Ủy ban các vấn đề xã hội Quốc hội họp phiên toàn thể
Sáng 15-4, phiên họp toàn thể lần thứ 5 Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội khai mạc tại Hà Nội.
Phát biểu khai mạc, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai cho biết: Trong 4 ngày, Ủy ban sẽ thẩm tra các báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2012; về việc quản lý sử dụng Quỹ Bảo hiểm xã hội năm 2012; thẩm tra các dự án: Luật Việc làm, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng.
Các thành viên Ủy ban sẽ nghe Bộ trưởng Bộ Y tế giải trình về việc chuyển tuyến khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; góp ý vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và một số công việc quan trọng khác.
Sau phiên khai mạc, Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội đã tiến hành thẩm tra báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2012.
Các thành viên Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cơ bản nhất trí với các nội dung báo cáo của Chính phủ đánh giá việc triển khai thi hành pháp luật về bình đẳng giới, thực hiện Chiến lược quốc gia về Bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 trong năm 2012 cũng như các kết quả đạt được, những hạn chế, nguyên nhân, phương hướng, giải pháp để thực hiện mục tiêu bình đẳng giới trong các năm tiếp theo.
Sau hơn 5 năm thực hiện, Luật Bình đẳng giới đã từng bước đi vào cuộc sống, việc thực hiện Chiến lược sau 2 năm triển khai cũng đạt được một số kết quả. Báo cáo của Chính phủ cho thấy một số chỉ tiêu đã hoàn thành, cần tiếp tục duy trì, gồm: Chỉ tiêu hàng năm, trong tổng số người được tạo việc làm mới, bảo đảm ít nhất 40% cho mỗi giới; chỉ tiêu tăng tỷ lệ phụ nữ mang thai được tiếp cận dịch vụ chăm sóc và dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; chỉ tiêu giảm tỷ lệ phá thai và chỉ tiêu 100% cán bộ công chức, viên chức làm công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ được tập huấn nghiệp vụ ít nhất một lần. Bên cạnh đó, 9/22 chỉ tiêu còn nhiều khó khăn để hoàn thành và 9/22 chỉ tiêu chưa có số liệu để đánh giá mức độ và triển vọng đạt được vào năm 2015.
Các thành viên Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng việc thực hiện hiệu quả quản lý Nhà nước về bình đẳng giới và tiến tới đạt được các mục tiêu của Chiến lược còn là thách thức lớn đòi hỏi Chính phủ phải quyết tâm, nỗ lực, khẩn trương xác định các nguyên nhân, rào cản, đề xuất các biện pháp giải quyết, trong đó có biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới cũng như xem xét lại tính khả thi của các chỉ tiêu đề ra trong Chiến lược.
Các thành viên Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội kiến nghị Chính phủ cần rà soát lại các mục tiêu, chỉ tiêu của Chiến lược quốc gia về Bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020; thực hiện lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong các văn bản quy phạm pháp luật; ban hành các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, chương trình, kế hoạch hoạt động của các bộ, ngành, địa phương; tăng cường các hoạt động truyền thông về bình đẳng giới nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức về bình đẳng giới trong các lĩnh vực.
Cũng trong buổi sáng, các thành viên Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền báo cáo về kết quả thực hiện lời hứa chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 10 Ủy ban Thường vụ Quốc hội và việc thực hiện Nghị quyết về kết quả giám sát công tác xuất khẩu lao động.
Theo TTXVN