Vai trò kép và diễn đàn kỹ thuật số Twitter của ông Donald Trump

Thứ hai, ngày 16/01/2017

(BDO) Nguy cơ xung đột lợi ích liệu có xảy ra trong bối cảnh có nhiều lo ngại về “vai trò kép” cuả ông Donald Trump khi vừa lãnh đạo nước Mỹ, vừa quản lý hoạt động kinh doanh của gia đình?

Vai trò kép của Tổng thống đắc cử

Từng tuyên bố sẽ rút khỏi công việc kinh doanh trước khi chính thức bước chân vào Nhà Trắng ngày 20-1 tới, song chỉ còn chưa tới 2 tuần là tới ngày nhậm chức, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump vẫn chưa làm được điều này, thậm chí hiện ông vẫn đứng tên sở hữu hoặc nắm quyền điều hành khoảng 500 công ty thuộc tập đoàn Trump Organization.

Nguy cơ xung đột lợi ích liệu có xảy ra trong bối cảnh có nhiều lo ngại về “vai trò kép” cuả ông khi vừa lãnh đạo nước Mỹ, vừa quản lý hoạt động kinh doanh của gia đình?

Trên thực tế, ông Trump đã hủy bỏ một loạt thỏa thuận quốc tế và giải thể một số công ty "vỏ bọc" - chỉ có trên giấy tờ, được thành lập để phục vụ các hoạt động đầu tư trong tương lai. Theo kế hoạch ông Donald Trump sẽ công bố việc rút dần khỏi hoạt động kinh doanh trong một cuộc họp báo vào ngày 12-1 tới.

Ngoài ra, ông cũng được kêu gọi bán bớt tài sản và chuyển các khoản đầu tư sang tập đoàn khác không do các thành viên trong gia đình quản lý. Đây cũng là điều các đời tổng thống trước đã từng làm. Tuy nhiên, cho đến nay, không chỉ vẫn nắm quyền điều hành 500 công ty thuộc tập đoàn Trump Organization, người ta chưa thấy bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy ông Trump sẽ sớm thực hiện việc rút dần khỏi việc kinh doanh hay vẫn tiếp tục hưởng doanh thu từ các hoạt động của Tập đoàn Trump Organization.

Dù đã khẳng định không tham gia các hoạt động thường nhật tại doanh nghiệp và trao quyền điều hành cho các con trai là Eric và Donald Trump Jr, song, vẫn còn rất nhiều vấn đề tồn đọng mà ông chưa giải quyết triệt để trước khi nhậm chức.


Nhiều người lo ngại sẽ có xung đột lợi ích khi ông Trump lên làm tổng thống.

Cụ thể, với các khoản đầu tư nước ngoài, ông Trump đã hủy bỏ các kế hoạch kinh doanh tại Azerbaijan, Brazil, Georgia, Ấn Độ và Argentina. Ông cũng đã giải thể các công ty "vỏ bọc" có liên quan đến kế hoạch kinh doanh tại Saudi Arabia. Hiện vẫn chưa rõ liệu các động thái này có phải là dấu hiệu cho thấy ông Trump đang dỡ bỏ dần mạng lưới các doanh nghiệp trong hệ thống kinh doanh của ông hay không.

Theo Luật sư chính của Tập đoàn Trump Organization Alan Garten, việc đóng cửa các công ty trên không hề liên quan đến cuộc bầu cử của ông Trump, đó chỉ là các công việc “dọn dẹp” đơn thuần vì trên thực tế, Tập đoàn Trump Organization vẫn đang mở rộng hoạt động trên toàn cầu. CLB Golf quốc tế Trump tại Dubai, Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất, vẫn dự kiến mở cửa vào tháng tới.

Mặc dù ông Trump tuyên bố sẽ “không có các thỏa thuận mới” khi ông tại nhiệm, song Eric Trump, Phó Giám đốc Điều hành của Tập đoàn Trump Organization vừa trao đổi với báo giới Argentina hồi tuần trước rằng tập đoàn đang tiếp tục mở rộng kế hoạch kinh doanh tại quốc gia này. Ông Eric cũng không loại trừ khả năng mở rộng hoạt động tại Nga.

