Ước vọng của người làm gốm thành hiện thực

Thứ ba, ngày 17/12/2013

 Tiền tỷ đổi giấc mơ

Đầu tháng 11-2013, trên facebook của mình, ông Vương Siêu Tín, Giám đốc Công ty gốm Phước Dũ Long vui mừng chia sẻ thông tin công ty đã nghiên cứu và đưa vào sử dụng thành công lò nung gốm lớn đến 120m3. Đây được xem là lò nung gốm lớn nhất không chỉ ở Việt Nam mà còn ở khu vực châu Á. Trên facebook của mình, ông Tín còn chia sẻ thêm nhiều thông tin, hình ảnh về những mẻ gốm đầu tiên được nung từ lò 120m3 .

 Ông Vương Siêu Tín, Giám đốc Công ty gốm Phước Dũ Long đứng cạnh mẻ gốm sắp được đưa vào lò 120 m3

Ít người biết rằng, để có được thành quả như ngày hôm nay, người làm nghề gốm ở Bình Dương đã phải trả một cái giá không hề rẻ chút nào. Tất cả, bắt đầu từ giấc mơ xây dựng được một lò nung gốm thật to, để cho ra đời những sản phẩm loại lớn, có tầm vóc và chất lượng vượt trội so với sản phẩm trong nước và thế giới. Được sự hậu thuẫn của Công ty gốm Long Trường, “vua lửa” Lê Thành Công đã bắt tay thi công 2 lò gốm 120m3 đầu tiên vào năm 2005, với chi phí gần 5 tỷ đồng.

Đến năm 2007, ông Vương Siêu Tín tiếp tục tín nhiệm ông Công và thi công thêm một lò 120m3 nữa. Thời gian này, lò của ông Lê Thành Công thi công sử dụng công nghệ đốt gas pha dầu. Rất tiếc, sự mày mò và tìm tòi bước đầu của họ không thành công. Ông Vương Siêu Tín cho biết: “Lúc đó nghe anh Công nói có thể làm lò 120m3 tôi rất mừng và bắt tay làm ngay dù doanh nghiệp đang khó khăn, cần nhiều vốn để sản xuất. Bởi lẽ, nếu thành công chúng tôi có thể tiết kiệm chi phí đốt lò, sản xuất nhiều hàng để đáp ứng nhu cầu của thị trường”.

Dù thất bại và lò nung cho sản phẩm lỗi nhưng ông Vương Siêu Tín cương quyết không dỡ bỏ. Đến năm 2010, ông lại tiếp tục cộng tác với chuyên gia Lê Thành Trọng, một người có nhiều kinh nghiệm trong việc nghiên cứu sử dụng công nghệ đốt lò hiện đại trong gốm sứ. Tuy nhiên, mọi nỗ lực cải tiến đều thất bại. Mãi đến cuối năm 2013, sau nhiều lần thử nghiệm và tiêu tốn rất nhiều tiền của, công sức thì lò 120m3 của Công ty gốm Phước Dũ Long mới đi vào hoạt động ổn định. Bây giờ, ông Tín mới có thể thở phào nhẹ nhõm: “Nếu chỉ có ý tưởng mà không kiên trì thì không thể làm được như hôm nay. Số tiền tôi quẳng vào việc nghiên cứu, cải tiến lò 120m3 từ năm 2007 đến bây giờ lên đến gần chục tỷ đồng cũng xứng đáng”.

Tham vọng lớn hơn

Điều đáng vui mừng là sau khi Công ty gốm Phước Dũ Long xây dựng thành công lò gốm 120m3 và cho ra sản phẩm ổn định, phù hợp với nhu cầu và thị hiếu khách hàng thì giờ đây nhiều công ty gốm sứ ở Bình Dương cũng bắt đầu tìm hiểu và quyết định đầu tư. Mới nhất là trường hợp Công ty gốm sứ Kim Phát quyết định bỏ ra gần 10 tỷ đồng để xây dựng lò gốm 120m3 vào đầu năm 2013.

Sở dĩ có sự bạo dạn này, theo ông Nguyễn Liêm Chánh, Giám đốc Công ty gốm sứ Kim Phát cho biết là vì gốm sứ nung bằng lò củi có chất lượng sản phẩm không đồng nhất, lại ô nhiễm môi trường nên không được khách hàng quốc tế ưa chuộng. Ngoài ra, việc sản xuất gây ô nhiễm cũng không thể kéo dài mãi được, vì thế phải đầu tư lò gas lớn là điều tất yếu phải làm. Ông Chánh cho biết: “Đầu tư một khoản tiền lên đến 10 tỷ đồng để làm lò lúc thị trường đi xuống, nguồn tiền không dồi dào như hiện nay chẳng khác nào là canh bạc. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn quyết định làm và điều đáng mừng là tháng 12-2013, công ty đã nung thành công mẻ gốm đầu tiên từ lò 120m3”.

Theo tính toán của ông Vương Siêu Tín, mỗi lò 120m3 nung khoảng 1 - 1,5 container loại 40 feet, mỗi tháng có thể nung đến 5 - 6 mẻ lò nên nếu có đơn hàng ổn định, chi phí sản xuất gốm sứ sẽ hạ thấp đáng kể. Điều đáng nói là sản phẩm được nung từ loại lò này cho ra màu men rất đẹp, có độ bền và đồng nhất cao, rất ít khả năng bị lỗi lại thân thiện với môi trường nên được các thị trường xuất khẩu chính của gốm sứ Bình Dương là châu Âu, Mỹ… ưa chuộng. “Đây sẽ là lợi thế to lớn của gốm sứ Bình Dương trong việc nâng cao khả năng cạnh tranh và vươn lên tầm cao mới trong việc sản xuất, xuất khẩu gốm sứ, thu ngoại tệ về cho đất nước. Chắc chắn, gốm sứ Bình Dương sẽ tiếp tục phát huy những tinh hoa của mình”, ông Vương Siêu Tín tâm sự.

Điều băn khoăn lớn nhất của người làm gốm sứ Bình Dương chính là việc vừa nghiên cứu xong lò gas loại lớn cũng là lúc giá gas tăng đột biến và nhu cầu thị trường giảm do ảnh hưởng chung của kinh tế thế giới. Chính vì thế, hiệu suất của lò 120m3 dù rất tốt nhưng các doanh nghiệp cũng phải hạn chế sử dụng để giảm lỗ. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều người trong nghề, khi thị trường khởi sắc trở lại, lò 120m3 sẽ phát huy hết tác dụng và trở thành lợi thế to lớn cho doanh nghiệp gốm sứ Bình Dương trên thương trường.

 KHÁNH VINH