Văn chương phải từ cuộc sống mới rung động độc giả
(BDO) Văn chương phải đi từ cuộc sống, phục vụ cuộc sống mới tạo được sự rung động nơi người đọc. Điều này thì ai cũng biết nhưng để đưa cuộc sống vào tác phẩm quả là chẳng dễ dàng.
Thế nên những lần hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật (VHNT) đi thực tế, chúng tôi thường gọi đùa nhau là đi “nạp năng lượng!”. Các hội viên chuyên ngành khác như: Mỹ thuật, nhiếp ảnh, âm nhạc… hay văn học gì cũng cần có hơi thở từ thực tế mới sáng tác được. Quanh quẩn trong sách vở, trong công việc hàng ngày thì khó có thể viết cho hay, cho xúc động lòng người được. Năm nay, 15 hội viên thơ, văn xuôi của Hội VHNT các tỉnh: Lâm Đồng, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước, Bình Dương và Đồng Nai đã được tham dự trại sáng tác tại TP.Đà Lạt do Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam tổ chức.
Các hội viên tham dự trại sáng tác tại Đà Lạt
Dịp này, Bình Dương có 2 hội viên tham dự trại sáng tác. Các hội viên dự trại này sẽ nộp 2 bộ bản thảo tác phẩm (gồm 2 tác phẩm trở lên về thể loại thơ, truyện, ký…) cho Ban tổ chức và Nhà sáng tác trong thời gian tham dự trại. Trong những ngày cùng nhau tham gia trại, các hội viên đã giao lưu, học hỏi kinh nghiệm trong sáng tác, xuất bản tác phẩm. Chị Thu Hồng, hội viên Hội VHNT Bình Dương chia sẻ: “Ngày trước, tức là cách đây đã 35 năm rồi, khi đó tôi đang là cô giáo trẻ, đi trại sáng tác là…. ham vui mà đi. Sau này đến với Hội VHNT thấy nhiều người ở hội thật tốt, họ sống bằng cái tâm của mình, chỉ dạy cho tôi nhiều điều về cách làm thơ, viết văn. Thế là tôi cũng bén duyên với thơ văn từ đó. Nhưng nay càng lớn tuổi thì càng bình lặng, quan sát cuộc sống và viết lên những vần thơ, tác phẩm văn xuôi từ cảm xúc của mình”. Chị cũng cho biết thêm, để viết được một bài thơ, một truyện ngắn đi vào lòng người là không phải dễ. Phải có vốn sống phong phú, tích lũy từ kinh nghiệm sáng tác nhiều năm mới có những tác phẩm mà mình mong muốn.
Hầu hết các hội viên tham dự trại đều đã có một số đầu sách in chung, in riêng trong thời gian qua. Họ cũng là các cây bút tích cực cho tờ báo văn nghệ ở địa phương. Đây cũng là những tay bút thường đi nhiều, viết nhiều để viết về nét văn hóa, con người và vùng đất Tây nguyên, Đông Nam bộ. Có những người xuất thân từ quân ngũ, dược sĩ, giáo viên… nhưng tất cả đều có chung niềm đam mê văn chương, hết lòng với công việc viết lách của mình. Nhà văn Tùng Điển, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam cho rằng, văn chương cần hay, cần tinh chứ không cần nhiều! Ông cũng dẫn chứng, nhà văn Kim Lân (nổi tiếng với truyện ngắn Vợ nhặt) thường bảo rằng một nhà văn nếu một năm viết đến truyện ngắn thứ hai thì… coi như hỏng! Kim Lân là nhà văn của làng quê Việt Nam với cách viết mộc mạc, những hình ảnh nhân vật luôn là điển hình cho làng quê. Văn của Kim Lân đi sâu vào lòng người đọc bởi tình cảm bình dị, rất đời thường nhưng chan chứa tình người. Tác phẩm Vợ nhặt được đưa vào sách giáo khoa, được coi là một “kiệt tác” của văn học hiện thực Việt Nam. Nhưng Kim Lân cũng chỉ có hơn 10 truyện ngắn mà ông yêu thích và ông viết rất ít, rất cẩn trọng trong từng tác phẩm của mình. Nhà văn Tùng Điển còn cho biết thêm; 6 trại sáng tác hiện có trên cả nước từ Bắc vào Nam là những nơi tạo điều kiện cho hội viên thơ, văn các Hội VHNT cũng như Trung ương tổ chức các trại sáng tác hàng năm. Đây là dịp tốt để văn nghệ sĩ đến sinh hoạt, tập trung cho công việc sáng tác của bản thân hơn trong những khoảng thời gian bị chi phối đủ thứ từ cuộc sống. Đây là dịp tốt để nhà văn, nhà thơ sáng tác, chỉnh sửa tác phẩm của mình…
Để có thêm vốn sống, cảm xúc trong sáng tác văn học, các hội viên tham dự trại đã cùng nhau tham quan một số địa danh nổi tiếng của Đà Lạt. Tất cả nhằm đáp ứng cho những tác phẩm có chiều sâu, có hơi thở cuộc sống và phục vụ độc giả yêu văn học nhiều hơn.
QUỲNH NHƯ