Tuy nhiên, khi được hỏi về nguy cơ xung đột lợi ích nếu Tập đoàn Trump Organization tiếp tục hoạt động khi người đứng đầu trở thành Tổng thống Mỹ, ông Eric đã nhấn mạnh tới sự tách biệt của chính quyền và doanh nghiệp do ông Trump đứng đầu, khẳng định không có chức năng chung giữa hai lĩnh vực.

Mặc dù vậy, tại Mỹ, khối bất động sản có thể kéo theo nhiều xung đột lợi ích nhất trong số các tài sản mà ông Trump sở hữu là khách sạn mà ông đang vận hành tại tòa nhà bưu chính cũ ở thủ đô Washington D.C. Chính phủ liên bang là bên nắm giữ hợp đồng cho thuê tòa nhà mà ông Trump đã biến thành một khách sạn hạng sang, và vừa đi vào hoạt động chỉ vài ngày trước khi diễn ra cuộc bầu cử.

Giới phân tích cho rằng các điều khoản trong hợp đồng mà ông Trump ký với chính phủ trước đó cấm các quan chức được bầu nhận lợi ích tài chính từ tài sản này. Với điều khoản này, các nhà lập pháp của đảng Dân chủ cho biết ông Trump sẽ vi phạm các điều khoản hợp đồng này ngay khi lên nắm quyền. Không chỉ vậy, ông Trump hiện vẫn được xem là nhà sản xuất chương trình truyền hình thực tế "Celebrity Apprentice".

Tháng trước, ông Trump tuyên bố sẽ dừng hoạt động của Quỹ Donald J. Trump để tránh xung đột lợi ích. Quyết định này được đưa ra sau khi quỹ này thừa nhận trong một báo cáo thuế rằng vào năm 2015 và nhiều năm trước đó, họ đã vi phạm lệnh cấm của Sở Thuế vụ Mỹ (IRS) về tài chính, cụ thể là dùng tiền quyên góp được để phục vụ mục đích riêng của ông Trump và gia đình hoặc các thành viên khác của quỹ.

Văn phòng Tổng Công tố New York cho biết quỹ này chưa thể giải thể chừng nào họ chưa hoàn tất cuộc điều tra về việc ông Trump sử dụng tiền quỹ để tư lợi cá nhân, song không nói rõ thời hạn kết thúc các cuộc điều tra.

Các câu hỏi cũng đang được đặt ra xung quanh việc ái nữ Ivanka Trump cùng chồng là Jared Kushner, người dự kiến sẽ trở thành cố vấn của tổng thống, liệu có tách khỏi công việc kinh doanh của gia đình hay không. Dù trước đó, đại diện của ông Kushner từng tuyên bố đã trao đổi với Cơ quan Đạo đức Chính phủ Mỹ (OGE) và đang nghiên cứu các biện pháp để rút khỏi hoạt động kinh doanh.

Theo kế hoạch ông Kuskner cũng sẽ rút khỏi vị trí CEO của doanh nghiệp bất động sản với khối tài sản trị giá tới 7 tỷ USD, đồng thời cũng sẽ bán một số tài sản “lớn” như cổ phần tại tòa nhà cao tầng ở New York.

Giới phân tích cho rằng ngoài vấn đề kinh tế, Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ còn gặp không ít xung đột lợi ích khác liên quan đến các vấn đề đối nội. Một trong những vấn đề thu hút sự quan tâm lớn nhất hiện nay là tuyên bố sẽ nhanh chóng bãi bỏ đạo luật y tế Obamacare, một trong những thành tựu quan trọng nhất của Tổng thống Barack Obama đưa ra năm 2010.

Giới phân tích cho rằng việc bãi bỏ khi chưa có một chính sách thay thế sẽ làm ảnh hưởng không nhỏ tới những người đang được hưởng quyền lợi và chắc chắn sẽ gây ra sự phản ứng trong xã hội với những tác động không thể lường hết.

Và diễn đàn kỹ thuật số Twitter của ông Donald Trump

Cách đây hơn 8 năm, khi ông Barack Obama giành chiến thắng một cách thuyết phục và trở thành Tổng thống Mỹ, ông đã trở thành vị Tổng thống Mỹ đầu tiên sử dụng phương tiện Internet như một công cụ giao tiếp, để vận động dân chúng, cử tri Mỹ. Thời đó công cụ giao tiếp chủ yếu của ông Obama là e-mail.

