Vai trò của nông dân miền Nam trong chiến dịch mùa xuân 1975

Thứ sáu, ngày 24/04/2015

(BDO) Cùng với những thắng lợi to lớn của quân và dân ta trên khắp chiến trường, để bồi dưỡng và phát huy sức mạnh to lớn của nông dân vào giai đoạn quyết định của cuộc kháng chiến đầu năm 1975, Trung ương Cục miền Nam tiếp tục ban hành chính sách ruộng đất ở miền Nam, thực hiện khẩu hiệu người cày có ruộng, động viên mọi nỗ lực của giai cấp nông dân và các tầng lớp lao động khác đánh bại chính sách bình định của địch ở nông thôn và đô thị, tiến lên hoàn thành sự nghiệp cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam. Chủ trương về ruộng đất của Đảng ta ở miền Nam lúc này có tác dụng to lớn, cổ vũ, động viên, đoàn kết các tầng lớp nhân dân lao động đẩy mạnh cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Ngày 6-1-1975, quân ta giải phóng hoàn toàn tỉnh Phước Long. Để chuẩn bị cho chiến dịch này, hàng ngàn đồng bào dân tộc ít người tham gia dân công, đưa hàng chục con voi từ các buôn làng để vận chuyển vũ khí, đạn dược, lương thực phục vụ chiến đấu.

Giữa lúc quân và dân Nam bộ đang đẩy mạnh tiến công và nổi dậy thì ngày 10-3-1975, ta giải phóng Buôn Ma Thuột, mở đầu cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975. Khi Trung ương chủ trương tập trung toàn lực để giải phóng miền Nam trong thời gian sớm nhất, tốt nhất là trong tháng 4-1975, không để chậm hơn, lúc bấy giờ, khí thế chiến đấu hừng hực khắp Nam bộ, tất cả dồn ra phía trước với một quyết tâm chưa từng có “một ngày bằng 20 năm”. Cùng với các mũi tiến công quân sự, nông dân Nam bộ đã đồng loạt nổi dậy khởi nghĩa với phương châm xã giải phóng xã, huyện giải phóng huyện, tỉnh giải phóng tỉnh, tiến lên giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Trên khắp các ngả đường của chiến trường miền Đông Nam bộ, hơn 40.000 dân công là nông dân địa phương đã tấp nập tham gia các chiến dịch mở đường, bắc cầu, vận chuyển vũ khí, lương thực cho mặt trận. Nông dân các huyện ven thành phố Sài Gòn - Gia Định hăng hái tập kết đạn dược, chuẩn bị điều kiện hậu cần cho chiến dịch. Các ủy ban khởi nghĩa được thành lập ở khắp mọi nơi, lãnh đạo nhân dân bao vây, giam hãm địch, truy quét bọn ngụy quyền tay sai, giành quyền làm chủ ở hầu hết các huyện. Lúc này chính quyền địch hầu như bị tê liệt, quân dân ta vây chặt Sài Gòn và các đô thị, tất cả các tuyến đường về đồng bằng sông Cửu Long đều bị chặt đứt. Nhân dân các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Thủ Đức đã vùng dậy quét sạch bộ máy ngụy quyền giải phóng quận lỵ và các xã, ấp. Nhiều nơi đồng bào xuống đường, dùng áp lực chính trị kêu gọi binh lính ngụy buông súng đầu hàng. Trong cuộc tấn công nổi dậy giải phóng Sài Gòn, gần 90% xã, ấp nông thôn ngoại thành đã nổi dậy khởi nghĩa bằng bạo lực của quần chúng.

Ở Tây Ninh, trong 20 ngày (từ 4 đến 24-4-1975) khắp các nơi, ta vận động 4.000 thanh niên tham gia lực lượng vũ trang, xây dựng thêm 9 tiểu đoàn và 13 đại đội độc lập.

Nông dân các tỉnh Khu 8, nhất là các tỉnh hai bên quốc lộ 4 đã đồng loạt nổi dậy giải phóng xã, ấp cùng với cánh quân chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích đánh chiếm, cắt đường giao thông giữa Cần Thơ với Sài Gòn.

Nông dân vùng giải phóng Thủ Dầu Một vận chuyển 40 tấn đạn, 80 tấn lương thực phục vụ chiến dịch giải phóng Sài Gòn.

Ở đồng bằng sông Cửu Long, hàng vạn thanh niên các tỉnh Tây Nam bộ xung phong vào bộ đội, du kích, dân công phục vụ chiến đấu. Quân khu 9 đã bổ sung 8.868 tân binh, xây dựng thêm 9 tiểu đoàn, nâng 10 đại đội bộ đội địa phương lên thành 10 tiểu đoàn, tổ chức thêm 60 đại đội bộ đội địa phương huyện, 330 đại đội du kích xã, 19 đại đội dân công. Quân khu 8 thành lập thêm 8 tiểu đoàn, 36 đại đội và 150 trung đội bộ đội địa phương... Trước ngày chiến dịch Hồ Chí Minh nổ ra, phần lớn nông thôn đồng bằng sông Cửu Long đã được giải phóng, lực lượng vũ trang và quần chúng đã áp sát các thị xã, thị trấn, đường giao thông chiến lược, bao vây, chia cắt địch. (Còn tiếp)

 

Ngày 24-4-1975: Bộ Chỉ huy Miền ra lệnh cho Quân khu 9 thực hiện nhiệm vụ phối hợp tiến công vào Sài Gòn

Ngày 24-4, Bộ Chỉ huy Miền ra lệnh cho Quân khu 9 thực hiện nhiệm vụ phối hợp với hướng chủ yếu của Miền tiến công vào Sài Gòn, với quyết tâm Tổng công kích - Tổng khởi nghĩa đánh sập toàn bộ đầu não ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn.

Quân Giải phóng miền Đông Nam bộ, tiến công, giải phóng tỉnh Tây Ninh

Ở Tây Ninh, đến ngày 24-4, sau 20 ngày tiến hành, toàn tỉnh đã vận động 4.000 thanh niên tham gia lực lượng vũ trang, xây dựng thành 9 tiểu đoàn và 13 đại đội độc lập mới để tăng cường cho bộ đội chủ lực và lực lượng vũ trang các huyện. Tại đây, trong đêm 24-4, các lực lượng ta đánh chiếm Bàu Nâu và trụ lại để đánh Trung đoàn 49, Sư đoàn 25 ngụy tháo chạy về Sài Gòn, đồng thời ta tổ chức cắt đường 22, kiểm soát đoạn lộ từ Tây Ninh về Sài Gòn.

V.H (tổng hợp)

HÀ THĂNG