Ứng phó với ngộ độc thực phẩm trên địa bàn tỉnh Bình Dương năm 2024

Thứ bảy, ngày 27/07/2024

(BDO) Thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra ngộ độc thực phẩm với quy mô lớn trên cả nước. Vì vậy, Ngày 17-5-2024 Ban chỉ đạo An toàn thực phẩm tỉnh Bình Dương đã ban hành Phương án Ứng phó với ngộ độc thực phẩm trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Các tổ chức, cá nhân quản lý, kinh doanh, sản xuất thực phẩm trên địa bàn tỉnh chủ động ứng phó, xử lý và khắc phục kịp thời hậu quả vụ ngộ độc, giảm thiểu đến mức thấp nhất ảnh hưởng khi có ngộ độc thực phẩm (NĐTP) xảy ra. Nội dung ứng phó như sau:

* Công tác chuẩn bị sẵn sàng ứng phó khi có ngộ độc thực phẩm xảy ra: trước tiên phải có Ban chỉ đạo các cấp, tổ giúp việc, đội điều tra, đội phản ứng nhanh, điện thoại đường dây nóng tiếp nhận thông tin khi có tình huống ngộ độc thực phẩm xảy ra. Bên cạnh đó, Công tác tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm được thực hiện thường xuyên để hạn chế mức thấp nhất nguy cơ xảy ra NĐTP.
* Quy trình điều tra, xử lý khi có ngộ độc thực phẩm xảy ra:
Bước 1: Khai báo ngộ độc thực phẩm khi bị, nghi ngờ hoặc phát hiện NĐTP phải khai báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất, cụ thể:
- Trạm Y tế xã, phường, thị trấn.
- Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố.
- Phòng Y tế các huyện, thị xã, thành phố.
- Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm.
- Sở Y tế.
Bước 2: Người tiếp nhận thông tin phải báo cáo ngay cho thủ trưởng đơn vị mình. Sau đó, Thủ trưởng các đơn vị phải khẩn trương xem xét để quyết định hoặc đề xuất với UBND cùng cấp, cơ quan chuyên môn cấp trên trực tiếp về phương án chỉ đạo, xử lý vụ NĐTP phù hợp theo từng tình huống được đưa ra trong phương án này.
Bước 3: Tiếp nhận, sơ cấp cứu, vận chuyển, điều trị bệnh nhân: tùy theo tình hình thực tế, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tiếp nhận, cấp cứu, điều trị kịp thời cho người bệnh... sẵn sàng phục vụ kịp thời khi có yêu cầu.
Bước 4: Tổ chức điều tra ngộ độc thực phẩm: Các bước điều tra ngộ độc thực phẩm theo quy định tại Quyết định số 39/2006/QĐ-BYT ngày 13-12-2006 của Bộ Y tế về việc ban hành “Quy chế điều tra ngộ độc thực phẩm”.
Bước 5: Kết luận và báo cáo kết quả điều tra vụ ngộ độc thực phẩm: Được tiến hành theo quy trình 11 bước điều tra NĐTP và báo cáo kết quả thực hiện  theo Quyết định số 3081/QĐ-BYT ngày 15-7-2020 của Bộ Y tế về việc ban hành “Quy định chế độ báo cáo và mẫu biểu báo cáo về an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của ngành Y tế”.
* Các phương án ứng phó khi xảy ra ngộ độc thực phẩm: có 3 tình huống ứng phó
- Tình huống 1: vụ NĐTP có số người mắc dưới 30 người/vụ, không có trường hợp tử vong
Cấp chỉ đạo: Ban chỉ đạo cấp huyện huy động các nguồn lực ứng phó và xử lý NĐTP và phối hợp với Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương theo chức năng, nhiệm vụ được phân công, phân cấp để tiến hành truy xuất nguồn gốc và xử lý thực phẩm gây ngộ độc thuộc lĩnh vực được phân công;
Công tác cấp cứu, điều trị người bị NĐTP tại các cơ sở y tế gần nhất, nếu nặng hơn điều chuyển tuyến trên;
Công tác điều tra NĐTP và truy xuất nguồn gốc thực phẩm gây NĐTP:  theo quy định tại Quyết định số 39/2006/QĐ-BYT ngày 13-12-2006;
Công tác hậu cần: Bảo đảm đầy đủ cơ số thuốc, vật tư, hóa chất, trang thiết bị, phương tiện,... để cấp cứu, điều trị bệnh nhân và xừ trí NĐTP.
- Tình huống 2: Vụ NĐTP có số người mắc từ 30 ngườỉ trở lên/vụ hoặc có trường hợp tử vong
