Ước vọng “xanh”

Thứ tư, ngày 21/10/2020

(BDO) Giữ gìn và phát huy những lợi thế, xã Bạch Đằng tiếp tục được định hướng phát triển theo hướng gìn giữ ước vọng “xanh” của người dân và chính quyền Bình Dương…

Từ đô thị xanh

Với định hướng phát triển “đô thị xanh”, Bạch Đằng trở thành biểu tượng xanh của Bình Dương. Còn nhớ, từ năm 2013, xã Bạch Đằng đã đạt chuẩn nông thôn mới với định hướng phát triển xanh, thân thiện, không thu hút công nghiệp. Và đến nay, mục tiêu ấy ngày càng được nâng dần lên. Theo quy hoạch của tỉnh và TX.Tân Uyên, xã Bạch Đằng tiếp tục không phát triển công nghiệp, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, giữ vững môi trường sinh thái, đô thị xanh.

 Bạch Đằng tiếp tục gìn giữ, phát triển lá phổi xanh cho Tân Uyên

Thời gian qua, xã Bạch Đằng tập trung khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để nông dân phát huy nội lực, đầu tư sức người, vốn và kỹ thuật để phát triển sản xuất nông nghiệp, từng bước tạo nên các sản phẩm mang “thương hiệu Bạch Đằng”. Hiện nay, Bạch Đằng đã và đang khai thác tốt lợi thế về không gian cảnh quan đô thị đa dạng, phong phú, cảnh quan thiên nhiên để đẩy mạnh phát triển các loại hình du lịch sinh thái. Trong hành trình tuyến du lịch xanh của TX.Tân Uyên, xã Bạch Đằng là điểm đến cho khách tham quan trải nghiệm du lịch sinh thái tại các vườn bưởi, thưởng thức những món ăn dân dã và tham quan các di tích lịch sử trên địa bàn.

Theo bà Võ Thị Bảo Xuyên, Phó Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch UBND xã Bạch Đằng, thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã sẽ tập trung xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, vườn mẫu, khu dân cư kiểu mẫu, gắn với xây dựng “Làng thông minh”. Đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp đô thị, thực hiện kế hoạch cải tạo, nâng cao chất lượng vườn cây ăn trái đặc sản gắn với phát triển du lịch sinh thái... Tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để phát huy tốt các lợi thế và nội lực, thu hút mạnh nguồn lực bên ngoài trong xây dựng nông thôn mới bền vững. Xã Bạch Đằng phấn đấu đến năm 2025 đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, thu nhập bình quân đạt hơn 83 triệu đồng/ người/năm.

Đến làng thông minh

Một điều đáng mừng cho TX.Tân Uyên, xã Bạch Đằng là để bước vào giai đoạn mới với nhiều chiến lược phát triển bền vững của tỉnh nhà, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện thí điểm xây dựng “Làng thông minh” trên địa bàn xã Bạch Đằng, TX.Tân Uyên giai đoạn 2020-2025. Mục tiêu cụ thể của kế hoạch là phấn đấu đến năm 2025, hoàn thành việc thực hiện thí điểm xây dựng làng thông minh, xã Bạch Đằng được công nhận xã nông thôn mới kiểu mẫu, là mô hình mẫu để tổ chức nhân rộng tại các xã có điều kiện tương tự.

Theo TS. Nguyễn Việt Long, Giám đốc Văn phòng Thành phố thông minh Bình Dương, việc xây dựng làng thông minh với mục tiêu tạo nơi tập trung nhiều sáng kiến về những vấn đề và nhu cầu hiện nay trong cộng đồng như công nghệ, nông nghiệp, việc làm, nâng cao năng suất lao động cho người dân nông thôn, sự gắn kết của cộng đồng, y tế, giáo dục, năng lượng, xử lý rác thải, khu vực đáng sống, bảo vệ môi trường xanh, sạch... Trong tương lai, đây sẽ là nơi đáng sống, thân thiện với thiên nhiên môi trường, vừa là nơi phát triển nông nghiệp thông minh, phát triển du lịch sinh thái, trở thành một biểu tượng xanh cho Bình Dương.

Trong thời gian tới, từ việc thống nhất các khái niệm và cách tiếp cận làng thông minh cho xã Bạch Đằng sẽ tạo tiền đề hướng đến xây dựng xã nông thôn mới thông minh trong toàn tỉnh, nhằm bảo đảm xây dựng nông thôn mới gắn với quá trình phát triển công nghiệp, đô thị của tỉnh thường xuyên, liên tục hướng tới mục tiêu phát triển nông thôn bền vững, bảo đảm hài hòa các hiệu quả kinh tế - xã hội, môi trường và văn hóa gắn với bản sắc riêng.

Ông Naoki Mori, Giám đốc Kỹ thuật và Truyền thông của Viện Chiến lược môi trường toàn cầu Nhật Bản (IGES), đề xuất để phát triển đô thị xanh cần có cơ chế huy động sự tham gia của cộng đồng, người dân để xây dựng thành phố môi trường, hướng đến đô thị sinh thái, bởi người dân là người tạo dựng, kiểm soát và thực thi bảo vệ môi trường mới thành công, bền vững. Ông Naoki Mori cho biết đề án làng thông minh Bạch Đằng đã đi đúng hướng, tập trung phát huy vai trò chủ thể của từng hộ dân trên địa bàn xã tham gia thực hiện xây dựng nông thôn mới nói chung, làng thông minh nói riêng để nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho chính người dân.

Nhìn ra thế giới, từ năm 2017, Ủy ban châu Âu đã đưa ra hành động đối với các làng thông minh với mục đích khởi xướng một số định hướng về các ngôi làng trong tương lai. Song đến nay, làng thông minh là khái niệm còn khá mới mẻ ở Việt Nam và Bình Dương lại “đặt dấu tiên phong” trong hành trình bước tiếp thử nghiệm xây dựng làng thông minh theo phong cách Việt Nam. Kỳ vọng, nếu làng thông minh Bạch Đằng được triển khai hiệu quả thì đời sống người dân vùng nông thôn sẽ được nâng cao.

Các sở, ngành liên quan sẽ phối hợp với UBND TX.Tân Uyên lồng ghép các chương trình, dự án, hỗ trợ, hướng dẫn UBND xã Bạch Đằng trong quá trình triển khai xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu và làng thông minh. UBND thị xã sẽ tiếp tục nỗ lực thu hút và huy động sự tham gia của các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế có tiềm năng tham gia các dự án, các hoạt động xây dựng và triển khai thực hiện làng thông minh trên địa bàn xã Bạch Đằng.

Từ năm 2019, xã Bạch Đằng thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao đã góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương ngày càng phát triển khi giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2019 đạt gần 72 tỷ đồng, tăng 122% so với năm 2015. Hiện nay, thu nhập bình quân đạt 62 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 1,97 lần so với năm 2014. Toàn xã duy trì 190 ha đất trồng lúa, hơn 467 ha đất trồng cây lâu năm, trong đó diện tích trồng bưởi chiếm gần 387 ha, được phát triển theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao, giữ vững lá phổi xanh của TX.Tân Uyên.

 TIỂU MY