Vắc xin là lá chắn an toàn cho người dân trước Covid-19
(BDO) Đếm ca nhiễm phân loại cấp độ dịch không còn phù hợp
Đây là ý kiến của Phó Giáo sư - Tiến sĩ (PGS.TS) Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh về đếm số ca nhiễm phân loại cấp độ dịch. Theo PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, việc đếm ca nhiễm Covid-19 để phân loại cấp độ nguy cơ dịch bệnh không hợp lý trong giai đoạn hiện nay. Số ca nhiễm bây giờ chưa phản ánh chính xác mức độ dịch. Ít nhất 50% số ca nhiễm hiện nay không làm xét nghiệm PCR mà chủ yếu là test nhanh rồi tự cách ly tại nhà. Do đó, việc công bố ca nhiễm không còn phù hợp. Tại Bình Dương, trong tuần qua, số ca mắc tăng cao nhưng có tới 80,6% ca bệnh không ghi nhận triệu chứng, 98,1% bệnh nhân không mắc bệnh nền, 99% bệnh nhân điều trị tại nhà và hầu hết đã tiêm đủ liều vắc xin ngừa Covid-19. Đặc biệt, trong 2 tuần qua, Bình Dương không có ca chuyển nặng, tử vong trong cộng đồng và trong các cơ sở y tế.
Sắp tới, Covid-19 xem như bệnh lý thông thường. Việc đếm số ca nhiễm phân loại cấp độ dịch không còn phù hợp. Trong ảnh: Điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Khu điều trị bệnh nhân Covid-19 TP.Dĩ An
PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu nhấn mạnh, vắc xin là lá chắn an toàn cho người dân trước Covid-19. Số liệu thống kê cho thấy, tỷ lệ tiêm vắc xin người dân Bình Dương từ 12 tuổi trở lên với mũi 1 đạt 129,6% dân số, mũi 2 đạt 104,5% và mũi 3 là 57,5%. Tỷ lệ bao phủ rộng vắc xin ngừa Covid-19, cùng với sự thích ứng của hệ thống y tế là các yếu tố, điều kiện để Bình Dương xem Covid-19 là bệnh lý chuyên khoa. Đơn giản, Covid-19 được hiểu như là bệnh đặc hữu. Vi rút gây dịch Covid-19 có thể sẽ không hoàn toàn bị xóa sổ mà trở thành mầm bệnh đặc hữu như cúm mùa - là bệnh đặc hữu thông thường, như một bệnh chuyên khoa truyền nhiễm khác.
“Tôi cho rằng đến thời điểm này, Bình Dương cần xem Covid-19 là bệnh lý chuyên khoa và cần xử lý như các bệnh lý chuyên khoa khác. Tương tự như khi bạn bị bệnh nào thì sẽ tìm đến chuyên khoa đó để khám và điều trị. Việc thanh toán, chi trả tiền khám, chữa bệnh Covid-19 cũng cần ứng xử như với các bệnh lý khác, có thể do bảo hiểm y tế chi trả hoặc có thể khám dịch vụ do người dân tự chi trả. Như thế, nhà nước sẽ có đủ năng lực để làm tốt nhất, chuyên sâu nhất”, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu nói.
Bàn về độc lực biến chủng Omicron, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu chia sẻ: Những ngày cuối năm 2021 và đầu năm 2022, nhiều nước trên thế giới ghi nhận ca mắc mới Covid-19 tăng mạnh do sự xuất hiện của biến thể Omicron của vi rút SARS-CoV-2. Hiện nhiều nghiên cứu đang được thực hiện để hiểu rõ hơn về biến thể này. Đến nay, hầu hết đều nhất trí rằng, Omicron có khả năng lây lan nhanh hơn mọi biến thể khác nhưng không gây hậu quả nặng nề như biến thể Delta, số bệnh nhân chuyển nặng, tử vong rất ít. Thực tế tại Việt Nam và Bình Dương, sau khi biến chủng Omicron xâm nhập, chúng ta đã an toàn với dịch bệnh, đã đi qua đỉnh dịch và sang sườn dốc bên kia của dịch bệnh. Việt Nam có thể đưa Covid-19 ra khỏi danh sách dịch bệnh truyền nhiễm nhóm A (các bệnh đặc biệt nguy hiểm, có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và có tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh).
Xem Covid-19 như bệnh lý thông thường
Nhấn mạnh về các giải pháp ứng phó khi xem Covid-19 là bệnh lý thông thường, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu cho biết: Hiện Bình Dương đã triển khai rộng rãi mô hình khu điều trị riêng biệt người bệnh Covid-19 ở các trung tâm y tế huyện, thị, thành phố. Đây là hướng đi đúng mà tỉnh đã lựa chọn nhằm nâng cao chất lượng điều trị, coi Covid-19 là bệnh lý thông thường. Trong phân loại cấp độ dịch, các xã, phường, thị trấn cũng dựa trên tiêu chí số bệnh nhân nặng và năng lực của hệ thống y tế. Về mục tiêu giảm tỷ lệ tử vong, Bình Dương cũng đã thay đổi trong tiêu chí xác định tỷ lệ bệnh nhân tử vong trên số ca nặng nhập viện mà không phải là tỷ lệ tử vong trên tổng số ca nhiễm đã áp dụng trong giai đoạn trước. “Tôi rất mừng là hiện nay các bệnh viện trên địa bàn tỉnh đã có khoa điều trị hậu Covid-19 để chăm sóc, điều trị cho từng người nhiễm cả về thể chất lẫn tâm lý. Vấn đề hiện nay, các đơn vị, địa phương cần chủ động về trang thiết bị vật tư y tế, thuốc để giúp người dân an tâm hơn khi xem Covid-19 là bệnh thông thường và thực hiện tốt thông điệp “5K + vắc xin + thuốc điều trị và ý thức là rất quan trọng” trong công tác chống dịch”.
Hiện việc xóa sổ vi rút SARS-CoV-2 gây dịch Covid-19 là điều khó có thể làm được. Xem Covid-19 là bệnh thông thường giúp chúng ta thích ứng an toàn, là bước chuyển mình để mỗi người thích ứng tốt hơn với bất kỳ khó khăn, thách thức nào trong tương lai. Người dân cần thực hiện tốt các biện pháp khi xem Covid-19 là bệnh lý thông thường như: Chủ động tiêm vắc xin ngừa Covid-19, thực hiện nghiêm thông điệp “5K” của Bộ Y tế, cần coi nhiễm Covid-19 là thông thường, không hoảng sợ. Cộng đồng không nên xa lánh F0, kỳ thị người nhiễm Covid-19, rèn luyện thói quen có lợi cho sức khỏe, vận động tập thể dục, nâng cao sức khỏe bằng cách có chế độ dinh dưỡng, làm việc và nghỉ ngơi hợp lý. Người dân khi phát hiện mình trở thành F0, hãy thông báo cho cơ quan chức năng và tuân thủ việc cách ly điều trị theo hướng dẫn của ngành y tế.
HOÀNG LINH