Cấp chỉ đạo: Ban chỉ đạo cấp huyện huy động các nguồn lực ứng phó và xử lý NĐTP và phối hợp với Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương theo chức năng, nhiệm vụ được phân công, phân cấp để tiến hành truy xuất nguồn gốc và xử lý thực phẩm gây ngộ độc thuộc lĩnh vực được phân công và hàng ngày, báo cáo Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo ATTP tỉnh về diễn biến tình hình NĐTP;
Công tác cấp cứu, điều trị người bị NĐTP sơ cứu tại chỗ và các cơ sở y tế gần nhất và nặng hơn điều chuyển tuyến trên;
Công tác điều tra NĐTP và truy xuất nguồn gốc thực phẩm gây NĐTP:  theo quy định tại Quyết định số 39/2006/QĐ-BYT ngày 13-12-2006. Ngoài ra, Sở Y tế chỉ đạo cơ quan, đơn vị trực thuộc chủ động phối hợp, hỗ trợ UBND cấp huyện và các cơ quan chức năng liên quan nhanh chóng xử lý, điều tra nguyên nhân vụ NĐTP. Trường hợp có tử vong, Trung tâm Pháp y phối hợp với cơ quan Công an tiến hành điều tra giải phẫu tử thi, thu phủ tạng và máu, chất chứa trong dạ dày, nước tiểu, phân để làm giám định độc chất, mô bệnh học, xét nghiệm vi sinh... xác định nguyên nhân tử vong;
Công tác hậu cần: Bảo đảm đầy đủ cơ số thuốc, vật tư, hóa chất, trang thiết bị, phương tiện,... để cấp cứu, điều trị bệnh nhân và xử trí NĐTP; Chuẩn bị sẵn kế hoạch thành lập bệnh viện dã chiến tại chỗ để cấp cứu, điều trị bệnh nhân NĐTP với số lượng lớn; Có chế độ quan tâm, hỗ trợ đối với hộ gia đình có bệnh nhân bị tử vong do NĐTP.
- Tình huống 3: Vụ NĐTP xảy ra tại các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh
Cấp chỉ đạo: Ban Chỉ đạo ATTP tỉnh (Sở Y tế chủ trì) huy động các nguồn lực ứng phó và xử lý NĐTP và phối hợp với UBND cấp huyện. Hàng ngày, báo cáo Tỉnh ủy, UBND tỉnh về diễn biến tình hình NĐTP. Ngoài ra, lãnh đạo doanh nghiệp: chỉ đạo các bộ phận chuyên môn khẩn trương chuẩn bị địa điểm phù hợp và các trang thiết bị cần thiết theo phương án ứng phó NĐTP đã xây dựng, để sẵn sàng phối hợp với ngành Y tế phục vụ cấp cứu, điều trị bệnh nhân NĐTP tại chỗ (theo yêu cầu của ngành Y tế).
Công tác cấp cứu, điều trị người bị NĐTP: ứng phó 2 trường hợp
+ Trường hợp những người bị NĐTP phát bệnh không cùng lúc (số người bị NĐTP nhập viện lẻ tẻ): điều trị tại các cơ sở y tế gần nhất, ưu tiên nếu nặng hơn điều chuyển tuyến trên và hạn chế thấp nhất nguy cơ xảy ra tử vong.
+ Trường hợp những người bị NĐTP phát bệnh cùng lúc (số lượng người bị NĐTP quá lớn): Sở Y tế tham mưu UBND tỉnh thành lập bệnh viện dã chiến để cấp cứu, điều trị bệnh nhân NĐTP theo phương án đã xây dựng và chỉ đạo bệnh viện tuyến tỉnh gần nơi xảy ra NĐTP điều động Đội cấp cứu lưu động xuống hiện trường để phối hợp với lực lượng của Trung tâm Y tế cấp cứu, điều trị người bệnh tại chỗ;  đối với người bị ngộ độc có triệu chứng nặng thì ưu tiên chuyển đến bệnh viện để điều trị.
+ Công tác điều tra NĐTP và truy xuất nguồn gốc thực phẩm gây NĐTP: Công tác điều tra NĐTP: Sở Y tế chủ trì, phối hợp với UBND cấp huyện (nơi có vụ NĐTP xảy ra); Ban quản lý các Khu công nghiệp; Sở Công thương (đối với Cụm công nghiệp) và các cơ quan, đơn vị liên quan tiến hành điều tra nguyên nhân gây NĐTP; lấy mẫu các yếu tố nghi ngờ gây NĐTP (thức ăn, nguồn nước,...) gửi kiểm nghiệm tìm nguyên nhân gây NĐTP. Công tác truy xuất nguồn gốc thực phẩm gây NĐTP: Cơ sở cung cấp nguyên liệu, thực phẩm liên quan đến vụ NĐTP thuộc thẩm quyền quản lý ngành nào thì cơ quan chuyên môn cấp tỉnh thuộc Sở chuyên ngành (Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương) theo lĩnh vực được phân công chủ trì trong việc truy xuất nguồn gốc và xử lý thực phẩm gây ngộ độc, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm; thông tin đại chúng để cộng đồng cảnh giác.
