Ứng phó bão số 9: Bình Dương kịp thời triển khai nhiều phương án

Thứ bảy, ngày 24/11/2018

(BDO) Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 9, ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, đã chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh khẩn trương triển khai các phương án, biện pháp phòng tránh, ứng phó với tình huống xấu nhất có thể xảy ra; lên phương án và kế hoạch bảo đảm tính mạng, tài sản của người dân, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn.

Chủ động phương án ứng phó

Theo báo cáo nhanh của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, hồi 4 giờ sáng ngày 23-11, vị trí tâm bão cơn bão số 9 ở vào khoảng 10,9 độ Vĩ Bắc, 113,0 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Tây Bắc quần đảo Trường Sa, cách đất liền các tỉnh từ Ninh Thuận đến Bà Rịa - Vũng Tàu khoảng 450km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10; bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 100km tính từ tâm bão.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão số 9 di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 10-15km và có khả năng mạnh thêm. Đến 4 giờ sáng ngày 24-11, vị trí tâm bão ở khoảng 10,3 độ Vĩ Bắc, 110,5 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh từ Ninh Thuận đến Bà Rịa -Vũng Tàu khoảng 230km về phía Đông, cách đảo Phú Quý khoảng 130km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100km/giờ), giật cấp 12; bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 180km tính từ tâm bão. Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10-15km, đi vào đất liền các tỉnh ven biển Nam Trung bộ và miền Đông Nam bộ với cường độ mạnh cấp 8, sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 4 giờ sáng ngày 25-11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 10,5 độ Vĩ Bắc, 107,6 độ Kinh Đông, trên đất liền các tỉnh Nam Trung bộ và miền Đông Nam bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60km/giờ), giật cấp 9...

Ông Mai Hùng Dũng (bên phải), Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, trong một chuyến khảo sát thực địa kênh thoát nước Bình Hòa, TX.Thuận An. Ảnh: QUỲNH NHIÊN

Cơ quan chức năng cũng đưa ra cảnh báo mưa lớn. Theo đó, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 9 kết hợp với không khí lạnh, từ khoảng ngày 24 đến 26-11 ở các tỉnh Nam bộ có mưa to đến rất to (100-200mm/đợt). Khu vực tỉnh Bình Dương, ngày 23-11, mây thay đổi, ngày nắng; rạng sáng ngày 24-11 có mưa rào và giông rải rác, gió Đông Bắc cấp 2-3, nhiệt độ thấp nhất từ 22 - 23 độ, nhiệt độ cao nhất từ 33 - 35 độ. Còn theo cảnh báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 9 kết hợp với không khí lạnh, từ khoảng ngày 24 đến 26- 11, ở các tỉnh Nam bộ có mưa to đến rất to (100-200mm/đợt); mưa to vào thời điểm triều cường trên sông Sài Gòn (dự báo đỉnh triều cao 1,6m vào các ngày từ 23 đến 25-11, cao hơn báo động III là 0,3m), đỉnh triều có thể cao hơn 1,6m do mưa to kết hợp triều cường. Tại Bình Dương, theo thông tin từ Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Bình Dương, đêm 23-11 một số địa phương trong tỉnh có mưa vừa. Ngày 24, 25-11 mưa to sẽ diễn ra trong diện rộng khắp tỉnh; đề phòng một số nơi sẽ có lốc, xoáy. Ngày 26-11, lượng mưa sẽ giảm trong toàn tỉnh.

Trong phương án triển khai biện pháp phòng tránh, ứng phó với bão số 9, ông Mai Hùng Dũng yêu cầu các ngành bảo đảm cung cấp công tác hậu cần, trước hết là lương thực, nhu yếu phẩm, nước sạch, ánh sáng, thuốc men chăm sóc sức khỏe cho người dân, vệ sinh môi trường, phòng ngừa dịch bệnh, bảo vệ an ninh trật tự, an toàn xã hội ở địa phương và nơi tạm cư khi có bão đổ bộ. Đối với Sở Công thương, cần lên phương án phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức trợ giúp, cung ứng hàng hóa, chất đốt, lương thực, thực phẩm thiết yếu… cho người dân phải sơ tán, di dời tránh bão, cứu trợ nhân dân vùng bị thiệt hại, không để người dân thiếu đói. Đối với Sở Giao thông - Vận tải, cần phối hợp UBND các huyện, thị, thành phố trong tỉnh triển khai bố trí lực lượng hướng dẫn điều tiết giao thông tại các bến phà, đò ngang để nhân dân chuyển hướng di chuyển, không tập trung đi lại tại các bến phà, đò ngang trong thời gian bão có khả năng đổ bộ hoặc theo cảnh báo của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương.

