Ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục - đào tạo: Tác động tích cực đến chất lượng quản lý, giảng dạy

Thứ năm, ngày 17/12/2020

(BDO)  Trong xã hội hiện đại, khi nhiều hoạt động trong đời sống xã hội được số hóa, ngành giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý và giảng dạy, góp phần nâng cao chất lượng GD-ĐT.

 Giáo viên trường THCS Chu Văn An (TP.Thủ Dầu Một) ứng dụng CNTT vào tiết dạy

 Đẩy mạnh ứng dụng

Ứng dụng CNTT trong ngành GD-ĐT đã trở thành xu thế tất yếu trong quản lý và hỗ trợ các hoạt động dạy và học. Bảo đảm triển khai ứng dụng CNTT trong toàn ngành, đến nay, 100% trường học của tỉnh đã kết nối cáp quang. Đặc biệt, Sở GD-ĐT đã đầu tư thiết bị và hạ tầng CNTT đồng bộ, tập trung trang bị những thiết bị cần thiết, giúp cho công tác quản lý tốt hơn. Đến nay, toàn tỉnh có gần 2.900 máy tính phục vụ quản lý, công tác hành chính nhà trường; có khoảng 3.500 máy tính phục vụ công tác chuyên môn của giáo viên và khoảng 18.000 máy tính phục vụ học tập của học sinh (HS). Ngoài ra, ngành cũng trang bị một lượng đáng kể thiết bị trình chiếu trong các trường.

Khi đã được trang bị đầy đủ hệ thống, thiết bị CNTT, 100% văn bản của ngành đến nay đã được điện tử hóa. Đa số các trường đã triển khai sử dụng sổ điểm điện tử và tất cả các trường đã triển khai giải pháp kết nối, trao đổi thông tin với phụ huynh qua hình thức tin nhắn, email, website hoặc ứng dụng di động. Ban Giám hiệu trường THCS Trần Hưng Đạo (huyện Phú Giáo) cho biết, hiện tại các dữ liệu về giáo viên, HS đều được nhà trường quản lý bằng CNTT. Trường cũng quản lý điểm bằng phần mềm, sổ điểm lớn bằng điện tử, phiếu liên lạc của HS cũng là điện tử. Trong các cuộc họp của trường, các nội dung, văn bản đều được gửi qua email.

Thông qua các ứng dụng CNTT, cán bộ quản lý dễ dàng hơn trong quản lý các hoạt động chuyên môn, quản lý kết quả học tập của HS. Đối với bậc tiểu học, việc ứng dụng CNTT, sử dụng phần mềm quản lý kết quả giáo dục và học tập của HS để giảm áp lực về hồ sơ, sổ sách, giáo viên có nhiều thời gian quan tâm đến HS và đổi mới phương pháp dạy học. Ở bậc trung học, giáo viên thường xuyên ứng dụng CNTT vào giảng dạy, tham gia hoạt động chuyên môn trên trang mạng “Trường học kết nối”. Ông Nguyễn Văn Phong, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT thông tin, Sở GD-ĐT đã triển khai, hướng dẫn cho tất cả cán bộ, giáo viên khai thác tài nguyên internet, triển khai xây dựng và khai thác có hiệu quả “Hệ thống kiểm tra trắc nghiệm online” trên toàn tỉnh, sử dụng thành thạo và áp dụng các phần mềm dạy học online như: Zoom, Google Meeting... để dạy học trực tuyến...

Ứng dụng trong dạy học, kiểm tra, đánh giá

Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong dạy học, Sở GD-ĐT đã yêu cầu các đơn vị, trường học phổ biến, hướng dẫn giáo viên, HS khai thác kho bài giảng E-Learning của Bộ GD-ĐT nhằm đổi mới nội dung, phương pháp dạy và học. “Trong năm học này, ngành tiếp tục khuyến khích giáo viên tham gia xây dựng bài giảng E-Learning để đóng góp vào các kho bài giảng của trường, phòng, sở và Bộ GD-ĐT”, ông Phong cho biết.

Với yếu tố tích cực từ CNTT, trong tiết học, thầy trò cùng tương tác nhau, HS chủ động tham gia vào bài học. Cô Nguyễn Thị Lan, giáo viên môn địa lý trường THCS Chánh Nghĩa (TP.Thủ Dầu Một) là một trong những nhà giáo tích cực ứng dụng CNTT vào giảng dạy. Cô cho biết, nhà trường đã được ngành trang bị đầy đủ các thiết bị dạy học hiện đại. “Trong từng bài giảng, tôi kết hợp sử dụng bảng tương tác thông minh và sử dụng trình chiếu Powpoint, giúp cho bài học thêm sinh động. Với những bài học như vậy, HS hứng thú học tập, tích cực phát biểu, xây dựng bài học”, cô Lan nói.

Việc ứng dụng CNTT trong dạy học phát huy hiệu quả nhất trong giai đoạn thực hiện phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Đa số các trường đã tổ chức triển khai dạy học qua internet bằng nhiều hình thức hiệu quả, đóng góp tích cực vào kết quả nổi bật trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 của tỉnh.

“Việc ứng dụng CNTT trong dạy học có nhiều chuyển biến. Đa số giáo viên các trường đã quen dần với việc sử dụng các thiết bị phục vụ cho việc giảng dạy, thiết kế bài giảng phù hợp hơn với nội dung tiết học, bài dạy. Giáo viên có sự tìm tòi, nghiên cứu các phần mềm, ứng dụng phù hợp với chuyên môn giảng dạy của mình. Một số giáo viên đã ứng dụng soạn bài giảng E-Learning vào dạy học. Trong năm học 2019-2020, có trên 14.000 giáo viên ứng dụng CNTT dạy học trên lớp học, hơn 6.000 thầy cô có thể soạn bài giảng E-Learning”.

(Ông NGUYỄN VĂN PHONG, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT)

 ÁNH SÁNG