Và hoa đã nở...
Những ngày này, về thăm phường Tân Bình,TX.Dĩ An - vùng đất lửa trong những năm tháng kháng chiến chống ngoại xâm, chúng tôi cảm nhận một sự thay đổi diệu kỳ trên từng tấc đất. Con đường mang tên người nữ anh hùng Nguyễn Thị Tươi rộng thênh thang, được trải nhựa, thẳng tắp như chiếc xương sống vững chãi nâng đỡ, làm đòn bẩy cho hai khu phố Tân Phước và Tân Hiệp vươn mình phát triển.
(BDO)
Bia tưởng niệm tại Khu di tích suối Mạch Máng. Ảnh: P.V
Trước năm 1975, hai khu phố Tân Phước và Tân Hiệp thuộc xã Tân Hiệp, huyện Dĩ An. Sau giải phóng, xã Tân Hiệp và xã Bình Trị nhập lại thành xã Tân Bình (phường Tân Bình ngày nay). Giờ qua đây, khi chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của vùng đất này, ít người nghĩ rằng, nơi đây hơn 40 năm trước là vùng căn cứ kháng chiến, là nơi gánh chịu nhiều đau thương tang tóc trên một địa bàn gian khổ nhất là Dĩ An - cửa ngõ phía đông bắc thủ phủ Sài Gòn của chế độ Mỹ - ngụy. Cũng tại nơi đây, 50 năm trước đã xảy ra trận đánh kinh hoàng làm cho con suối Mạch Máng vốn hiền hòa thơ mộng, bỗng trở thành con “Suối Sọ” làm rúng động lòng người. Những người dân ở độ tuổi 70 trên vùng đất này hôm nay vẫn còn nhớ rất rõ sự kiện này.
Đó là vào ngày 4-5-1968, người dân địa phương bỗng nghe tiếng máy bay gầm rú, tiếng phi pháo dồn dập nổ và một trận đánh kinh hoàng diễn ra ngay tại khu căn cứ. Đứng chân tại đây lúc đó là các đơn vị thuộc Trung đoàn 165 (Công trường 7) gồm Đại đội 100, Tiểu đoàn 22, Tiểu đoàn 5, Tiểu đoàn 6, cùng với lực lượng dân quân địa phương Dĩ An và hai xã Tân Hiệp, Bình Trị. Sau nhiều đợt oanh kích bằng máy bay, phi pháo, xe tăng và bộ binh Mỹ - ngụy siết chặt vòng vây, hòng tiêu diệt lực lượng cách mạng. Sau hơn một ngày đêm chống trả quyết liệt, hàng chục đợt tấn công của địch đã bị các chiến sĩ quân giải phóng đẩy lùi. Cuối cùng trận đánh kết thúc, hơn 200 xác giặc bỏ lại chiến trường, 4 xe tăng của Mỹ - ngụy bị ta phá hủy, toàn khu vực Hố Lang - Mạch Máng tan hoang như bình địa. Về phía cách mạng, do địa hình đóng quân hẹp, tạm thời, nên thiệt hại về nhân lực cũng khá lớn. Hơn 150 cán bộ chiến sĩ của lực lượng chính quy Công trường 7 và lực lượng dân quân địa phương đã anh dũng hy sinh. Cũng tại trận này, đồng chí Năm Lan (Nguyễn Thị Tươi), khi ấy là Huyện đội phó Dĩ An đã hy sinh anh dũng, nêu cao tinh thần chiến đấu kiên cường của một nữ cán bộ trung liệt, trước lúc chết vẫn không nghĩ đến bản thân mình mà chỉ lo an nguy cho đồng đội. Vì vậy, sau giải phóng, đồng chí được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Giờ đây, tên chị được trang trọng đặt cho con đường chính đi ngang Khu di tích Mạch Máng - Suối Sọ, như một sự tri ân của nhân dân địa phương với người cán bộ mà họ hết lòng yêu mến.
Trở lại trận đánh kinh hoàng năm ấy, lịch sử ghi nhận có hơn 4.000 quả đạn pháo đã được địch trút xuống một khu vực nhỏ bé chưa đầy 1km2, đó là chưa kể các loại bom đạn khác của xe tăng, bộ binh và máy bay trực thăng mà chúng đã trút xuống suốt một ngày đầy khói lửa. Ông Lê Đức Phong, người còn sống sót trong trận đánh năm ấy, cho biết: “Sau khi trận chiến đi qua, nhìn thấy cảnh tượng tan hoang, cây cối ngã rạp hết, dừa thì cụt ngọn xác xơ, tôi không hiểu tại sao mình còn sống được”. Ông Phong nói như để hình dung lại sự ác liệt của trận đánh năm xưa, để khẳng định rằng, hiện tượng đầu lâu, sọ người trôi dạt theo dòng suối trong nhiều tháng sau đó đã nói lên cuộc chiến khốc liệt đến dường nào. Nhiều hài cốt liệt sĩ cho đến nay, sau 50 năm, vẫn chưa được tìm thấy và chắc chắn đã hòa vào lòng đất mẹ. Và đây cũng là lý do mà người ta gọi dòng suối này là “Suối Sọ”.
