Ưu đãi giá điện cho hộ nghèo, hộ thu nhập thấp
Ngày 23-2, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 286/QĐ-TTg về biểu giá bán lẻ điện, trong đó có quy định giá bán ưu đãi cho hộ nghèo, hộ thu nhập thấp. 3 ngày sau, Bộ Công Thương tiếp tục ban hành Thông tư 05/2011/TT-BCT nhằm cụ thể hóa quyết định trên. Theo đó hộ nghèo, hộ thu nhập thấp phải đến đăng ký với bên bán điện theo hướng dẫn chậm nhất sau 30 ngày kể từ ngày thông tư có hiệu lực (1-3-2011), đồng thời được tính giá ưu đãi kể từ kỳ hóa đơn tháng 4-2011. Tuy nhiên, không biết “tắc” ở đâu nên văn bản hướng dẫn của ngành điện vẫn không đến tay hộ nghèo, hộ thu nhập thấp, hoặc có đến thì vào giờ chót.
Quy định ngắn, triển khai chậm?
Thông tư 05/2011/TT-BCT của Bộ Công Thương ban hành ngày 25-2 nhằm cụ thể hóa Quyết định 286/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 23-2 quy định biểu giá bán lẻ điện năm 2011. Trong đó có quy định giá bán ưu đãi cho hộ nghèo, hộ thu nhập thấp, góp phần bảo đảm an sinh xã hội trước cơn bão giá.
Nhiều hộ có thu nhập thấp, sinh viên chưa được tiếp cận thông tin, đăng ký mua điện giá ưu đãi
Các văn bản pháp lý trên cũng quy định rõ: Hộ nghèo, chuẩn nghèo được căn cứ theo chuẩn quốc gia, tức thu nhập từ 400.000 - 500.000 đồng/người/tháng và phải có chỉ số điện năng tiêu thụ dưới 50kWh/tháng. Các hộ này ngoài việc được hưởng giá bán điện ưu đãi 993 đồng/kWh (chưa có V.A.T) còn được hỗ trợ thêm 30.000 đồng tiền mặt/tháng.
Thông tư 05/2011/TT-BCT có hiệu lực từ ngày 1-3-2011 quy định: “Hộ nghèo, hộ thu nhập thấp phải đến đăng ký với bên bán điện theo hướng dẫn chậm nhất sau 30 ngày kể từ ngày thông tư có hiệu lực. Giá ưu đãi sẽ được tính kể từ kỳ hóa đơn tháng 4-2011”, tức là chậm nhất đến hết ngày 30-3 hộ nghèo, hộ thu nhập thấp phải đến đăng ký với bên bán điện nơi gần nhất theo quy định. Căn cứ nội dung quy định trên thì sau ngày 30-3 hộ nghèo, hộ thu nhập thấp nếu không đến đăng ký với bên bán điện sẽ không được hưởng giá bán điện ưu đãi, tiền hỗ trợ theo quy định của chính phủ, dù các hộ trên đã thỏa mãn các quy định.
Trao đổi với chúng tôi, Phó Giám đốc phụ trách kinh doanh Công ty Điện lực Bình Dương Lê Minh Quốc Việt cho biết: “Để tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ nghèo, hộ thu nhập thấp nhận được thông tin đầy đủ và đăng ký với ngành điện, Công ty Điện lực Bình Dương đã cùng lúc thông tin đến các hộ qua nhiều kênh thông tin. Cụ thể: Lập danh sách và gửi thông báo bằng văn bản trực tiếp đến gần 10.500 hộ có sản lượng điện sử dụng trong tháng 1 và tháng 2-2011 không quá 50 kWh/tháng; Thông báo đến các hộ thông qua đài truyền thanh địa phương (đài truyền thanh xã, phường); Niêm yết công khai các văn bản hướng dẫn liên quan tại nơi giao tiếp khách hàng ở các điện lực huyện, thị”...
Tuy nhiên, khi chúng tôi liên hệ với một vài địa phương, cụ thể như xã Chánh Phú Hòa, huyện Bến Cát thì được ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Có thấy ngành điện đến khảo sát hộ nghèo tại xã để hỗ trợ thay bóng đèn tuýp, đèn sợi tóc bằng bóng đèn tiết kiệm điện, chứ không nghe thấy gì về đăng ký mua điện giá ưu đãi theo quy định của Chính phủ, dù có biết qua thông tin báo, đài”... Còn Phó Chủ tịch UBND phường An Thạnh, TX. Thuận An thì tỏ ý hối tiếc: “Tôi có nhận được công văn từ thị xã gửi xuống vào sáng 29-3 yêu cầu thông báo cho dân. Thời hạn cuối cùng của văn bản này chỉ còn có 1 ngày thì làm sao thông báo, hướng dẫn? Trong khi người nghèo thì không tự chủ được về kinh tế, phụ thuộc nhiều vào giờ giấc làm việc, khó tiếp cận thông tin... chỉ có đến tận nhà gửi thông báo, hướng dẫn đăng ký thì mới hy vọng, chứ làm kiểu này khác nào đánh đố người nghèo, vì quy định thời gian thì ngắn mà triển khai lại chậm, chờ đến giờ chót mới thông báo thì chỉ làm cho có thôi”!
