Ứng dụng khoa học công nghệ: Nâng cao sức cạnh tranh ngành gỗ
(BDO) Vượt qua những thách thức do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, 6 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của tỉnh vẫn tăng trưởng rất ấn tượng. Đây là kết quả của việc nhiều doanh nghiệp (DN) gỗ mạnh dạn đầu tư công nghệ, phát triển sản phẩm mới và sử dụng hiệu quả các kênh tiếp thị, bán hàng trực tuyến.
Dây chuyền sản xuất của Công ty TNHH Furniture tại TX.Tân Uyên
Nâng cao giá trị xuất khẩu
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trên thế giới bùng nổ và sự phát triển khoa học công nghệ đã tạo ra nhiều cơ hội giúp ngành công nghiệp gỗ nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của các thị trường xuất khẩu. Đón đầu những lợi thế do cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại, nhiều DN gỗ đã thay đổi về tư duy để cập nhật những kiến thức mới, đáp ứng yêu cầu sản xuất; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, nâng cấp, đổi mới các trang thiết bị máy móc tự động, nâng cao hiệu quả sử dụng nguyên liệu.
Theo bà Dương Thị Tú Trinh, Giám đốc Công ty TNHH Máy chế biến gỗ Thượng Nguyên, TX.Tân Uyên, 2 năm gần đây, sản phẩm gỗ Việt Nam đa số xuất khẩu vào các nước tiên tiến như Mỹ, EU. Ngành gỗ tại các thị trường này không bị ảnh hưởng như những ngành khác. Bên cạnh đó, nguyên liệu về rừng trồng ở Việt Nam như cao su, tràm, thông chiếm 70%, nguyên liệu nhập khẩu chỉ chiếm khoảng 30%. Ngoài ra, việc Mỹ áp đặt thuế cho DN Trung Quốc đã khiến nhiều nhà đầu tư chuyển hướng sang thị trường Việt Nam, là cơ hội để Việt Nam xuất khẩu đạt mục tiêu. Những lợi thế này đã mang lại cho ngành gỗ có giá trị xuất khẩu cao cùng với yếu tố hết sức quan trọng trong sản xuất và chế biến đó là việc ứng dụng khoa học công nghệ.
Bà Dương Thị Tú Trinh cho biết thêm: “Việc đổi mới dây chuyền sản xuất theo hướng ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại sẽ giúp DN tiết kiệm thời gian và nguồn lực, sản lượng tăng gấp đôi, giảm được chi phí giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm đồng đều hơn và nâng cao sức cạnh tranh cho DN. Đây cũng là những lợi thế để DN đáp ứng các yêu cầu hàng rào kỹ thuật của một số Hiệp định thương mại FTA, giúp DN mở rộng thị trường, nâng cao giá trị sản xuất của ngành công nghiệp sản xuất, chế biến gỗ”.
Theo lãnh đạo Sở Công thương, những tháng đầu năm 2021, ngành sản xuất, chế biến sản phẩm gỗ của Bình Dương chiếm giá trị xuất khẩu lớn nhất của tỉnh. Toàn tỉnh hiện có hơn 600 DN gỗ xuất khẩu (chiếm hơn 24% số DN cả tỉnh). Hiện nay, ngành sản xuất gỗ trong tỉnh đang đẩy mạnh việc tái cơ cấu sản xuất.
Đặc biệt, từ khi EVFTA chính thức có hiệu lực, ngành gỗ Việt Nam kỳ vọng sẽ giúp ngành mở rộng thị trường tiêu thụ các mặt hàng gỗ tại các nước trong khối EU. Trị giá xuất khẩu 5 tháng đầu năm 2021 ngành gỗ của tỉnh Bình Dương ước đạt 2.897,3 triệu USD, tăng 65,4% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 20,8% trị giá xuất khẩu cả tỉnh. Thị trường xuất khẩu gỗ của tỉnh chủ yếu là Mỹ, chiếm 65,03%, tăng 81,4% so cùng kỳ năm trước; thị trường Hồng Kông chiếm 8,5%, tăng 47,5%; Đài Loan chiếm 5,6%, tăng 43,1%; EU chiếm 4,9%, tăng 53,495%; Nhật Bản chiếm 3,5%, tăng 46,8%; Singapore chiếm 2,3%, tăng 35,8%…
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới
Hiện nay, nhiều Hiệp định thương mại tự do FTA đã có hiệu lực. Trong đó, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực. Ngành gỗ Việt Nam kỳ vọng thực thi EVFTA sẽ giúp ngành mở rộng thị trường tiêu thụ các mặt hàng tại các nước trong khối EU. Để đáp ứng các tiêu chuẩn cao trong EVFTA nói riêng và thị trường EU nói chung buộc DN Việt Nam phải tuân thủ một cách bài bản, quan tâm về vấn đề đổi mới công nghệ trong dây chuyền sản xuất và trong quản lý, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và cao nâng cao vị trí trong chuỗi cung ứng hàng hóa sang thị trường EU.
Ngành sản xuất đồ gỗ đã đẩy mạnh và phát triển trên các kênh trực tuyến như Alibaba. com được xem là một bước ngoặt đưa sản phẩm gỗ của Việt Nam tiếp cận khách hàng quốc tế. Ngoài ra, tác động của dịch bệnh Covid-19 đã thúc đẩy việc chuyển đổi số trong toàn xã hội và trong tất cả mọi lĩnh vực. Công nghệ đã tạo nên những nền tảng căn cơ, tạo ra những đột phá trong việc hỗ trợ DN ngành gỗ quảng bá xuất khẩu.
Bà Dương Thị Tú Trinh chia sẻ: “Muốn phát triển sản phẩm và cho các đối tác nước ngoài biết về sản phẩm của mình thì cần làm thương mại điện tử. Sử dụng sàn thương mại điện tử sẽ mang lại hiệu quả và là phương thức đưa đến cho người tiêu dùng sản phẩm từ máy móc thiết bị hiện đại mà không quá phức tạp. Đối với ngành gỗ nói riêng và những ngành hàng nói chung, để phát triển cần có thương mại điện tử và công nghệ, nhất là trong những điều kiện mới thời gian tới”.
PHƯƠNG LÊ