Ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh chuyển đổi số

Thứ năm, ngày 25/03/2021

(BDO) Ngày 10-3-2021, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyển đổi số ngành tài nguyên và môi trường (TN&MT) đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, mục tiêu đến năm 2025 ngành TN&MT phát triển Chính phủ số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, phát triển xã hội số.


Chuyên viên Trung tâm Công nghệ thông tin - lưu trữ TN&MT thực hiện thu thập tài liệu

Hoàn thiện cơ sở dữ liệu

Theo đó, mục tiêu đến năm 2025 ngành TN&MT phát triển Chính phủ số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động, với 80% cơ sở dữ liệu (CSDL) về TN&MT được xây dựng, cập nhật trên nền tảng dữ liệu lớn (Big data) có sự đóng góp của tổ chức, cá nhân, cộng đồng. Trong đó, cơ bản hoàn thành CSDL đất đai quốc gia, CSDL nền địa lý quốc gia; CSDL môi trường quốc gia. Sẵn sàng kết nối, chia sẻ và cung cấp dữ liệu mở để thực hiện dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp, vận hành Chính phủ điện tử, tiến tới Chính phủ số, phát triển kinh tế số, xã hội số, đô thị thông minh. 80% thiết bị trong điều tra, khảo sát, quan trắc, đo đạc sử dụng công nghệ số, bảo đảm thu nhận trực tiếp dữ liệu số, trong đó 70% tích hợp giải pháp thông minh sử dụng công nghệ internet kết nối vạn vật (IoT)…

Nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn 2021-2025, đối với hạng mục phát triển hạ tầng dữ liệu, ngành TN&MT triển khai xây dựng, hoàn thiện các CSDL quốc gia, CSDL chuyên ngành về TN&MT trên cơ sở kiến trúc, tiêu chuẩn, quy chuẩn, dịch vụ chia sẻ dữ liệu thống nhất. Bảo đảm nền tảng về dữ liệu là hạ tầng quan trọng, cốt yếu cho chuyển đổi số ngành TN&MT. Tập hợp, số hóa nội dung, chuẩn hóa CSDL văn bản hành chính, CSDL nội bộ, ứng dụng triển khai công nghệ khai phá, xử lý văn bản đáp ứng nhu cầu chỉ đạo, điều hành, thực hiện công tác hành chính. Thiết kế, tích hợp, kết nối hệ thống dữ liệu TN&MT đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị thông minh (dữ liệu không gian đô thị, đất đai, môi trường, tài nguyên nước, địa chất, thời tiết...). Xây dựng hệ thống lưu trữ điện tử chuyên ngành TN&MT. Xây dựng kho dữ liệu TN&MT dùng chung, sử dụng giải pháp công nghệ quản lý dữ liệu lớn (big data, data lake) nhằm quản lý toàn diện tài nguyên số về TN&MT…

Từng bước xây dựng cơ sở dữ liệu số

Tỉnh Bình Dương hiện đang đẩy mạnh tiến trình xây dựng thành phố thông minh. Bình Dương đã xây dựng chiến lược chuyển đổi số và công nghiệp 4.0, Chính phủ số cho giai đoạn 2021-2025, trong đó chú trọng đến thực hiện CSDL dùng chung, tích hợp và mở, để làm nền tảng cho mọi ứng dụng phân tích, là động lực để phát triển đổi mới sáng tạo.

Thời gian qua, công tác lưu trữ đã được Trung tâm Công nghệ thông tin (CNTT) - lưu trữ TN&MT tỉnh xử lý nhanh chóng, đúng quy trình, thủ tục, bảo đảm cung cấp, khai thác và sử dụng hiệu quả tài liệu TN&MT. Công tác ứng dụng CNTT tại các phòng, đơn vị thuộc sở được quan tâm thực hiện, tập trung bảo đảm an toàn hệ thống thông tin, không để xảy ra tình trạng lộ lọt thông tin; đồng thời tham mưu giải pháp để nâng cao mức bảo mật an toàn thông tin.

Nhằm bảo đảm tốt quá trình lưu trữ thuận lợi cho công tác cung cấp thông tin phục vụ quản lý nhà nước về TN&MT, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, vừa qua UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thu thập dữ liệu TN&MT trên địa bàn tỉnh năm 2021. Ông Đỗ Văn Hiển, Phó Giám đốc Trung tâm CNTT lưu trữ TN&MT, Sở TN&MT, cho biết: “Mục đích của việc thu thập là để quản lý tập trung thống nhất, bảo đảm tốt quá trình lưu trữ thuận lợi cho công tác cung cấp thông tin. Sau khi thu thập sẽ tiến hành hoàn thiện nghiệp vụ, đồng thời số hóa tài liệu nhằm từng bước xây dựng CSDL số, hình thành kho lưu trữ tài liệu điện tử của ngành. Đặc biệt, sở sẽ công bố danh mục dữ liệu TN&MT trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin điện tử, nhằm phục vụ khai thác tốt cho công chúng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội”.

Để thực hiện kế hoạch thu thập dữ liệu đạt hiệu quả, Sở TN&MT sẽ đẩy mạnh hiện đại hóa ứng dụng CNTT trong công tác lưu trữ, số hóa hồ sơ, tài liệu tích hợp vào phần mềm, góp phần cung cấp thông tin chính xác, nhanh chóng và kịp thời, phục vụ quản lý nhà nước về TN&MT, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, chung tay xây dựng thành công thành phố thông minh Bình Dương.

Ông Đỗ Văn Hiển cho biết thêm trong thời gian tới, ngành TN&MT tỉnh tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, xây dựng kho lưu trữ chuyên dụng theo Thông tư số 09/2007 của Bộ Nội vụ, đồng thời đẩy mạnh phối hợp với các đơn vị trong công tác thu thập dữ liệu TN&MT theo Nghị định số 73/2017 của Chính phủ về thu thập, quản lý khai thác và sử dụng thông tin, dữ liệu TN&MT trên địa bàn tỉnh. “Ngoài ra, việc hiện đại hóa ứng dụng CNTT trong công tác lưu trữ, chúng tôi tiếp tục số hóa hồ sơ, tài liệu tích hợp vào phần mềm nhằm phục vụ cho công tác cung cấp thông tin tài liệu lưu trữ TN&MT số trên môi trường mạng được chính xác, nhanh chóng và kịp thời”, ông Đỗ Văn Hiển nói.

 PHƯƠNG LÊ