Ứng dụng công nghệ số: Tạo thuận lợi cho người dân khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế

2024-08-02 09:28:06

 Hiện nay, người dân đi khám, chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT) có thể sử dụng 3 cách: Dùng thẻ căn cước gắn chíp, hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID - bảo hiểm xã hội (BHXH) số hoặc ứng dụng VNeID (định danh điện tử) mà không cần đến thẻ BHYT giấy. Việc ứng dụng công nghệ số thay thế thẻ BHYT giấy góp phần đơn giản hóa thủ tục hành chính, minh bạch thông tin, thuận tiện, tiết kiệm thời gian, chi phí và chống gian lận, trục lợi quỹ BHYT.

 Người dân sử dụng thẻ căn cước có gắn chíp đăng ký KCB tại Bệnh viện Đa khoa An Phú (TP.Thuận An)

 100% cơ sở KCB bảo hiểm y tế triển khai thực hiện

Theo Đề án 06 của Chính phủ, thẻ căn cước có gắn chíp sẽ được tích hợp nhiều thông tin liên quan đến người dân, trong đó có thông tin thẻ BHYT. Điều này có nghĩa là người dân có thể KCB BHYT tại các cơ sở KCB mà không cần kèm theo thẻ BHYT giấy. Đẩy mạnh triển khai thực hiện đề án này, thời gian qua, BHXH Bình Dương đã phối hợp chặt chẽ với Công an tỉnh từng bước đồng bộ dữ liệu quốc gia về bảo hiểm với dữ liệu quốc gia về dân cư, xây dựng các giải pháp kỹ thuật để bảo đảm việc tra cứu thông tin về BHYT qua thẻ căn cước gắn chíp. Nhiều người dân đã được tích hợp thông tin về BHYT trong dữ liệu về căn cước để tạo thuận lợi khi đi KCB BHYT. Song đó, Bộ Y tế cũng cho phép sử dụng ứng dụng định danh điện tử VNeID hay VssID thay thế cho thẻ BHYT giấy khi người dân đi KCB.

 “Sau thời gian triển khai thực hiện ứng dụng VNeID, VssID hay thẻ căn cước gắn chíp thay t hế thẻ BHYT giấy khi đi KCB BHYT đã mang lại nhiều tiện ích, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số liên quan đến thủ tục khám bệnh BHYT, giúp người dân được tiếp cận dịch vụ KCB BHYT tốt nhất”.

(Ông Nguyễn Phi Hiền, Phó Giám đốc BHXH Bình Dương)

Ghi nhận tại Bệnh viện Đa khoa An Phú (TP.Thuận An), mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận hàng trăm lượt người đến KCB. Để bảo đảm từng bước thay thế và đơn giản các thủ tục hành chính trong việc KCB, bệnh viện đã triển khai áp dụng thẻ căn cước gắn chíp trong đăng ký KCB. Việc làm này đã đem lại rất nhiều lợi ích, tạo nhiều thuận lợi cho người dân đến KCB tại đây.

Ông Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Bệnh viện Đa khoa An Phú, cho biết thực hiện Quyết định số 06/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án triển khai ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến 2030, có thể thấy, việc tổ chức triển khai sử dụng thẻ căn cước gắn chíp hoặc qua ứng dụng định danh điện tử quốc gia của Bộ Công an (VNeID) để KCB BHYT là minh chứng rõ nét trong việc hướng tới nền hành chính hiện đại, Chính phủ số, tạo điều kiện tối đa cho người có thẻ BHYT về các thủ tục KCB BHYT, không phát sinh bất kỳ thủ tục giấy tờ, thời gian thực hiện thủ tục KCB được tiết giảm tối đa. Để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Bệnh viện Đa khoa An Phú thông qua ứng dụng công nghệ thông tin và dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử, tăng cường sự hài lòng của người bệnh trong quá trình KCB, bệnh viện đã nhanh chóng triển khai thực hiện và được người dân đánh giá cao.

Hiện nay về cơ bản, người dân ở các địa phương trong tỉnh đến khám bệnh tại các cơ sở y tế đều sử dụng thẻ căn cước gắn chíp có tích hợp mã thẻ BHYT hoặc qua ứng dụng VNeID. Theo BHXH Bình Dương, đến nay, trên địa bàn tỉnh 100% cơ sở y tế đã triển khai KCB BHYT bằng thẻ căn cước gắn chíp hoặc qua ứng dụng VNeID.

Thông tuyến bảo hiểm y tế

Thông tuyến BHYT là một trong những chính sách của Nhà nước giúp người dân thuận tiện hơn khi KCB mà vẫn được hưởng đầy đủ quyền lợi BHYT. Trước đây, để được hưởng 100% quyền lợi BHYT, người bệnh bắt buộc phải thực hiện KCB đúng tuyến đăng ký hoặc có giấy chuyển viện. Tuy nhiên, nhờ chính sách thông tuyến bảo hiểm của Nhà nước từ năm 2016 mà người bệnh có thể KCB ở các cơ sở khác mà vẫn được hưởng đầy đủ quyền lợi.

Cụ thể, BHYT thông tuyến là khi người bệnh sở hữu thẻ BHYT có nơi KCB ban đầu ghi trên thẻ thuộc các đơn vị KCB thuộc tuyến xã, các phòng khám đa khoa hoặc tuyến huyện thì khi KCB tại các cơ sở tương đương trên cùng tỉnh sẽ được xem là khám đúng tuyến mà không cần phải có giấy chuyển viện. Với quy định này, có thể hiểu, thông tuyến BHYT là việc người bệnh đi KCB tại bất cứ bệnh viện tuyến huyện nào trên cùng địa bàn tỉnh đều được hưởng quyền lợi như nhau.

Bước sang đầu năm 2021, người có thẻ BHYT điều trị nội trú trái tuyến ở các bệnh viện tuyến tỉnh trong cả nước được hưởng quyền lợi như đúng tuyến. Ông Nguyễn Phi Hiền, Phó Giám đốc BHXH Bình Dương, cho biết việc thông tuyến đã tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia BHYT, có thẻ BHYT, không cần giấy chuyển viện mà vẫn được KCB và được bảo đảm quyền lợi tại các cơ sở KCB tuyến tương đương trên toàn quốc, được quỹ BHYT chi trả chi phí điều trị nội trú theo phạm vi quyền lợi và mức hưởng như đúng tuyến.

 TƯỜNG VY

Báo Bình Dương