Uốn nắn trẻ ngay từ lúc mới chào đời

Thứ ba, ngày 18/06/2013

Khi chơi đùa và trò chuyện cùng trẻ, nên chỉ cho bé những giá trị, chuẩn mực đạo đức và giới hạn... Uốn nắn những sai lệch của trẻ sớm bằng thái độ, hành vi, ngôn ngữ...

Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Minh, giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia TP.HCM cho rằng, việc giáo dục nhân cách cho trẻ cần phải được cha mẹ chú trọng từ khi con còn bé. Nhiều phụ huynh thường nghĩ rằng "để mai mốt con lớn lên rồi dạy", đó là một quan điểm sai lầm, bởi thực tế cho thấy ngay từ nhỏ trẻ con đã biết tiếp nhận thông tin và bắt chước hành vi của người lớn, từ đó hình thành thói quen tốt hoặc không tốt về sau.

Ảnh minh họa

Nắm bắt đặc điểm tâm lý và hành vi của con từ khi còn nhỏ sẽ giúp cha mẹ có những tác động tích cực trong quá trình chăm sóc và giáo dưỡng trẻ.

Bà Minh khái quát về những hoạt động chủ đạo ở trẻ từ 3 đến 12 tháng tuổi như sau:

Giai đoạn 1: Giao tiếp xúc cảm trực tiếp (từ 2 đến 6 tháng)

Trẻ tìm kiếm sự quan tâm, âu yếm của người lớn (biểu hiện của nhu cầu giao tiếp) bằng cái nhìn chằm chằm vào người lớn, cử động chân tay, phát ra những âm thanh nho nhỏ, vui vẻ khi người lớn đến gần nói chuyện… Trong giao tiếp với người lớn, trẻ tiếp nhận được những sắc thái xúc cảm khác nhau của người lớn qua nét mặt, giọng nói rồi dần dần trẻ cũng biểu hiện những xúc cảm khác nhau của mình.

Trong giai đoạn này, người lớn cần chú ý ở bên trẻ trò chuyện, mỉm cười, kể chuyện cho bé nghe và đừng băn khoăn về việc trẻ không hiểu hết những điều người lớn nói.

Giai đoạn 2: Giao tiếp tình huống (từ 6 đến 12 tháng)

Từ nhu cầu giao tiếp trực tiếp dẫn đến nhu cầu giao tiếp vì đồ vật, tức là giao tiếp với người lớn để được tiếp xúc với đồ chơi, khi đó người lớn trở thành khâu trung gian giữa trẻ và đồ vật. Cha mẹ mang đồ vật đến cho trẻ, bế trẻ đến chỗ có nhiều đồ chơi rồi cùng chơi, cùng thực hiện hành động với trẻ, nói chuyện, khen ngợi trẻ, khuyến khích trẻ hành động với đồ vật. Việc giao tiếp này dần dần trở thành hoạt động phối hợp giữa người lớn và trẻ, ví dụ người lớn cầm tay trẻ gõ vào trống, đặt thìa vào bát…

Nhờ hoạt động chủ đạo trong lứa tuổi này mà trẻ được ấp ủ thương yêu, có đời sống tâm lý ổn định, hình thành cảm xúc tích cực, thúc đẩy trẻ hiểu ngôn ngữ của người lớn và học nói. Trong quá trình giao tiếp, người lớn nên hướng dẫn, uốn nắn hành vi của trẻ (qua nụ cười bằng lòng hay vẻ mặt không đồng ý), đánh giá hành vi của trẻ để trẻ nhận ra hành vi của mình đúng hay sai. Trẻ học được thói quen tốt và cách ứng xử đúng.

Lưu ý:

Khi chơi, trò chuyện cùng trẻ, nên chỉ cho trẻ những giá trị, những chuẩn mực đạo đức, những giới hạn được phép hoặc không được phép. Cần uốn nắn những sai lệch cho trẻ sớm bằng thái độ, bằng hành vi, bằng ngôn ngữ. Mặt khác để con không bị ngọng, người lớn không nên nói sai theo cách phát âm của trẻ, ví dụ trẻ thường dùng từ “ăn cơm” là “măm măm”, thì cha mẹ phải dùng từ đúng là “ăn cơm” để trẻ nói đúng từ nhỏ.

Theo VnExpress