Ứng xử bằng cái tình

Thứ ba, ngày 28/05/2024

(BDO) Trong đơn gửi đến Báo Bình Dương, anh Bùi Văn Q., một người có vợ tử vong do tai nạn giao thông (TNGT), bày tỏ “không sao nói hết được nỗi mất mát to lớn của gia đình chúng tôi”, khi cho biết vợ anh mất để lại 3 con nhỏ, trong đó đứa nhỏ nhất mới 5 tuổi. Tuy nhiên, đến nay vụ việc vẫn chưa được giải quyết khiến anh bức xúc.

Điều đáng nói là sau khi xảy ra sự việc, xe liên quan đến tai nạn đã nhanh chóng rời khỏi hiện trường. Theo anh Q. thì “đến hơn một tuần sau công an mới báo đã tìm được xe gây tai nạn, làm vợ tôi tử vong”. Anh Q. cho biết anh sẽ kiên trì tìm lại công bằng cho vợ.

Đây không phải là trường hợp duy nhất có người thân bị tử vong do TNGT nhưng vất vả đi đòi quyền lợi. Khi xảy ra tai nạn, người thân của họ bị tử vong là một sự mất mát, nỗi đau quá lớn đối với người ở lại, vì vậy nếu người gây ra tai nạn có thiện chí trong việc thăm hỏi, bồi thường, có thể giúp người thân của nạn nhân nguôi ngoai phần nào. Tuy nhiên, thực tế có nhiều người vất vả với các thủ tục mà theo họ là “để đòi lại công bằng”.

Cách đây không lâu, một người phụ nữ đã gửi đơn cầu cứu đến Báo Bình Dương về việc một vụ TNGT khiến con ruột và con rể của bà chết, tuy nhiên việc bồi thường dân sự cho người thân của nạn nhân thì không có lối ra.

Vụ án kéo dài nhiều năm qua đã để lại nỗi đau dai dẳng đối với gia đình bà Ngô Thị T. (người thân của bị hại). Với quyết tâm đòi đi tìm lẽ phải, bù đắp lại nỗi mất mát to lớn trên, bà T. đã gửi đơn cầu cứu đến cơ quan chức năng, trong đó có Báo Bình Dương để vào cuộc xác minh, thông tin tiến độ điều tra, sớm đưa vụ án ra xử lý đúng người, đúng tội theo quy định.

Theo bà T., vụ TNGT đã cướp đi mạng sống của con gái và con rể của bà, để lại đứa con mới 4 tuổi. Quá trình điều tra, cơ quan chức năng xác định lỗi là của tài xế điều khiển xe tải gây tai nạn. Sau đó vụ án đã được khởi tố, khởi tố bị can đối với tài xế về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông”… Tuy nhiên, cho đến khi buộc lòng phải gửi đơn đến các cơ quan chức năng cầu cứu, bà T. cho biết ông H. (người gây tai nạn), đã “chối bỏ trách nhiệm của mình đối với bị hại và gia đình bị hại”.

Theo quy định của pháp luật, sau khi xảy ra tai nạn có người chết, những thiệt hại như chi phí đám tang, tiền nuôi con của nạn nhân đến 18 tuổi… thì cơ quan tiến hành tố tụng và tòa án sẽ xem xét trên yêu cầu của gia đình bị hại. Đó là theo quy định của pháp luật, còn về tình người, thiết nghĩ các bên cần có thiện chí, bởi khi xảy ra tai nạn, phía gia đình bị hại đã quá đau rồi, khi đó gia đình người gây tai nạn nên đến gặp gia đình bị hại, chăm sóc, hỏi thăm, động viên cũng như hỗ trợ các chi phí trong thời gian chờ tòa án xét xử. Với những hành động này là cơ sở cho việc áp dụng tình tiết giảm nhẹ cho tài xế gây tai nạn…

L.T.PHƯƠNG