Đến cuộc bầu cử tổng thống năm 2016, tỉ phú Donald Trump đã phát triển phương tiện giao tiếp kỹ thuật số lên một bước mới: đó là sử dụng mạng xã hội như một diễn đàn trao đổi trực tiếp với cử tri, dân chúng Mỹ và cả thế giới. Mạng xã hội Twitter chính là diễn đàn thường trực của ông Trump bên cạnh các sân khấu diễn đàn vận động cử tri trên mặt đất.

Mọi chuyện ông Trum đều thông qua Twitter. Sau khi giành chiến thắng trước bà Hillary Clinton, Donald Trump đã sử dụng mạng xã hội Twitter thường xuyên hơn tất cả các phương tiện truyền thông khác để đưa ra các tuyên bố về chính sách, bày tỏ chính kiến của mình đối với những sự kiện, những vấn đề đang được dư luận xã hội quan tâm.

Người ta thống kê rằng, trong giai đoạn chuyển giao quyền lực từ tháng 11-2016 đến nay, ông Trump đã sử dụng mạng Twitter thường xuyên nhất; ông đăng Twitter đến 250 lần, trong khi trả lời báo chí (cả báo in, phát thanh và truyền hình) chỉ vài lần, chưa kể những phát biểu thông qua người phát ngôn.

Twitter đã trở thành phương tiện truyền tải những thông tin chỉ dấu đầu tiên về các chính sách mà Tổng thống đắc cử Trump dự định sẽ triển khai trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình. Trump viết trên dòng Twitter các ý kiến của mình về những chính sách nào của Tổng thống Obama sẽ được ông giữ lại, những chính sách nào ông sẽ dẹp bỏ. Twitter chuyên chở những thông tin trực tiếp từ Tổng thống đắc cử về việc ông chọn lựa nhân sự như thế nào, quan điểm của ông về thành phần chính phủ mới ra sao.

Đáng chú ý nhất, Twitter chính là diễn đàn để ông Trump triển khai cuộc đối đầu ồn ào với các cơ quan tình báo Mỹ, xuất phát từ việc Cục Tình báo Trung ương (CIA) lên tiếng khẳng định có “bằng chứng” về việc nước Nga và Tổng thống Vladimir Putin có liên quan đến nhóm hacker tấn công quấy rối cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016. Ông Trump lên Twitter đưa ra những ý kiến phản bác, công kích các cơ quan tình báo.


Tổng thống đắc cử Donald Trump được cho là đang dùng Twitter để triển khai kế ly gián Nga và Trung Quốc?

Không chỉ bác bỏ thông tin mà các cơ quan tình báo đưa ra, Trump còn thể hiện quan điểm mạnh mẽ rằng ông “không còn niềm tin” vào các cơ quan tình báo. Trên Twitter, ông Trump viết những điều khiến tất cả các cơ quan tình báo Mỹ đều đứng ngồi không yên sau khi đọc xong: Ông cho rằng hoạt động của CIA là kém hiệu quả, những báo cáo hằng ngày của CIA, của DNI độ tin cậy không cao. Trump dẫn lại những sai lầm nghiêm trọng của CIA thời kỳ trước khi xảy ra cuộc chiến xâm lược Iraq năm 2003 để minh chứng rằng cơ quan này cần phải cải tổ triệt để.

Bên cạnh đó, ông cũng công kích DNI đang ngày càng bị “chính trị hóa” một cách nặng nề. Và ông viết trên Twitter những tuyên bố đầu tiên của mình về việc phải cải tổ trước hết hai cơ quan tình báo quan trọng này.

Có ý kiến nhận định rằng, Twitter đang được ông Trump sử dụng làm công cụ hoạch định chính sách đối ngoại trong giai đoạn chuyển tiếp quyền lực.

Trump thường viết lên dòng Twitter những phát biểu không chính thức của mình về một số vấn đề đối ngoại, như chính sách của Mỹ ở Trung Đông, với Israel, vai trò của Mỹ trong khối NATO và tương lai của tổ chức này sẽ ra sao, vai trò của Mỹ ở Đông Á, biển Đông,... Nổi bật nhất là các vấn đề liên quan đến chính sách đối với Nga và Trung Quốc.

