Vài mẩu chuyện ấn tượng trong đời sống âm nhạc cách mạng miền Nam
Âm nhạc cách mạng Việt Nam nói chung và âm nhạc cách mạng miền Nam nói riêng đã góp phần không nhỏ trong công cuộc giải phóng đất nước, giành lại độc lập tự do cho nước nhà từ tay bọn thực dân, đế quốc xâm lược... Dòng âm nhạc ấy đã đi sâu vào lòng người, đã khơi gợi lòng yêu quê hương, yêu dân tộc trong mỗi trái tim người Việt Nam; nó đã như là một món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân yêu nước, của những chiến sĩ cách mạng trong thời kỳ gian khó, cam go nhất... Và trong lĩnh vực này cũng có những câu chuyện đáng nhớ, khắc ghi mãi trong lòng những người yêu âm nhạc, âm nhạc cách mạng miền Nam...
Ca múa tiếng chày trên sóc Bom Bo
“Cái kèn Băng-giô” của rừng miền Đông năm xưa
“Cái kèn Băng-giô” là biệt danh do đồng nghiệp đặt cho nhà giáo ưu tú - nghệ sĩ Nguyễn Bình Trang khi cô chuyên thủ diễn cây đàn accordion từ trong những năm đầu của cuộc kháng chiến (tháng 7-1950). Năm 1953, khi nhà quay phim Nguyễn Thế Đoàn, họa sĩ Lê Minh Hiền... đem 3 cuốn phim: Bác Hồ tại Đại hội Đảng lần thứ II; Nước Ác-mê-ni Xô Viết và Lênin năm 1917 từ Chiến khu Việt Bắc trở về miền Đông Nam bộ. Lúc bấy giờ, cả đồng bào và bộ đội ở miền Nam đều rất mê phim. Hễ nghe nơi nào có chiếu phim thì dẫu có lội bộ băng rừng suốt vài tiếng đồng hồ để được xem thì họ vẫn phấn khởi, nhất là những bộ phim về Bác... mà thuở ấy, đa số chỉ được xem hình, không có tiếng vì máy phát điện yếu... Để tăng độ hấp dẫn cho phim, vậy là “Cái kèn Băng-giô” được chỉ định đệm nhạc nền cho phim. Nhưng ngặt nỗi, 3 bộ phim trên toàn là phim mới, chưa lần nào được xem qua nên nghệ sĩ Nguyễn Bình Trang rất lo lắng, sợ không hoàn thành nhiệm vụ... Tuy nhiên, khi bộ phim đầu tiên: “Bác Hồ tại Đại hội Đảng lần thứ II” được chiếu lên, hình ảnh Bác Hồ xuất hiện, lòng nghệ sĩ Nguyễn Bình Trang xao xuyến lạ thường... Lâu nay, chỉ được thấy Bác qua bức ảnh chân dung in trên báo bí mật nhưng cũng đã cảm thấy thiêng liêng lắm rồi, nay lại được thấy vị lãnh tụ tối cao của mình đi đi lại lại, nói chuyện cùng các vị đại biểu, cán bộ... Điều đó làm cho mọi người, trong đó có Nguyễn Bình Trang như gặp được Bác Hồ bằng xương bằng thịt trước mặt mình... Bao cảm xúc dâng trào khiến cổ họng nghẹn ngào, Nguyễn Bình Trang ôm vội lấy cây đàn accordion và những âm thanh trầm hùng của bài “Lãnh tụ ca” của Lưu Hữu Phước vang lên: “Sao vàng phất phới ánh hồng tươi/ Toàn dân Việt Nam đón chào ngày mới/ Hồ Chí Minh dắt toàn dân nước ta...”... Nguyễn Bình Trang vừa đệm đàn vừa ràn rụa nước mắt khiến cô phải nhanh tay gạt đi để nhìn rõ được Bác trên phim... Rồi quang cảnh hội trường ở rừng Việt Bắc cùng những gương mặt cương quyết, ấm áp của các vị đại biểu... được chiếu lên. Nguyễn Bình Trang lại nhanh chóng chuyển qua âm thanh của bài “Ca ngợi Đảng Lao động Việt Nam”: “Vừng trời Đông, ánh hồng tươi sáng bừng lên...”... Từ đó, tất cả các buổi chiếu phim ở Phân Liên khu miền Đông đều có Nguyễn Bình Trang đệm đàn; cô đệm với tất cả xúc cảm lòng mình, đệm say sưa... Dẫu gian khổ, khó khăn là thế, nhưng Nguyễn Bình Trang vẫn một lòng kiên trung với cách mạng, với nhân dân.
Sau 1975, nghệ sĩ Nguyễn Bình Trang là giảng viên đại học chỉ huy dàn hợp xướng tại Nhạc viện TP.HCM gần 20 năm...
Hoàn cảnh ra đời “Tiếng chày trên sóc Bom Bo”
Năm 1967, chiến tranh ở vùng miền Đông Nam bộ lại ác liệt hơn với hàng ngàn xe tăng, pháo đài bay B52 của giặc tham chiến, rải thảm ngày đêm. Suốt đêm ấy, cứ 15 phút lại có một đợt rải thảm khiến Đoàn Văn công Quân Giải phóng do nhạc sĩ (NS) Xuân Hồng làm đoàn trưởng phải “nếm mùi” thật sự. Ban đầu, anh em có phần nao núng nhưng riết rồi thành quen, gan lì hơn. “Chịu trận” suốt nửa tháng như vậy nên nguồn thức ăn tươi không được tiếp tế. Nguồn thức ăn còn bị hạn chế nói chi đến nhu yếu phẩm như: đường, trà, thuốc lào, thuốc lá... Không có thuốc lào, thuốc lá, nhiều người phải cuốn lá cò ke nhả khói đỡ ghiền. Hôm đó, NS Xuân Hồng lục các túi ba lô của mình không ngờ “nhặt” được điếu thuốc A-rô bỏ quên lâu ngày đã mốc meo... NS liền cắt nhiều đoạn chia cùng bạn. Trong lúc “đã thèm” đó, NS đã khe khẽ hát lên bài mà ông vừa nghĩ ra... Đó là bài “Tiếng chày trên sóc Bom Bo”... Sau đó, nghệ sĩ Trường Sơn đã dàn dựng bài hát này rất thành công, biểu diễn khắp nơi được bà con nồng nhiệt đón nhận. Và cho đến nay, “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” vẫn được nhiều người yêu thích và nó đã góp phần làm cho Bom Bo, Bình Phước nổi danh hơn...
DẠ TRẦM
(Dựa theo cuốn “Hồi ức 50 năm Âm nhạc cách mạng miền Nam” của Hội Âm nhạc TP.HCM xuất bản năm 1997)