Vắc xin ngừa Covid-19 giúp bảo vệ sức khỏe trẻ em trước dịch bệnh
(BDO) Bình Dương đang tiến hành tiêm các liều vắc xin ngừa Covid-19 cho trẻ từ 5 - 17 tuổi. Ghi nhận thực tế tại địa phương, tỷ lệ trẻ được tiêm vắc xin Covid-19 mũi 2 ở nhóm trẻ từ 5 - 11 tuổi và mũi 3 cho trẻ từ 12 - 17 tuổi đạt tỷ lệ thấp. Nhiều phụ huynh còn e dè đưa trẻ đi tiêm trong khi lợi ích vắc xin ngừa Covid-19 rất lớn, bảo vệ trẻ trước nguy cơ hội chứng viêm đa hệ thống.
Tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cho trẻ từ 12 - 17 tuổi tại TP.Thủ Dầu Một
Phụ huynh e dè
Theo số liệu thống kế, tính đến ngày 15-7, toàn tỉnh đã triển khai tiêm được hơn 6,8 triệu liều vắc xin ngừa Covid-19, trong đó trẻ từ 5 - 11 tuổi đã tiêm được hơn 164.500 liều, trẻ từ 12 - 17 tuổi đã tiêm được hơn 318.200 liều. Thống kê cụ thể số trẻ tiêm các mũi cho thấy tiến độ tiêm mũi 2 cho trẻ từ 5 - 11 tuổi mới chỉ đạt 24,2%, mũi 3 cho trẻ từ 12 - 17 tuổi đạt 11,7%.
Hiện công tác tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cho trẻ em từ 5 - 17 tuổi thực hiện theo hình thức tiêm chủng chiến dịch tại các cơ sở tiêm chủng cố định ở 91 trạm y tế xã, phường, thị trấn và tại bệnh viện. Vắc xin được tiêm là vắc xin Moderna và Pfizer. Các điểm tiêm chủng đều đã sẵn sàng, bố trí bàn tiêm để bảo đảm an toàn trong từng mũi tiêm cho trẻ. Phản ứng sau tiêm mũi 3 ghi nhận được chủ yếu là các phản ứng thông thường như sưng đau tại chỗ tiêm, sốt, ớn lạnh, đau đầu, đau cơ, đau khớp, mệt mỏi tương tự như sau tiêm 2 mũi cơ bản.
Thực tế, hiện phụ huynh còn e dè đưa trẻ đi tiêm mũi 2, mũi 3 mặc dù các ngành, địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền. Điển hình tại TP.Thuận An chỉ có hơn 1.800 trẻ từ 12 - 17 tuổi đã tiêm mũi 3 vắc xin ngừa Covid-19. Trong nhóm trẻ không đi tiêm mũi 3 có nhiều trẻ là F0 khỏi bệnh. Nhiều phụ huynh cho rằng đã bị F0 nên đã có kháng thể bảo vệ, không cần tiếp tục tiêm vắc xin. Trong khi đó một số phụ huynh lại “đang cân nhắc”, nhất là các em có bệnh nền, thể trạng yếu. Nhiều phụ huynh đã tìm đến bác sĩ để được tư vấn việc nên hay không nên cho con tiêm vắc xin ngừa Covid-19. Chị Mai Thị Lan, ngụ ở phường Phú Hòa (TP.Thủ Dầu Một) cho biết: “Tôi có 2 con là F0 đã khỏi bệnh và phân vân không biết có nên đưa con đi tiêm vắc xin Covid-19 mũi 3 hay không. Tôi đã tìm đến bác sĩ để được tư vấn. Nhưng bác sĩ cho biết, nếu không tiêm, khi nhiễm Covid-19, trẻ béo phì, có bệnh nền có nguy cơ sẽ làm bệnh tăng nặng trong khi 2 con tôi đều thừa cân béo phì. Tôi quyết định cho con đi tiêm mũi 3 nhưng rất lo lắng sợ phản ứng phụ sau tiêm”.
Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cho biết: “Một số người cho rằng sau khi tiêm mũi 3, mũi 4 sẽ có phản ứng phụ mạnh hơn. Theo các nghiên cứu trên thế giới, đối với mũi tiêm 3, mũi 4 vắc xin ngừa Covid-19 là ở giữa mức phản ứng của mũi 1 - 2. Cụ thể, vắc xin Pfizer tiêm mũi 2 sẽ có phản ứng nặng hơn mũi 1 nhưng đến mũi 3, mũi 4 thì ít phản ứng hơn mũi 2. Vắc xin Covid-19 là thành tựu của y học, trước khi tiêm đã nghiên cứu thí nghiệm. Hiện thế giới và Tổ chức Y tế thế giới vẫn đang duy trì tiêm chủng, người dân hoàn toàn yên tâm đi tiêm”.
Trẻ em nhiễm Covid-19 có thể dẫn đến viêm đa hệ thống
Trao đổi với chúng tôi về tình trạng trẻ nhiễm Covid-19, bác sĩ Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết trẻ mắc Covid-19 thường có các biểu hiện từ không có triệu chứng đến có triệu chứng, cho đến nặng phải nhập viện, tử vong. Trẻ nhiễm Covid-19 cũng có các biểu hiện lâm sàng kéo dài, có cả tình trạng hậu Covid-19, kể cả di chứng được gọi là các di chứng cấp tính của Covid-19. Hội chứng hậu Covid-19 ở trẻ thường xảy ra sau mắc Covid-19 khoảng 2 - 6 tuần với các biểu hiện thường gặp, như: Sốt cao liên tục, rối loạn tiêu hóa, phát ban ngoài da, môi lưỡi đỏ.
“Biểu hiện hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em (MIS-C) khá giống với một số tình trạng bệnh lý khác như sốc nhiễm độc hay bệnh Kawasaki. Với hội chứng này, trẻ có cảm giác mệt mỏi, choáng váng, mất mùi, phát ban, đỏ mắt, sốt kéo dài, thậm chí mất hoặc thay đổi vị giác… Số khác lại có tâm lý mặc cảm, tự ti sau mắc bệnh, khó tập trung, không ghi nhớ và hiểu được kiến thức giáo viên giảng dạy, chữ viết xấu… Toàn bộ các biểu hiện này rất cần được theo dõi, đánh giá sớm và can thiệp kịp thời, tránh ảnh hưởng đến sự phát triển lâu dài của trẻ”, bác sĩ Chín nói.
Trong khi đó, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Lân Hiếu, cho biết thêm “Tại Việt Nam, đã ghi nhận hàng trăm trường hợp trẻ em mắc hội chứng MIS-C với các biểu hiện viêm đa hệ thống đồng thời ở nhiều cơ quan như tim, phổi, thận, hệ tiêu hóa, não, da, mắt... sau khi mắc Covid-19 có thể tiến triển nặng, thậm chí có trường hợp tử vong. Ngoài ra, trẻ cũng có thể gặp phải hội chứng hậu Covid-19 với các dấu hiệu bất thường kéo dài về sức khỏe ảnh hưởng lớn đến khả năng học tập và vui chơi của trẻ, và có thể có những hậu quả lâu dài đối với quá trình phát triển của trẻ, cần tiếp tục theo dõi, điều trị. Trẻ mắc Covid-19 mức độ nhẹ trước đó có thể vẫn mắc hậu Covid-19 và hội chứng MIS-C mức độ nặng”.
Công tác tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cho trẻ em có ý nghĩa quan trọng, trước tiên là để bảo vệ sức khỏe cho trẻ trước bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn tiếp tục lây lan. Tiêm vắc xin ngừa Covid-19 giúp trẻ tránh mắc bệnh, tránh các hậu quả lâu dài của bệnh, giúp trẻ đến trường an toàn, tham gia các hoạt động xã hội, phát triển khỏe mạnh và làm tăng độ bao phủ vắc xin trong cộng đồng.
KIM HÀ