Những dòng Twitter gây sóng gió nhất của ông Trump trong tuần lễ vừa qua là bình luận về cuộc trả lời phỏng vấn của ông chủ trang WikiLeaks Julain Assange với kênh truyền hình Fox News, trong đó Assange bác bỏ cáo buộc của tình báo Mỹ cho rằng nước Nga là nguồn cung cấp hàng ngàn e-mail mà các hacker lấy cắp từ hệ thống e-mail của đảng Dân chủ và các cố vấn của bà Hillary Clinton.

Trump đã khiến cho các nghị sĩ không chỉ của đảng Dân chủ mà còn bên Cộng hòa, và cả cộng đồng tình báo và các cơ quan an ninh đều nổi đóa khi ông không ngớt lời ca ngợi Tổng thống Nga Putin và khen ngợi Assange như một “người hùng” trong khi trong mắt các vị này cả Tổng thống Putin và Assange hiện nay đều “đáng căm ghét”.

Không phải đến bây giờ, ngay từ giai đoạn vận động tranh cử, và thậm chí rất lâu trước khi ông nghĩ đến chuyện làm Tổng thống Mỹ, Trump đã là một “fan cuồng” của Tổng thống Putin, và nước Nga đối với ông là một đất nước thân thiện hơn là thù địch, một thị trường kinh doanh béo bở.

Giới quan sát nhận định, qua nghiên cứu hàng trăm dòng Twitter của ông Trump liên quan đến chính sách đối ngoại, ấn tượng dễ nhận ra nhất chính là ông chủ yếu nói tốt, nói “nịnh” nước Nga và Tổng thống Putin, còn với Trung Quốc thì “nói xấu” nhiều hơn.

Ngay khi cả hệ thống truyền thông và tình báo của nước Mỹ rầm rầm tố nước Nga và Tổng thống Putin đứng sau vụ hacker tấn công can thiệp vào cụôc bầu cử Tổng thống Mỹ, Tổng thống đắc cử Trump đã “quyết liệt bênh vực” nước Nga và Tổng thống Putin, thản nhiên viết trên dòng Twitter rằng quan hệ thân thiện với nước Nga tốt cho nền hòa bình thế giới hơn Trung Quốc.

Những tuyên bố của ông trên dòng Twitter liên quan đến chính sách đối với Nga và Trung Quốc đều khác xa với các chính sách mà nước Mỹ theo đuổi trước đây. Ngày 2-1-2017, ông Trump lại viết trên Twitter những lời chỉ trích Trung Quốc về việc xử trí đối với những động thái thử tên lửa và nhất là tuyên bố mới đây của Bình Nhưỡng về năng lực vũ khí hạt nhân của nước này có thể bắn đến tận lãnh thổ Mỹ.

Những dòng Twitter đại loại như thế về Trung Quốc có rất nhiều, và chúng đã khiến cho giới chức ở Bắc Kinh đặc biệt quan tâm, lo ngại, thậm chí bực bội. Ngày 5-1-2017, Bắc Kinh đã lên tiếng chỉ trích ông Trump về chính sách “ngoại giao Twitter” của ông, và yêu cầu ông hãy “dẹp cái lối ngoại giao Twitter” đó đi.

Lý giải về hai thái độ khác nhau hoàn toàn của ông Trump đối với Nga và Trung Quốc trên mạng xã hội Twitter, một số nhà bình luận cho rằng, có vẻ như ông Trump đang triển khai một chiến thuật ngoại giao “cũ mà mới”, đó là dùng mạng xã hội trực tuyến để triển khai kế “ly gián” hai nước đồng minh hùng mạnh Nga - Trung nhằm chuẩn bị trước một bước cho những chính sách đối ngoại sắp tới, khi ông lên nắm quyền.

Trump đã biết quá rõ sức mạnh của Nga và Trung Quốc khi bắt tay nhau đã gây khó khăn cho nước Mỹ như thế nào trong suốt 8 năm qua. Vì vậy ông muốn “tách” hai đồng minh ra bằng cách “chơi thân” với người này, đồng thời “làm căng” với người còn lại để tạo hiềm khích lẫn nhau. Hiệu quả của kế “ly gián” này hiện chưa rõ sẽ ra sao, và người ta cũng chưa biết liệu ông Trump có thành công với kế này hay không. 

Theo CAND