Ứng dụng công nghệ sinh học để phát triển bền vững
Từ năm 2006 đến nay, Bình Dương đã xây dựng nhiều đề án ứng dụng và phát triển công nghệ sinh học (CNSH) trên các lĩnh vực công nghiệp chế biến (CNCB), nông nghiệp (NN) và bảo vệ môi trường (BVMT), đồng thời ban hành các văn bản thúc đẩy, ứng dụng và phát triển CNSH trên địa bàn toàn tỉnh. Nhờ đó, bước đầu đã có một số đề án CNSH được ứng dụng vào sản xuất và đời sống, đem lại hiệu quả cao.
Nhiều đề tài được triển khai, ứng dụng
Toàn tỉnh hiện có gần 40 DN chế biến thức ăn chăn nuôi với sản lượng gần 920.000 tấn/năm, cung cấp cho ngành chăn nuôi trong nước và phục vụ xuất khẩu. Thời gian qua, các công ty này đã triển khai và đưa vào ứng dụng nhiều đề án CNSH đem lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện tại, các công ty này đang tiếp tục khảo sát, thực nghiệm các chế phẩm sinh học probiotic, axit hữu cơ, thảo dược... để phối trộn vào thức ăn cho đàn gia súc, gia cầm. Ngoài ra, toàn tỉnh còn có 6 DN sản xuất, gia công sang chai đóng gói thuốc bảo vệ thực vật với sản lượng sản xuất các sản phẩm đạt khoảng 2.680 tấn/năm, sang chai đóng gói 15.668 tấn/năm. Nhờ ứng dụng các đề tài CNSH mà các công ty thuốc thú y, thú y thủy sản như Công ty DSM, Công ty SAFA - MEDIC, Công ty Minh Dũng, Công ty VIPHAVET... chiếm được thị phần lớn và có uy tín đối với ngành chăn nuôi.
CNSH không phải là những gì xa vời mà hiện diện thường trực trong đời sống hàng ngày. Trong ảnh: Mô hình trồng nấm chính là ứng dụng CNSH vào sản xuất
Đối với lĩnh vực BVMT, Bình Dương đã thực hiện 2 đề tài, gồm: “Nghiên cứu đề xuất giải pháp quản lý hoạt động thu gom vận chuyển và xử lý bùn hầm cầu tại tỉnh Bình Dương” và “Đánh giá hiện trạng hoạt động của các nhà máy xử lý nước thải khu và cụm công nghiệp tại tỉnh Bình Dương; đề xuất các giải pháp tổng hợp và khả thi nhằm đạt quy chuẩn xả thải”. Bên cạnh các đề tài nghiên cứu nói trên, nhiều dự án xử lý chất thải cũng được chuyển giao triển khai thực hiện, như: Dự án xây dựng hầm ủ biogas cải tiến lấy nhiên liệu chạy máy phát điện cho Công ty Gia Nam; dự án xây dựng mô hình trình diễn ứng dụng công nghệ kết hợp xử lý chất thải ngành chăn nuôi và giết mổ cho trại heo Kim Trư, lò mổ heo Thượng Thanh Vân, cơ sở giết mổ Út Hảo... Nhìn chung, việc nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các đề tài CNSH trong xử lý chất thải đã góp phần BVMT trên địa bàn tỉnh.
Để khuyến khích DN ứng dụng các đề tài CNSH vào sản xuất, Bình Dương sẵn sàng hỗ trợ kinh phí cho DN. Cụ thể, đối với mô hình xử lý ô nhiễm môi trường (ONMT) bằng hầm ủ Biogas (dùng bạt HDPE, thể tích hầm chứa là 4.800m³) do Trung tâm ứng dụng tiến bộ KHCN thực hiện, Nhà nước đã hỗ trợ cho DN 30% kinh phí (hơn 192 triệu đồng) khi chọn ứng dụng đề tài này. Với công trình này, DN dùng gas thu được từ hầm ủ để chạy máy phát điện cho trại chăn nuôi quy mô 1.000 con heo, công suất 90 KVA/giờ. Kết quả, lượng điện sản sinh trung bình hàng ngày đạt 2.200 kW, giảm chi phí sản xuất (do tiết kiệm 100% chi phí điện năng phục vụ trang trại), giảm mùi hôi chuồng trại và giảm đến 60% vi sinh vật gây bệnh cho gia súc.
