Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự án Luật hộ tịch
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Nguyễn Kim Khoa phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Sáng 24-4, tiếp tục phiên họp thứ 27, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật hộ tịch, gồm 7 chương, với 80 điều.
Tờ trình dự án Luật nêu rõ việc Luật hộ tịch ra đời nhằm tạo cơ sở pháp lý ổn định, lâu dài, thống nhất cho công tác đăng ký, quản lý hộ tịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, bảo đảm thuận lợi cho việc thực hiện quyền đăng ký hộ tịch của người dân theo quy định của Bộ Luật dân sự.
Dự thảo Luật hộ tịch quy định chủ yếu các vấn đề về thẩm quyền, trình tự, thủ tục đăng ký các việc hộ tịch của người dân. Luật hộ tịch không quy định lại các quy định quyền nhân thân của cá nhân gắn với hộ tịch như quyền được khai sinh, quyền có quốc tịch, quyền nuôi con nuôi, quyền kết hôn… đã được các luật khác quy định.
Dự thảo luật cũng không quy định thẩm quyền, thủ tục giải quyết các việc về quốc tịch, nuôi con nuôi quốc tế là những vấn đề có liên quan đến hộ tịch nhưng đòi hỏi quy trình giải quyết đặc biệt hơn và đã được Luật quốc tịch và Luật nuôi con nuôi quy định.
Đa số ý kiến đánh giá dự thảo Luật đưa ra các quy định nhằm tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, tạo sự đổi mới trong công tác đăng ký và quản lý hộ tịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại. Nội dung dự án Luật cơ bản đảm bảo tính hợp hiến, tính thống nhất để trình để Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ bảy sắp tới.
Nhiều ý kiến tán thành sự cần thiết ban hành Luật hộ tịch và cho rằng việc xem xét dự thảo Luật hộ tịch cùng thời điểm với Luật căn cước công dân nhằm thể chế hóa quy định mới của Hiến pháp về quyền công dân, quyền con người, phù hợp với lộ trình đã được đặt ra trong Kế hoạch triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013.
Nhiều ý kiến tán thành với phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật và cho rằng giữa Luật hộ tịch và Luật căn cước công dân tuy có mối liên hệ mật thiết với nhau nhưng có mục đích và cách thức quản lý khác nhau. Thực tế cho thấy, dữ liệu thông tin công dân do các ngành khác nhau quản lý nên không tránh khỏi có thông tin trùng lắp, nhất là một số thông tin cơ bản của công dân.
Để đảm bảo ổn định, tránh xáo trộn trong công tác quản lý nhà nước về dân cư, dự án Luật chưa nên mở rộng khái niệm hộ tịch theo hướng bao gồm cả hộ khẩu và gộp các vấn đề hộ tịch, hộ khẩu, căn cước công dân để giao cho một ngành thống nhất quản lý.
Nhiều ý kiến cũng đề nghị cần có sự rà soát, phân biệt rõ những loại giấy tờ tùy thân, liên quan đến công tác quản lý của Nhà nước có sự chồng chéo, gây phiền hà không cần thiết để từng bước loại bỏ, nhất là trong điều kiện áp dụng phương thức quản lý hiện đại như trong dự thảo Luật hộ tịch đã đề ra.
Về số định danh công dân, nhiều ý kiến tán thành với việc sử dụng số định danh cá nhân trong quản lý hộ tịch. Đây là điểm mới có ý nghĩa đột phá tạo tiền đề cho việc cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong công tác quản lý Nhà nước.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến nêu lên băn khoăn bởi số định danh cá nhân cũng là nội dung được quy định trong dự thảo Luật căn cước công dân và đề nghị Ban soạn thảo cần rà soát lại để đảm bảo thống nhất về khái niện, nội hàm với Luật căn cước công dân. Đồng thời, cần quy định rõ hơn về trách nhiệm và sự phối giữa cơ quan quản lý hộ tịch (Bộ Tư pháp) với cơ quan quản lý căn cước thuộc Bộ Công an, trong việc cấp số định danh cá nhân.
Nhiều ý kiến đánh giá, hiện nay Việt Nam đang có nhiều cơ sở dữ liệu điện tử chuyên ngành khác nhau liên quan tới việc quản lý dân cư và do các bộ, ngành khác nhau thực hiện.
Các ý kiến đề nghị Chính phủ cần có giải pháp tập trung nguồn lực để thực hiện lộ trình của Đề án 896, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đây là cơ sở dữ liệu gốc, được kết nối, chia sẻ thông tin để các cơ quan nhà nước khai thác phù hợp với yêu cầu chuyên ngành, trong đó có công tác hộ tịch.
Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến cụ thể về thẩm quyền đăng ký hộ tịch; về số định danh cá nhân, lệ phí hộ tịch…/.
Theo TTXVN