Ứng dụng công nghệ, nâng cao giá trị nông nghiệp

Thứ sáu, ngày 30/08/2024

(BDO) Với mục tiêu nâng cao chuỗi giá trị cây trồng, vật nuôi và phát triển nông nghiệp đô thị, tỉnh Bình Dương đã và đang triển khai nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao (CNC) trong sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao năng suất, tiết kiệm chi phí, góp phần bảo vệ môi trường.

 Hợp tác xã Nấm Ngon Việt (huyện Dầu Tiếng) áp dụng công nghệ

 Làm chủ công nghệ sản xuất

Sau thời gian tìm hiểu thực tế, nhu cầu thị trường, anh Nguyễn Văn Minh Ý, Giám đốc Hợp tác xã Nấm Ngon Việt (ấp Bàu Dầu, xã Định An, huyện Dầu Tiếng), quyết định đầu tư nuôi trồng và sản xuất nấm theo hướng hữu cơ nhằm bảo đảm chất lượng, mang lại nguồn thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng.

“Vốn con nhà nông, lại có niềm đam mê làm nông nghiệp, nên tôi quyết định gắn bó với nghề này. Ngay từ đầu, tôi đã nghĩ nếu làm nông nghiệp theo cách cũ bị lệ thuộc vào thời tiết thì sẽ rất bấp bênh. Nhận thấy bản thân có kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ (anh Ý là cử nhân ngành công nghệ thực phẩm - P.V), nên tôi mạnh dạn áp dụng khoa học - công nghệ vào quy trình sản xuất nông nghiệp. Từ đó mình chủ động quản lý được tất cả các khâu, từ chọn giống cho đến thành phẩm”, anh Ý cho hay.

Hiện tại, trang trại trồng nấm của anh Nguyễn Văn Minh Ý đều được tự động hóa, ứng dụng công nghệ trong sản xuất. Theo anh, việc số hóa và lưu dữ liệu trồng, chăm sóc nấm giúp anh xây dựng công cụ truy xuất nguồn gốc, hướng tới xuất khẩu nấm mối đen. Khi ứng dụng IoT, tình trạng nhiễm khuẩn nấm giảm, nấm phát triển ổn định, tăng năng suất. Công nghệ này giúp anh quản lý trại nấm mọi lúc mọi nơi, tiết kiệm nhân công lao động, sản lượng nấm ổn định, không phụ thuộc vào thời tiết. Về kỹ thuật trồng, công đoạn khử trùng phôi là quan trọng nhất trong quy trình nuôi trồng nấm. Việc khử trùng sử dụng lò hấp với nhiệt độ 100-121 độ C giúp loại bỏ toàn bộ vi khuẩn còn sống trong bịch phôi, tạo điều kiện cho nấm phát triển ổn định.

Anh Ý cho biết thêm, người dùng có thể giám sát các thông số nói trên qua ứng dụng được cài đặt trên thiết bị di động, máy tính, nhận cảnh báo tức thì các thông số bất thường. Ngoài ra, hệ thống còn tích hợp với công nghệ điều khiển tự động điều hòa môi trường, giúp anh quản lý nhà nấm hiệu quả và khoa học...

Hợp tác xã Nấm Ngon Việt chuyên nuôi trồng, cung cấp nấm đông trùng hạ thảo, nấm môi đen, nấm rơm và nhiều loại nấm quý khác… sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP - VSATTP - ISO 22000:2018. Doanh thu trung bình của hợp tác xã đạt gần 10 tỷ đồng/năm.

 Mô hình áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên cây rau ăn lá của hộ kinh doanh Rau Nhà Mình ở phường Hòa Lợi, TP.Bến Cát

Có thể thấy, việc mạnh dạn ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất nông nghiệp ở các địa phương trong toàn tỉnh đã mang lại hiệu quả thiết thực, đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh tế nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Mạnh dạn ứng dụng công nghệ cao

Hiện nay, nông nghiệp chỉ chiếm chưa đến 3% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, song Bình Dương vẫn quan tâm đến lĩnh vực này, trong đó chú trọng phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC.

 Trong thời gian tới, tỉnh Bình Dương tiếp tục đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC, từng bước xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ. Trọng tâm của định hướng này là nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, hội nhập quốc tế, hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững.

Thời gian qua, tỉnh đã có những chính sách ưu đãi nhằm thu hút, khuyến khích thành lập các doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng CNC và hình thành các vùng nông nghiệp ứng dụng CNC. Hiện tỉnh đã hình thành một số khu nông nghiệp ứng dụng CNC, như: Khu nông nghiệp ứng dụng CNC An Thái (huyện Phú Giáo), Khu nông nghiệp CNC Tiến Hùng (huyện Bắc Tân Uyên), Khu nông nghiệp CNC tại xã Tân Hiệp, xã Phước Sang (huyện Phú Giáo)... Bình Dương có tổng số trang trại nông nghiệp đứng thứ 2 Đông Nam bộ và thứ 5 cả nước. Tổng diện tích ứng dụng CNC trong trồng trọt toàn tỉnh đạt khoảng 5.763 ha; diện tích nông nghiệp đô thị khoảng 172 ha, với nhiều loại cây trồng có giá trị như rau, nấm, các loại cây ăn trái, hoa lan, cây cảnh...

Từ những kết quả nói trên có thể khẳng định, việc phát triển nông nghiệp CNC, nông nghiệp sạch, nông sản hữu cơ theo tiêu chuẩn Organic, VietGAP, GlobalGAP đang là hướng đi tất yếu trong sản xuất nông nghiệp, làm thay đổi diện mạo và nâng tầm phát triển nông nghiệp tỉnh nhà.

 THOẠI PHƯƠNG - HẢI DƯƠNG