Ứng dụng công nghệ số - Lực đẩy cho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo

Thứ năm, ngày 14/11/2024

(BDO) Chiều 14-11, nằm trong các hoạt động của Diễn đàn Quốc gia Phát triển kinh tế số và xã hội số lần thứ II đã diễn ra phiên thảo luận chuyên đề: Ứng dụng công nghệ số - Lực đẩy cho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Tham dự có ông Nguyễn Khắc Lịch, Cục trưởng Cục Công nghiệp, Công nghệ thông tin và truyền thông – Bộ Thông tin và Truyền thông.


Toàn cảnh phiên thảo luận chuyên đề: Ứng dụng công nghệ số - Lực đẩy cho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo

Phát biểu tại phiên thảo luận, ông Nguyễn Khắc Lịch cho biết, hội thảo lần này sẽ tập trung vào việc chia sẻ các giải pháp, sáng kiến trong việc ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động cụ thể của ngành sản xuất chế biến, chế tạo tại Việt Nam. Ông bày tỏ tin tưởng, với sự góp mặt của các sản phẩm, giải pháp công nghệ số, qua tham luận của các chuyên gia hàng đầu, các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam sẽ tìm ra những hướng đi mới cho việc ứng dụng công nghệ số, thúc đẩy hơn nữa sự hợp tác giữa các doanh nghiệp công nghệ số, các đơn vị quản lý và các chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ số, tạo lan tỏa trong các ngành, lĩnh vực kinh tế khác; nâng cao hiệu quả sản xuất, năng suất lao động và tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn cho ngành chế biến, chế tạo của Việt Nam.



Sản xuất tại Công ty Jakob Sài Gòn (Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore IIA)

Tại phiên thảo luận, các diễn giả đã nhấn mạnh đến quá trình chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, trở thành xu thế tất yếu đối với sự phát triển của nhân loại. Trong đó, phát triển kinh tế số, nhất là ứng dụng công nghệ số cho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần tăng năng suất và chất lượng sản phẩm; đồng thời tiết giảm các chi phí nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. 

Theo số liệu, doanh thu công nghiệp, công nghệ số ở Việt Nam năm 2024 ước đạt 152 tỷ USD, tăng gần 36% so với năm 2019. Việt Nam có 54.000 doanh nghiệp số, tăng hơn 28% so với năm 2019 và đang giải quyết việc làm cho 1,5 triệu lao động, tăng hơn 50% so với năm 2019.


Các đại biểu tham dự Diễn đàn Quốc gia Phát triển kinh tế số và xã hội số lần thứ 2 tham quan mô hình dây chuyền sản xuất Công ty Jakob Sài Gòn

Tại hội thảo, đại diện các doanh nghiệp, nhà khoa học và cơ quan quản lý nhà nước đã thảo luận về nhiều nội dung quan trọng như: chuyển đổi số trong sản xuất, triển vọng, thách thức và mô hình thực tế, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất doanh nghiệp bằng việc ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động tự động hóa nhà máy; ứng dụng công nghệ số vào hoạt động Logistics công nghiệp da giày; việc phát triển lưới điện thông minh và chuyển đổi số để nâng cao chất lượng dịch vụ phân phối điện; ứng dụng của camera AI trong nâng cao an toàn, hiệu suất cho nhà máy công nghiệp.

Bên cạnh đó, hội thảo cũng đã trao đổi về đẩy mạnh số hoá và tự động hoá, phát triển sản phẩm và quy trình sản xuất thông minh, đào tạo và nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động, tạo nền tảng phát triển bền vững và xây dựng hệ sinh thái, khuyến khích phát triển thông qua chuyển đổi số.

* Cũng trong chiều nay, các đại biểu tham gia hội thảo cũng đã cùng tìm hiểu về 2 chuyên đề: Thúc đẩy ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực nông nghiệp theo chuỗi giá trị; Sáng tạo số, AI và dịch vụ. 

Ông Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số, Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu tại Hội thảo chuyên đề “Sáng tạo số, AI và dịch vụ”

Nội dung chuyên đề “Thúc đẩy ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực nông nghiệp theo chuỗi giá trị” cho thấy, với sự hỗ trợ của công nghệ số, các hộ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp nông sản có thể tăng năng suất lao động, tối ưu hóa quy trình sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm. Từ khâu canh tác, thu hoạch, chế biến, cho đến phân phối, ứng dụng công nghệ vào chuỗi giá trị nông nghiệp không chỉ giúp nâng cao hiệu quả mà còn đưa nông sản Việt Nam vươn xa trên thị trường quốc tế.

Ông Nguyễn Tuấn Huy, Trưởng ban Chuyển đổi số và Công nghệ thông tin Tổng Công ty Viễn thông Mobifone trình bày tham luận về “Nâng cao trải nghiệm khách hàng du lịch trên Nền tảng số tích hợp AI”

Các chuyên gia, đại diện các cơ quan quản lý, các địa phương, các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu với những giải pháp chuyển đổi số ngành nông nghiệp đã chia sẻ về định hướng, các giải pháp và bài học kinh nghiệm trong quá trình ứng dụng công nghệ số, dữ liệu hay trí tuệ nhân tạo trong từng giai đoạn của chuỗi giá trị nông nghiệp. 

Bà Vũ Thị Hạnh, Giám đốc tư vấn chuyển đổi số, Công ty Viettel AI trình bày tham luận “Trợ lý AI tối ưu hóa dịch vụ khách hàng cho doanh nghiệp”.

Về chuyên đề “Sáng tạo số, AI và dịch vụ”, các đại biểu cho rằng, trong kỷ nguyên số, sáng tạo số không chỉ là một yếu tố tạo khác biệt mà còn là chìa khóa để các doanh nghiệp tiếp cận, tương tác và phục vụ khách hàng hiệu quả hơn. Trong thời gian qua, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) được ghi nhận có những tiến bộ đáng kể. 

Ông Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu tại Hội thảo chuyên đề “Thúc đẩy ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực nông nghiệp theo chuỗi giá trị”

Tại chương trình hội thảo, các chuyên gia, những nhà phát triển, các doanh nghiệp công nghệ số đã cùng nhau thảo luận về những cơ hội và thách thức mà sáng tạo số và AI mang lại cho lĩnh vực dịch vụ, về những ứng dụng thực tiễn và tiềm năng phát triển trong tương lai. 

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ, Chủ tịch RYNAN Technologies (Việt Nam) phát biểu tham luận về “Chuyển đổi kép trong nông nghiệp”

Đây là chuyên đề nhằm đáp ứng yêu cầu bắt kịp xu thế, mà còn mở ra các hướng đi mới, khai thác tối đa tiềm năng và cơ hội mà trí tuệ nhân tạo (AI) cùng sáng tạo số mang lại. Đây cũng là cơ hội để cá nhân, tổ chức cùng lắng nghe, trao đổi và học hỏi từ các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp về những bài học kinh nghiệm quý báu, cũng như những cơ hội và thách thức đang đặt ra cho ngành dịch vụ.

MINH HIẾU- PHƯƠNG LÊ