Vải thiều sẽ mở lối đi cho trái cây, nông sản?
Mỗi năm, trái vải thiều cả nước đạt sản lượng trên dưới 300.000 tấn. Và cứ mỗi mùa thu hoạch vải thiều đến, người nông dân luôn khắc khoải lo âu cho đầu ra. Nhìn cảnh vải thiều bán tràn lan khắp vỉa hè, lề đường với giá rẻ mạt, ai cũng không khỏi chạnh lòng. Thế nhưng vào vụ vải thiều năm nay, tình hình tiêu thụ được xem là khá tốt, cả ở thị trường nội địa lẫn xuất khẩu.
(BDO)
Cách đây mấy hôm, đã có 13 tấn vải thiều của Việt Nam được xuất khẩu sang Australia. Sau thị trường Trung Quốc, Nhật, Mỹ, những trái vải thiều đầu tiên của ta đã sang được Australia, bắt đầu quá trình đẩy mạnh việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu cho trái cây và nông sản, tránh phụ thuộc vào một thị trường...
Điều đáng mừng là nếu các chuyến hàng thử nghiệm đầu tiên thành công, các doanh nghiệp nhập khẩu sẽ ký các hợp đồng lớn hơn và cơ hội sẽ mở ra cho trái vải thiều Việt Nam tại thị trường Australia và các nước khác là rất lớn. Vải thiều là loại trái cây tươi đầu tiên của Việt Nam được cấp phép nhập khẩu vào Australia, mở ra cơ hội mới cho một số loại trái cây khác như thanh long, nhãn, xoài... Theo quy định của Australia, để xuất khẩu trái vải tươi của Việt Nam vào thị trường này phải bảo đảm các yêu cầu nghiêm ngặt về vùng trồng, cơ sở đóng gói vải, bao bì và ghi nhãn, xử lý chiếu xạ, kiểm dịch lô vải thiều xuất khẩu. Để có được thành công của thương vụ này đã phải mất 12 năm đàm phán giữa Việt Nam và Australia.
Nói đến đường đi của trái vải thiều, chúng ta cũng không bao giờ quên vụ việc khi trái thanh long của Việt Nam xuất sang Nhật Bản. Sau lô đầu tiên chỉ một người tiêu dùng phát hiện sâu trong trái thanh long đã lập tức bị dừng lại và phải mất 10 năm sau mới quay trở lại được thị trường này. Đó là một bài học để đời.
Chuyện trái vải thiều xuất ngoại không phải là mới. Nhưng cách xuất ngoại thì có nhiều loại. Những năm trước, đầu ra chủ yếu của trái vải thiều chủ yếu trông chờ vào thương lái Trung Quốc mua thu gom và quyết định toàn bộ mọi chuyện. Và giờ đây, chuyện xuất khẩu trái vải thiều đến những thị trường khó tính đang gợi mở ra nhiều suy nghĩ của một cách làm ăn căn cơ. Đó không chỉ là duy trì việc thực hiện quy trình sản xuất tiêu chuẩn để luôn bảo đảm chất lượng, không có dư lượng hóa chất, cùng với đó là phải đầu tư công nghệ chế biến bảo quản hiện đại nhằm đáp ứng các yêu cầu khắt khe, nghiêm ngặt về tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm.
NHẬT HUY