“Đánh đố” người nghèo!
Chúng tôi đã đến các khu nhà trọ có đông người lao động, người có thu nhập thấp, dân nhập cư để tìm hiểu quy trình tiếp cận thông tin, đăng ký mua điện theo giá ưu đãi thì được ông Đặng Văn Lâm, cán bộ khu phố 3, phường Phú Hòa (TX.TDM) cho biết: “Có nghe thấy thông báo gì đâu. Ở trên muốn biết cụ thể hộ nghèo, hộ thu nhập thấp thế nào thì phải đến địa phương chúng tôi nắm rất sát và sẵn sàng hợp tác, cung cấp thông tin, chứ nói chung chung như thế thì khó lắm, vì người nghèo phải đi làm, có khi mình thông báo hoài trên loa, nhưng họ cũng không nắm bắt được vì không có ở nhà để nghe”!
Chị Lê Thị Phương, tạm trú tại phường Thuận Giao, TX. Thuận An cho biết: “Trung bình mỗi tháng xài hết 30 số điện. Trước đây giá thuê nhà là 220.000 đồng/phòng/tháng. Giá điện là 2.000 đồng/số. Nhưng kể từ tháng 3 này giá điện giảm xuống còn 1.000 đồng/số, nhưng giá thuê phòng tăng lên 270.000 đồng/phòng/tháng”. Chị Phương cũng không đi đăng ký vì không nắm bắt được thông tin, nhưng nghe chủ nhà nói là có người quen nên được hướng dẫn làm đơn mua điện giá rẻ cho công nhân. Mấy người làm chung ở trọ khu khác thì được chủ nhà thông báo tháng 4 tới sẽ tăng giá điện từ 2.000 lên 3.000 đồng/số.
Từ thực tế tình hình trên, báo chí phải lên tiếng để ngành chức năng kéo dài thời hạn đăng ký, giúp người nghèo có cơ hội được hưởng ưu đãi mà Chính phủ đã giành cho họ. Hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo, hộ thu nhập thấp, nhằm bảo đảm an sinh xã hội là chủ trương lớn của Chính phủ, cần có sự phối hợp của cộng đồng và là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, nên cần gia hạn thời gian đăng ký để người nghèo, hộ nghèo không bị thiệt thòi...
DUY CHÍ
Phải được hiểu là hộ cận nghèo
Thông tư 05/2011/TT-BCT cho phép áp dụng tiêu chuẩn “hộ thu nhập thấp” là hộ thuộc diện “cận nghèo” và được áp dụng theo chuẩn nghèo riêng của từng địa phương, nhưng phải có mức sử dụng điện không quá 50 kWh/tháng. Căn cứ hóa đơn thanh toán từng tháng nếu mức tiêu thụ vượt quá 50kWh/tháng/hộ thuộc diện nghèo hoặc cận nghèo thì sau đó sẽ không còn được hưởng giá bán điện ưu đãi nữa! Kết quả điều tra hộ nghèo năm 2010 vừa qua một lần nữa cho thấy Bình Dương đã cơ bản thoát nghèo theo chuẩn quốc gia từ nhiều năm qua và trở thành “một trong những tỉnh, thành có chuẩn nghèo cao nhất cả nước cùng với Hà Nội, TP.HCM”. Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Ninh Quốc Bình cho biết.
Cũng theo ông Bình thì “Bình Dương tuy không còn hộ nghèo theo chuẩn quốc gia, nhưng chuẩn nghèo riêng của tỉnh (thu nhập từ 800.000 - 1 triệu đồng/người/tháng) thì còn đến 10.883 hộ. Theo đó những đối tượng này phải được hiểu là “hộ cận nghèo” và phải được hỗ trợ theo quy định. Bên cạnh đó Bình Dương còn mở rộng thêm đối tượng áp dụng nhằm góp phần bảo đảm an sinh xã hội theo chủ trương của Chính phủ đó là hộ ở nhà trọ (phần lớn là công nhân lao động, người lao động tự do, dân nhập cư), sinh viên”.
Công ty Điện lực Bình Dương cho biết, Thông tư 05 không có quy định riêng cho các đối tượng khách hàng sử dụng điện nhưng có thể áp dụng như sau: Đối với các hộ cận nghèo nếu đáp ứng yêu cầu mức sử dụng điện theo quy định đối với hộ thu nhập thấp đã nêu trên thì áp dụng giá điện theo mức hộ có thu nhập thấp; Đối với người lao động, sinh viên, học sinh thuê nhà để ở thì tiền điện được tính như sau: Về định mức vẫn được tính như trước đây; cụ thể là cứ 4 người (căn cứ vào giấy đăng ký tạm trú dài hạn) thì được tính là 1 hộ; Mức giá áp dụng như hộ sinh hoạt bình thường hoặc áp dụng theo giá điện hộ thu nhập thấp nếu đáp ứng các điều kiện sau: Người đứng tên hợp đồng mua bán điện có đăng ký với ngành điện; Sản lượng điện sử dụng bình quân/người nhỏ hơn hoặc bằng 12,5 kWh/người/tháng”.