+ Công tác hậu cần: Bảo đảm đầy đủ cơ số thuốc, vật tư, hóa chất, trang thiết bị, phương tiện,... để cấp cứu, điều trị bệnh nhân và xử trí NĐTP; Chuẩn bị sẵn kế hoạch thành lập bệnh viện dã chiến tại chỗ để cấp cứu, điều trị bệnh nhân NĐTP với số lượng lớn; Có chế độ quan tâm, hỗ trợ đối với hộ gia đình có bệnh nhân bị tử vong do NĐTP.
* Với 3 Phương án ứng phó trên được thực hiện theo quy trình và ứng phó nhanh để giảm thiểu xảy ra NĐTP thì bên cạnh đó trong công tác truyền thông cũng được chú trọng như:
+ Tổ chức các hoạt động truyền thông về an toàn thực phẩm và phòng chống NĐTP; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân hiểu và biết cách bảo vệ bản thân, gia đình.
+ Kịp thời cung cấp thông tin vụ NĐTP cho báo chí nhằm ổn định, không gây hoang mang dư luận xã hội.
 + Thường xuyên theo dõi các trang mạng xã hội để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp đưa tin không đúng sự thật về vụ NĐTP gây hoang mang trong dư luận xã hội.
Riêng đối với trách nhiệm của Sở Công thương về ứng phó NĐTP:
- Có trách nhiệm cung cấp đầy đủ hồ sơ, thông tin liên quan tới nguồn gốc thực phẩm nghi ngờ gây ngộ độc thuộc lĩnh vực được phân công quản lý.
- Cử cán bộ phối hợp với UBND cấp huyện và Sở Y tế điều tra nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm (khi có đề xuất).
- Chủ trì trong việc truy xuất nguồn gốc và xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn đối với sản phẩm thực phẩm thuộc phạm vi quản lý; xử lý vi phạm hành chính theo quy định hiện hành; thông tin đại chúng để cộng đồng cành giác.
- Đề nghị các doanh nghiệp thuộc thẩm quyền quản lý xây dựng phương án sẵn sàng ứng phó khi xảy ra NĐTP tại đơn vị để chủ động trong mọi tình huống, hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng tính mạng, sức khỏe người lao động và hoạt động sản xuất, kình doanh; bố trí địa điểm đáp ứng cơ bản những yêu cầu về tiếp nhận, cấp cứu, điều trị người bệnh tại chỗ cho ngành Y tế khi cần thiết (hội trường, phân xưởng sản xuất...).
- Phối hợp với Sở Y tế cập nhật danh sách, tổ chức tuyên truyền kiến thức bảo đảm an toàn thực phẩm và kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật về an toàn thực phẩm tại các doanh nghiệp có bếp ăn tập thể trong các Cụm công nghiệp.
- Chủ trì, phối hợp với UBND cấp huyện phổ biến kiến thức an toàn thực phẩm cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý.
- Tổ chức các hoạt động truyền thông về an toàn thực phẩm và phòng, chống NĐTP theo ngành, lĩnh vực được phân công quản lý.
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm về an toàn thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý; kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi sai phạm, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Đối với trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình; doanh nghiệp; trường học; các cơ quan, đơn vị tổ chức bếp ăn tập thể; tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống khi xảy ra NĐTP.

- Khai báo và báo cáo khi có NĐTP.

- Kịp thời tổ chức cấp cứu, điều trị bệnh nhân.

- Ngừng ngay việc cung cấp suất ăn…

- Cung cấp hồ sơ, giấy tờ liên quan phục vụ cho công tác điều tra NĐTP.

- Phối hợp với các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố, các cơ quan, đơn vị có liên quan trong công tác tổ chức cấp cứu, điều trị cho người bị NĐTP; lấy mẫu, điều tra tìm nguyên nhân gây NĐTP.

- Xây dựng phương án sẵn sàng ứng phó khi xảy ra NĐTP tại đơn vị, khuyến khích tổ chức các cuộc diễn tập để chủ động, sẵn sàng ứng phó, hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của NĐTP.

Thanh Tâm, Trâm – P.QLCN