Ứng dụng máy ép mùn cưa sản xuất gỗ nén: Lợi cả đôi đường
Sản xuất gỗ nén tại DNTN may Quốc Tế
Mở lối từ… mùn cưa
Là một công ty may mặc khá lớn nên nhu cầu tiêu thụ chất đốt cho lò hơi trong sản xuất của DNTN may Quốc Tế là rất cao. Trong những năm gần đây, củi đốt cho lò hơi này ngày càng khan hiếm, giá cả không ổn định nên nguồn nguyên liệu đầu vào bấp bênh, dẫn đến hiệu suất của lò hơi thấp, gây khó khăn cho việc sản xuất chung của công ty. Từ thực tế này, bà Phan Lê Diễm Trang, Giám đốc công ty đã nghĩ đến việc tận dụng… mùn cưa để cải thiện tình hình.
Thành công bước đầu của xưởng sản xuất gỗ nén, DNTN may Quốc Tế không thể không kể đến sự hỗ trợ tích cực của Trung tâm Khuyến công & Tư vấn phát triển công nghiệp Bình Dương. Sau khi DNTN may Quốc Tế có dự án và gặp khó khăn về vốn, trung tâm đã hỗ trợ số tiền lên đến 100 triệu đồng và nhiều biện pháp kỹ thuật để DN triển khai dự án, mang lại hiệu quả kinh tế đúng như mong đợi.
Bình Dương là địa phương có ngành gỗ mạnh nhất nước hiện nay, chiếm 25% số lượng DN gỗ cả nước và đóng góp 50% kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ. Theo đó, có một lượng lớn mùn cưa, dăm bào… được thải ra trong quá trình sản xuất chế biến gỗ. Đây chính là nguồn chất đốt tuyệt vời, mang tính ổn định cao. Vì là sản phẩm thừa từ gỗ nên việc tận dụng mùn cưa không gây thiệt hại về nguồn tài nguyên thiên nhiên như chặt phá rừng, đốt rừng lấy củi. Đồng thời, việc tận dụng nguồn nguyên liệu này cũng tạo điều kiện cho DN gỗ thanh lý sản phẩm thừa không cần thiết cho việc chế biến của DN và tăng doanh thu…
Cũng chính từ những suy nghĩ trên mà đầu năm 2013, DNTN may Quốc Tế quyết định đầu tư 15,4 tỷ đồng để thuê đất, đặt nhà xưởng, lắp đặt máy móc thiết bị… Đến tháng 5-2013, xưởng sản xuất gỗ nén từ máy ép mùn cưa của công ty đi vào hoạt động ổn định, cho ra sản phẩm đáp ứng được nhu cầu đặt ra của công ty cũng như thị trường sử dụng chất đốt tại Bình Dương và vùng lân cận.
Sản xuất bền vững hơn
Theo tính toán của nhiều chuyên gia, nếu sản xuất 2,5 tấn mùn cưa thành nhiên liệu đốt trong nước thì Việt Nam đỡ nhập khẩu khoảng 1.000 lít dầu. Chưa kể sản xuất củi, than sạch với nguyên liệu 100% từ mùn cưa, dăm bào cũng góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Bởi nguồn nguyên liệu này có thời gian đốt và nhiệt lượng cao, lượng tro tạo ra lại rất ít, giá thành các sản phẩm chất đốt từ mùn cưa rẻ, có thể giảm rất nhiều chi phí sản xuất đối với những DN sản xuất phải sử dụng nhiều chất đốt tương tự như DNTN may Quốc Tế. Chính vì thế, lối ra từ mùn cưa là một giải pháp tốt không chỉ các công ty sản xuất gỗ mà còn là các DN nói chung sản xuất bền vững, thân thiện với môi trường hơn.
Bà Phan Lê Diễm Trang, cho biết: “Từ khi xưởng sản xuất gỗ đi vào hoạt động, chúng tôi không còn phải bận tâm về nguồn nguyên liệu đốt. Gỗ ép từ mùn cưa cho nhiệt lượng cao, hiệu suất sử dụng năng lượng lớn và quan trọng là khí thải đạt chuẩn cho phép, không gây ô nhiễm môi trường. Công suất thiết kế của nhà máy là 1.000 tấn/năm, nếu chạy hết công suất chúng tôi sẽ lãi 192 triệu đồng/tháng. Thời gian tới chúng tôi sẽ bán nhiều gỗ nén cho các công ty có nhu cầu”. Theo tính toán của dự án, ngoài việc giải quyết việc làm cho khoảng 15 lao động và chủ động được nguồn chất đốt sạch, hiệu quả cao thì mô hình kể trên của DNTN may Quốc Tế cũng mang lại hiệu quả kinh tế. Với doanh thu ổn định, thời gian hoàn vốn của xưởng sản xuất là 5 năm, lợi nhuận sau thuế là 4,8 tỷ đồng/năm.
KHÁNH VINH