Ứng dụng công nghệ số, đáp ứng yêu cầu phát triển

Thứ sáu, ngày 08/12/2023

(BDO) Xây dựng thành phố thông minh, Bình Dương đã triển khai các chủ trương, chính sách tập trung phát triển kinh tế, hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Song song đó, tỉnh không ngừng triển khai các chương trình, hoạt động nhằm đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

 

Bình Dương không ngừng triển khai các chương trình, hoạt động nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Trong ảnh: Phiên đối thoại “Kỳ vọng lớn của châu Á về AI: Công cụ thường ngày” tại Horasis 2023

 Nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo

Năm 2020, UBND tỉnh đã phê duyệt đề án “Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn tỉnh Bình Dương đến năm 2025” Bình Dương phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo theo hướng lấy doanh nghiệp (DN) làm trung tâm, các cơ sở giáo dục đại học và viện nghiên cứu là chủ thể nghiên cứu mạnh.

Hiện trên địa bàn tỉnh phát triển các tổ chức ươm tạo DN, ươm tạo công nghệ như: trường Đại học Quốc tế Miền Đông và Phân hiệu trường Đại học Thủy lợi tại Bình Dương; các câu lạc bộ trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp tại trường Đại học Thủ Dầu Một, Kinh tế - kỹ thuật Bình Dương... Hình thành các phòng thí nghiệm thực nghiệm như Fablab lĩnh vực cơ khí chế tạo tại trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Singapore, Fablab lĩnh vực công nghệ sinh học tại trường Đại học Thủ Dầu Một, Fablab đa ngành tại Trung tâm Sáng kiến cộng đồng và Hỗ trợ khởi nghiệp; phòng thí nghiệm chế tạo Becamex… Trong đó, hai Fablab đã tham gia vào mạng lưới Fablab của thế giới gồm Fablab tại Trung tâm Sáng kiến cộng đồng và Hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh, Fablab trường Đại học Quốc tế Miền Đông.

Các dự án thực hiện kết nối giúp các DN địa phương phát triển giao thương quốc tế, thiết lập cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại theo hướng đô thị thông minh, đồng thời thúc đẩy văn hóa khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Nhiều hoạt động hỗ trợ DN đổi mới sáng tạo, chuyển đổi công nghệ 4.0 đã được các địa phương, đơn vị tổ chức, như: Tổ chức cà phê kết nối sáng tạo, gặp gỡ, hỗ trợ giải đáp các thông tin cho DN, hội thảo định hướng chuyển đổi (CĐS) số cho DN nhỏ và vừa, hội thảo ứng dụng công nghệ 4.0 và hoạt động CĐS…

Ông Nguyễn Lộc Hà, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, trong thời gian tới, Bình Dương sẽ xây dựng triển khai chính sách khuyến khích các cơ quan, tổ chức, DN, cộng đồng trên địa bàn tiên phong đưa ra các bài toán, vấn đề, thách thức cần giải quyết bằng ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số, để các DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển các giải pháp công nghệ, sản phẩm công nghệ số.

Phát triển nguồn nhân lực

Trong những năm qua, Bình Dương đã quan tâm đầu tư đào tạo phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin, ban hành các chính sách chế độ ưu đãi cho công chức, viên chức làm công nghệ thông tin, thu hút nhân tài, hình thành nên đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có chất lượng, đáp ứng nhu cầu xây dựng và vận hành chính quyền điện tử trong tương lai. Tuy nhiên, nguồn nhân lực về công nghệ thông tin để thực hiện CĐS trong bối cảnh DN trên địa bàn tỉnh còn thiếu hụt, hạn chế về chuyên môn, chưa đủ đáp ứng nhu cầu của DN.

Để đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Bình Dương tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động đào tạo nhằm phát triển nguồn nhân lực. Tỉnh đã thực hiện phổ cập kỹ năng số, kỹ năng bảo đảm an toàn thông tin an ninh mạng cho người dân. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức xây dựng văn hóa số trong cộng đồng; đào tạo và phát triển nhân lực an toàn thông tin, an ninh mạng, CĐS, thương mại điện tử cho DN…

Song song đó, tỉnh đổi mới hoạt động giáo dục - đào tạo theo hướng phát triển năng lực tiếp cận, tư duy sáng tạo và khả năng thích ứng với môi trường công nghệ liên tục thay đổi; đổi mới cách dạy và học trên cơ sở áp dụng công nghệ số, phát triển đào tạo nghề và đào tạo kỹ năng, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Bình Dương luôn quan tâm hỗ trợ cho lao động khi tham gia đào tạo lại, đào tạo nâng cao chuyên môn và kỹ năng để chuyển đổi công việc, xây dựng và triển khai các chương trình cải thiện kỹ năng số, kỹ năng sáng tạo của lực lượng lao động trong tất cả các lĩnh vực với hình thức phù hợp.

Bình Dương đã tổ chức các buổi tọa đàm về vai trò của đổi mới sáng tạo và giáo dục STEM trong xu thế cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, hội thảo khoa học về giáo dục STEM và hoạt động trải nghiệm sáng tạo, ngày hội STEM thu hút đông đảo giáo viên, học sinh và phụ huynh. Nhiều chương trình phát triển như “trường tiểu học tiên tiến hiện đại” giai đoạn 2017-2020; thử nghiệm giáo dục STEM khoa học - công nghệ - kỹ thuật - toán; chương trình logistics tỉnh Bình Dương; phương pháp giảng dạy CDIO vào chương trình và tiến hành dự án đại học thông minh…

 Ông Nguyễn Lộc Hà, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Nhằm phát triển nguồn nhân lực, tỉnh sẽ nâng cao nhận thức, bồi dưỡng đào tạo về CĐS, kỹ năng số cho cán bộ công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan Nhà nước; phổ cập kỹ năng số kỹ năng bảo đảm an toàn thông tin an ninh mạng cơ bản của người dân thông qua công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng. Bên cạnh đó, các trường học, các trường dạy nghề điều chỉnh bổ sung trong chương trình đào tạo về kiến thức kỹ năng số, công nghệ số, an toàn thông tin, triển khai đào tạo theo hướng ứng dụng các khóa học đại trà, trực tuyến mở…

 PHƯƠNG LÊ