Đối với các chế phẩm phục vụ NN không gây ô nhiễm môi trường, Bình Dương cũng hỗ trợ kinh phí cho DN hoàn thiện công nghệ sản xuất. Cụ thể, Bình Dương đã hỗ trợ cho Chi nhánh Công ty Cổ phần Phân bón Việt Mỹ số tiền lên đến 575 triệu đồng để thực hiện hoàn thiện công nghệ sản xuất thuốc phòng trị bệnh cây trồng mifum 0,6DD từ bạc Nano Chitosan tan. Kết quả dự án đã hoàn thành đưa vào sản xuất dây chuyền thuốc phòng trị bệnh mifum 0,6DD ổn định, công suất trung bình đạt 8.000 lít/tháng. Dự án ứng dụng công nghệ nano tạo ra sản phẩm có hiệu lực nông học cao và không gây ONMT.
Chú trọng ứng dụng CNSH để bảo vệ môi trường
Tuy đã đạt một số kết quả nhất định trong ứng dụng, phát triển CNSH, nhưng nhìn chung Bình Dương chỉ mới tập trung vào việc ứng dụng và sử dụng các sản phẩm của CNSH là chủ yếu, mà chưa tập trung cho việc chuyển giao và phát triển CNSH. Nguyên nhân là do chưa có điều kiện tiếp cận, tiếp thu, chuyển giao và ứng dụng các tiến bộ KHKT trong lĩnh vực CNSH; lực lượng cán bộ chuyên ngành và lực lượng công nhân kỹ thuật có tay nghề hỗ trợ chuyển giao KHCN cho nông dân, DN còn thiếu và yếu; việc hỗ trợ đầu tư ứng dụng tiến bộ KHKT trong ứng dụng CNSH chưa nhiều, chưa thúc đẩy được việc chuyển giao, ứng dụng CNSH vào các lĩnh vực sản xuất. Riêng trong lĩnh vực môi trường, việc ứng dụng xử lý chất thải mới được thực hiện trên bề rộng, chưa thực sự đi vào chiều sâu, nên chưa phát huy hiệu quả CNSH; số lượng đề tài, dự án còn ít, triển khai chậm; chưa xây dựng và ban hành được chính sách để hỗ trợ các DN trong việc ứng dụng CNSH trong BVMT.
Đề cập vấn đề ứng dụng và phát triển CNSH trong giai đoạn tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Văn Nhị, cho biết phương hướng của Bình Dương là tiếp tục thực hiện các đề tài nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao CNSH trong xử lý chất thải. Trong đó, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực xử lý nước thải và chất thải rắn. UBND tỉnh sẽ xây dựng và ban hành chính sách hỗ trợ DN nghiên cứu và ứng dụng CNSH để tạo ra các công nghệ, sản phẩm thân thiện với môi trường; khuyến khích DN ứng dụng CNSH vào quá trình sản xuất, kinh doanh. Song song đó là phát triển nguồn nhân lực có chuyên môn sâu, rộng về CNSH trong BVMT; xúc tiến vấn đề hợp tác với các viện nghiên cứu, các trường đại học, các tổ chức trong và ngoài nước nhằm đẩy mạnh việc đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao và ứng dụng các tiến bộ KHKT thuộc lĩnh vực CNSH trong BVMT.
BẢO ANH
CNSH là một lĩnh vực công nghệ cao dựa trên nền tảng khoa học về sự sống, kết hợp với quy trình và thiết bị kỹ thuật nhằm tạo ra các công nghệ khai thác các hoạt động sống của vi sinh vật, tế bào thực vật và động vật để sản xuất ở quy mô công nghiệp các sản phẩm sinh học có chất lượng cao, phục vụ cho lợi ích, nhu cầu của con người; đồng thời phát triển kinh tế - xã hội và BVMT. Ứng dụng CNSH vào sản xuất và đời sống là để bảo đảm cho sự phát triển bền vững.