Bảo đảm tính mạng, tài sản cho người dân, doanh nghiệp

 Thông tin từ Chi cục Thủy lợi cho biết, qua đợt kiểm tra sơ bộ của đơn vị vừa qua cho thấy, đến thời điểm này các công trình thủy lợi, đê bao, hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh không có dấu hiệu hư hỏng, suy yếu, bảo đảm an toàn.

Do vị trí địa lý đặc thù, tỉnh Bình Dương nằm ở hạ du và chịu ảnh hưởng lũ lụt do xả lũ của 6 hồ chứa nước quốc gia, trong đó có hồ thủy điện Trị An, hồ thủy điện Srok Phu Miêng, hồ Phước Hòa, hồ Dầu Tiếng. Khi bão đổ bộ, kèm mưa to, các hồ phải xả lũ với lưu lượng lớn để bảo đảm an toàn cho công trình đầu mối nên tình hình bão lũ sẽ diễn biến phức tạp. Ông Mai Hùng Dũng đã chỉ đạo các địa phương triển khai ngay kế hoạch và phương án tổ chức di dời dân ở các khu vực xung yếu đến nơi trú ẩn an toàn; các bệnh viện, trung tâm y tế dự phòng, trạm y tế trong tỉnh huy động lực lượng y, bác sĩ tại chỗ, phương tiện, thiết bị, thuốc men để sơ cấp cứu, chữa bệnh cho người dân.

Bên cạnh đó, lãnh đạo UBND tỉnh yêu cầu các ngành chức năng kịp thời thông báo các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh kiểm tra kho hàng, máy móc, thiết bị để chủ động di dời đến địa điểm an toàn nhằm giảm thiểu thiệt hại khi xảy ra mưa bão; khẩn trương huy động, trưng dụng (đã có hiệp đồng) các phương tiện, vật tư, máy móc, thiết bị hiện có do các đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân quản lý trên địa bàn bảo đảm trạng thái sẵn sàng vận hành hiệu quả để chống ngập lụt, hỗ trợ di chuyển dân cư, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, cứu sập, cháy, nổ và khắc phục hậu quả khi có sự cố xảy ra. Đối với các doanh nghiệp, nhà máy, xí nghiệp ven sông phải đề phòng tình huống mưa lớn kết hợp triều cường gây sạt lở đất, ảnh hưởng đến an toàn tính mạng cho người lao động...

Trong trường hợp bão số 9 đổ bộ trực tiếp vào địa bàn Bình Dương, các cấp, các ngành sẵn sàng tổ chức di dời dân trong các nhà ở không kiên cố, có khả năng bị đổ, sập và những khu vực xung yếu để bảo đảm an toàn tính mạng. Lãnh đạo UBND tỉnh cũng đề nghị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Sở Giao thông - Vận tải, Tỉnh đoàn chuẩn bị lực lượng, bố trí cán bộ, chiến sĩ, sẵn sàng huy động các phương tiện, trang thiết bị như ca nô, xe tải, ô tô, thiết bị thông tin liên lạc, nhà bạt, phao cứu hộ, áo phao cứu sinh… để tham gia sơ tán, di dời dân, tìm kiếm cứu nạn - cứu hộ. Đối với Công an tỉnh, sớm triển khai các lực lượng để bảo vệ an ninh trật tự, an toàn xã hội, các công trình trọng điểm, tài sản của nhân dân, Nhà nước và doanh nghiệp, ngăn ngừa các đối tượng xấu lợi dụng khi bão xảy ra để trộm cắp, cướp giật. Sở Giáo dục và Đào tạo cùng các địa phương kiểm tra các trường học, cơ sở dạy nghề để ứng cứu kịp thời và bảo đảm an toàn tuyệt đối cho học sinh, giáo viên, nhân viên; tuyệt đối yêu cầu các trường không tổ chức cho học sinh tham quan, du lịch, sinh hoạt ngoại khóa khi bão có hướng di chuyển vào tỉnh hoặc theo cảnh báo của cơ quan chức năng…

 Để bảo đảm an toàn cho người dân, bảo vệ tài sản của Nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp, ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, đã chỉ đạo các cấp, các ngành khẩn trương triển khai các phương án, biện pháp phòng tránh, ứng phó bão số 9; dự kiến tình huống xấu nhất có thể xảy ra; lên phương án và kế hoạch phối hợp với lực lượng tại chỗ và lực lượng chi viện các cấp. Theo đó, giao Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi chặt chẽ tình hình dự báo khí tượng thủy văn, thiên tai trên địa bàn tỉnh. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các đơn vị quản lý công trình thủy lợi kiểm tra các công trình hồ, đập, bờ rạch, cản dâng nước, đê bao… để phát hiện kịp thời các sự cố.

 

 TIỂU MY