng nguyên liệu không bảo đảm Ảnh:Q.NHƯ
Trong dịp trước, trong và sau tết và cao điểm là lễ hội Rằm tháng giêng, đoàn kiểm tra liên ngành đã thanh, kiểm tra 9 cơ sở chế biến và 19 dịch vụ ăn uống. Điều đáng quan tâm là chỉ có 1 cơ sở sản xuất chế biến và 3 dịch vụ ăn uống trên địa bàn đạt yêu cầu về ATTP. 24 cơ sở vi phạm, tỷ lệ gần 86% là một con số đáng lo ngại. Đoàn kiểm tra cũng đã lập biên bản xử phạt 16 cơ sở, số tiền hơn 40 triệu đồng. Thực phẩm bị lập biên bản tiêu hủy tại chỗ hầu hết là dương tính với hàn the. Thử nhanh 43 mẫu thì có đến 14 mẫu âm tính. Đoàn cũng cho hủy tại chỗ 6kg thịt giò chay, 16kg tàu hủ ky, 1,25kg đùi gà chay, 1kg chả lụa chay, 24 cây chả lụa loại 250gr, 0,5kg chả cá chay, 1kg mì vàng và 18kg nem chua không rõ nguồn gốc.
Bà Lê Thị Tuyết Bình, Trưởng phòng Y tế TP.Thủ Dầu Một, nhận xét: “Hầu hết các mẫu mì sợi vàng khi chúng tôi kiểm tra đều dương tính với hàn the. Thế nên, người tiêu dùng cần thận trọng khi mua mì sợi vàng dạng tươi. Tốt nhất là không nên ăn các loại mì không có nhãn mác, hạn sử dụng, chứng nhận bảo đảm về chất lượng sản phẩm”. Các đánh giá khác mà đoàn liên ngành đã chỉ ra cũng rất nhiều. Đó là sai phạm về sử dụng nguyên liệu không bảo đảm an toàn để chế biến thực phẩm; chưa khám sức khỏe định kỳ cho đối tượng thuộc diện phải khám sức khỏe hoặc sử dụng giấy khám đã hết hạn; không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP theo quy định hoặc có nhưng đã hết thời hạn trên 3 tháng; kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ. Tại các quán ăn, nhà hàng, đoàn cũng đã ghi nhận những sai phạm khác như không bảo quản thực phẩm đúng theo hướng dẫn, khu chế biến thức ăn không bảo đảm vệ sinh, không bảo đảm riêng biệt từng loại thực phẩm dẫn đến nguy cơ gây ô nhiễm chéo. Về nhân viên quán ăn, nhà hàng vẫn còn sai phạm trong không mang, mặc, trang phục bảo hộ lao động theo quy định của ngành y tế. Khu vực bếp không có trang thiết bị, dụng cụ phù hợp theo quy định để bảo quản thực phẩm được tốt …
Vấn đề còn lại là sau mỗi đợt kiểm tra về VSATTP, sau mỗi đợt xử phạt thì việc sai phạm về ATTP có vãn hồi được một thời gian lại trở về tình trạng chung. Một khi người sản xuất, kinh doanh thực phẩm vẫn chạy theo lợi nhuận, cố tình vi phạm về VSATTP thì người tiêu dùng vẫn… lãnh đủ!
QUỲNH NHƯ