Năm 2008, 33 năm sau chiến tranh, chính quyền và nhân dân địa phương mới tạo lập được nơi thờ tự cho các chiến sĩ đã hy sinh trong trận đánh này. Đến năm 2013, UBND tỉnh Bình Dương cũng chính thức công nhận di tích suối Mạch Máng là di tích cấp tỉnh. Và cũng từ đó, nơi đây trở thành “địa chỉ đỏ” của TX.Dĩ An. Nhiều tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội khắp nơi đã về đây thăm, để ôn lại truyền thống cách mạng, để chiêm bái anh linh của những anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì Tổ quốc thân yêu. Nhiều đoàn cán bộ của Trung ương và các tỉnh bạn cũng đến đây thăm viếng, tưởng niệm.
Ông Lê Đức Phong, một trong những nhân chứng còn lại của trận đánh suối Mạch Máng thăm lại Khu di tích suối Mạch Máng. Ảnh: P.V
Năm nay, đúng 50 năm ngày diễn ra trận đánh lịch sử, cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm tu sửa, chỉnh trang lại Khu di tích suối Mạch Máng. Ngoài các hạng mục như sửa chửa tam cấp, trồng cây xanh thì điểm nhấn là việc dựng mới văn bia ghi nhận chiến tích. Được biết, văn bia này đã được giáo sư, anh hùng lao động Vũ Khiêu chấp bút cách đây một năm. Sau nhiều lần giới thiệu cho cán bộ và nhân dân góp ý, đến nay văn bia được chính thức xây dựng tại khu di tích: ...Ai qua Suối Sọ nơi này/ Dừng chân ngẫm lại bao ngày đấu tranh/ Buổi độc lập lòng thành tưởng nhớ/ Dựng tấm bia vạn thuở trường tồn/ Về đây! Hỡi những anh hồn/ Muôn dân nhang khói sớm hôm hãy về...
Vâng! “Muôn dân nhang khói sớm hôm hãy về”. Lời văn bia cũng là lời tri ân của nhân dân với những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh thân mình cho đất nước. Chính nhờ sự hy sinh của các anh, các chị mà hôm nay nhân dân địa phương nói riêng và nhân dân cả nước nói chung đã có cuộc sống ấm no hạnh phúc. Riêng vùng đất Tân Bình hôm nay đã thay da đổi thịt một cách diệu kỳ. Mới sau giải phóng, đây là một vùng đất thuần nông, nhân dân sống chủ yếu bằng trồng lúa và chăn nuôi nhỏ lẻ; đường sá chủ yếu là đường bờ ruộng. Người ta từng ví von nơi này là rốn vùng trũng Tân Bình. Nhưng với lòng tự hào là quê hương cách mạng, với ý chí kiên cường quyết tâm vươn lên xây dựng quê hương, cán bộ và nhân dân địa phương đã từng bước làm thay đổi diện mạo một vùng nông thôn nghèo khó.
Ngày nay, ngoài trục đường chính - đường Nguyễn Thị Tươi với bề rộng trên 12m cùng nhiều tuyến đường kết nối liên thông, tạo thuận lợi cho sản xuất hàng hóa lưu thông cũng như sinh hoạt của người dân. Mạch máu giao thông thông suốt đã làm khởi sắc một vùng quê hương cách mạng. Ở khu phố Tân Phước hôm nay, sản xuất nông nghiệp đã trở thành thứ yếu, cơ cấu kinh tế đã chuyển dịch theo hướng thương mại - dịch vụ - nông nghiệp; thu nhập bình quân đầu người năm 2017 đạt khoảng trên 50 triệu đồng. Người dân tại địa phương đều có cuộc sống khá sung túc. Điện, đường, trường, trạm đều đạt các tiêu chí của vùng đô thị. Với truyền thống đoàn kết và luôn tự hào là quê hương cách mạng nên người dân địa phương luôn quyết tâm giữ vững danh hiệu Khu phố văn hóa liên tục trong 21 năm qua, được tỉnh và Trung ương tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý...
50 năm đã trôi qua, hôm nay trên con đường mang tên người anh hùng Nguyễn Thi Tươi khang trang, rộng rãi, dòng người và xe cộ tấp nập lưu thông. Hai bên đường, nhiều công ty, xí nghiệp đang tiếp tục được xây dựng, những ngôi nhà cao tầng của người dân mọc lên đều khắp, vùng đất lửa đầy tang thương năm xưa giờ đây đã nở hoa...
TRẦN ĐÔN