Ưu đãi trong khuôn khổ hiệp định tự do thương mại: Doanh nghiệp xuất khẩu chưa tận dụng tốt!

Thứ bảy, ngày 27/08/2011

Nhiều ưu đãi trong khuôn khổ các Hiệp định Thương mại tự do (FTAs) mà Việt Nam tham gia hiện chưa được các doanh nghiệp (DN) tận dụng tốt. Đây là một lợi thế, song nếu DN không tiếp cận được thông tin và áp dụng vào quá trình xuất khẩu ắt sẽ phải chịu thiệt thòi.

Nhiều ưu đãi trong FTAs

Hiện nay, việc thiết lập FTAs với các nền kinh tế năng động bậc nhất trong khu vực đã mang đến nhiều cơ hội lớn cho các DN xuất khẩu của Việt Nam.

 Sản phẩm gỗ cũng nằm trong danh mục của ẠCEP và VJEPA. Trong ảnh: Chế biễn gỗ xuất khẩu của DN trong nước

Ông Lê Triệu Dũng, Vụ Chính sách thương mại đa biên - Bộ Công Thương cho biết, Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) tạo điều kiện thuận lợi cho DN khi áp dụng thuế suất thấp. Bắt đầu từ 1-1-2010, ASEAN-6 (Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan) sẽ hoàn thành việc xóa bỏ thuế quan đối với hầu hết hàng hóa tham gia Khu vực Thương mại Tự do ASEAN (AFTA), nâng tổng số dòng thuế đạt thuế suất tự do lên 54.457 dòng, đạt 99,11% tổng số dòng thuế của các nước ASEAN-6. Việc hoàn thành mục tiêu tự do hóa thuế quan của các nước ASEAN-6 sẽ làm giảm mức thuế quan trung bình của các nước này từ 0,79% năm 2009 xuống còn 0,05% vào năm 2010.

Đây là một bước tiếp theo của mục tiêu xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN.  Danh mục cắt giảm của các nước thành viên này sẽ được giảm xuống 0% vào năm 2010 đối với các nước ASEAN-6 và năm 2015 đối với 4 nước còn lại gồm Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam. Thuế nhập khẩu của các sản phẩm nông nghiệp như thuốc lá, cà phê, các động vật sống và sản phẩm động vật thuộc danh mục nhạy cảm (SL) sẽ được giảm xuống 5% vào năm 2010 và 0% vào năm 2015. Các sản phẩm thuộc danh mục nhạy cảm cao (HSL), trong đó có gạo, sẽ có mức thuế trần xác định theo lịch trình cụ thể.

Bên cạnh đó, các hiệp định FTAs ASEAN - Nhật Bản (AJCEP) và Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA) cũng có một lộ trình giảm thuế về công nghiệp như: sản phẩm dệt may với 1.978 dòng thuế có thuế nhập khẩu 0% ngay từ ngày 1-10-2009; sản phẩm da giày các loại có thuế nhập khẩu xuống 0% trong vòng từ 5 - 10 năm. Về lĩnh vực nông nghiệp như rau quả tươi có thuế 0% trong 5 - 7 năm, cà phê chè và rau quả chế biến thuế 0% trong 15 năm, nông sản chế biến thuế 0% sau 5 - 10 năm... Về thủy sản như tôm, cua, ghẹ có thuế 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực từ ngày 1-10-2009; cá, tôm chế biến có thuế 0% sau 3 năm... Các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc về cơ bản đã không áp dụng thuế nhập khẩu đối với nhiều hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Cần tận dụng tốt hơn FTAs

Theo ông Trần Bá Cường, Vụ Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương thì DN xuất khẩu cần nghiên cứu kỹ quy tắc xuất xứ và mức thuế nhập khẩu của đối tác nhập khẩu trước khi đặt bút ký hợp đồng. Nếu bị từ chối C/O (giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa) thì cần tìm hiểu lý do bị từ chối không cho hưởng ưu đãi thuế quan và thông báo cho tổ chức cấp C/O biết. Đồng thời, đáp ứng mọi yêu cầu cung cấp tài liệu cho Hải quan nước nhập khẩu, phối hợp với nhà nhập khẩu để giải quyết. Việc đàm phán quy tắc mặt hàng cụ thể (PSR) là rất khó khăn, do vậy DN cần tận dụng tốt các yếu tố này, đặc biệt là những ngành không hoặc khó đạt tỷ lệ giá trị nội địa; nghiên cứu kỹ quy tắc xuất xứ trước khi sản xuất và ký kết hợp đồng xuất khẩu.

Sự chủ động của các DN là nhân tố quyết định sự thành công của chính sách hội nhập kinh tế đất nước. Trong những năm qua, các DN Việt Nam đã quan tâm hơn, tận dụng tốt hơn các ưu thế mà FTAs mang lại. Cụ thể, năm 2010, gần 12% xuất khẩu của Việt Nam sang ASEAN đã hưởng ưu đãi thuế. 79% xuất khẩu của Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế từ Hàn Quốc. Đối với Nhật Bản, 28% xuất khẩu củaViệt Nam đã được hưởng ưu đãi thuế của nước này.

Tuy nhiên, tại buổi hội thảo phổ biến về cam kết trong các FTAs mới đây dành cho các DN ở Bình Dương, một số DN cho biết hiện vẫn chưa nắm kỹ về các FTAs nên không có được sự chuẩn bị tốt để hưởng ưu đãi trong thời gian qua và trong những năm tới. Vì thế, những DN này cũng đề nghị ngành công thương, đặc biệt là trung tâm xúc tiến thương mại cần phải có sự kết nối chặt chẽ, kịp thời với các hiệp hội, câu lạc bộ DN xuất khẩu... để truyền đạt thông tin một cách nhanh nhất, sớm nhất cho các DN khi có các chính sách, hiệp định thương mại được ký kết...

K.TÂN