Ứng dụng công nghệ 4.0: Chìa khóa giúp doanh nghiệp phục hồi, tăng đà phát triển
(BDO) Sở Khoa học và Công nghệ vừa phối hợp với Trung tâm Thương mại Thế giới thành phố mới Bình Dương tổ chức hội nghị trực tuyến về “Chuyển đổi số công nghệ sản xuất châu Á - Thái Bình Dương - ITAP 2021”. Kinh tế thế giới luôn thay đổi kéo theo nhiều thách thức mới đối với chủ doanh nghiệp (DN) và các nhà sản xuất. Các giải pháp ứng dụng công nghệ 4.0 là chìa khóa giúp DN từng bước phục hồi, duy trì hoạt động và tăng đà phát triển trong thời gian ngắn.
Chủ đề công nghiệp 4.0 được quan tâm thảo luận tại hội nghị. Trong ảnh: Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Bình Dương
Con người và công nghệ
Hội nghị trực tuyến ITAP 2021” phiên thảo luận mang chủ đề “Phát triển năng lực DN với nền tảng công nghệ 4.0” đi theo hai định hướng chính là con người và công nghệ. Về con người, sự kiện hướng tới việc trang bị cho lãnh đạo, nhà sản xuất các kỹ năng và kiến thức cần thiết để ứng dụng những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Về công nghệ, sự kiện giới thiệu những công nghệ hiện đại nhất trên thị trường hiện nay, bao gồm các giải pháp về công nghệ 5G, AI, AR/VR, Cybersecurity, Blockchain, Machine Learning để phục vụ cho tương lai trong ngành sản xuất.
Tham dự ITAP 2021, chủ DN và các nhà sản xuất nhanh chóng có được những thông tin cơ bản, chi tiết để xây dựng chiến lược thực hiện chuyển đổi số. Thông qua những đề xuất tại hội nghị, DN sẽ có điều kiện so sánh, tìm ra những giải pháp công nghệ phù hợp nhất với mô hình kinh doanh, sản phẩm và dịch vụ của mình. Với sự tụ hội của hàng loạt những sáng kiến và giải pháp công nghệ, ITAP 2021 là nơi nắm bắt nhanh chóng nhịp đập của thị trường, giúp DN có cái nhìn toàn cảnh về tình hình kinh doanh, tiềm năng phát triển ở quy mô khu vực.
DN các ngành nghề tập trung thảo luận tại ITAP 2021, bao gồm: Thực phẩm, MedTech - dược phẩm, ô tô, điện - điện tử và các lĩnh vực liên quan. Tại hội nghị, khách mời và diễn giả đã chia sẻ về những sáng kiến, đột phá của ngành công nghiệp 4.0 tại Việt Nam, nhu cầu kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất và bối cảnh kinh doanh tại Việt Nam, cơ hội hợp tác giữa các DN trong và ngoài khu vực.
Phát biểu tại hội nghị, TS. Nguyễn Việt Long, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, nhấn mạnh: “Hội nghị đã thảo luận, cập nhật, làm sáng tỏ thêm về tiềm năng và chiến lược phát triển công nghệ trong thời đại 4.0 hậu đại dịch Covid-19. Từ đó cũng mở ra nhiều cơ hội kết nối, hợp tác cho các DN Việt Nam và quốc tế. Trong giai đoạn mới, Bình Dương mong muốn trở thành vùng đổi mới sáng tạo, do vậy việc ứng dụng công nghệ xanh vào sản xuất là một trong những vấn đề chính yếu mà tỉnh rất quan tâm. Trong thời gian tới tỉnh sẽ quyết liệt đột phá, chuyển đổi trong nhiều lĩnh vực, đi đầu là công nghiệp. Hội nghị là một điểm nhấn cho kế hoạch phát triển Bình Dương giai đoạn mới”.
Đẩy mạnh ứng dụng vào sản xuất
Bình Dương trong nhiều năm qua đã và đang phát triển vượt bậc về mọi mặt, được xem là một trung tâm công nghiệp hàng đầu Việt Nam. Từ năm 2016, bắt nhịp cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Bình Dương đã kết hợp cùng TP.Eindhoven (Hà Lan) triển khai đề án thành phố thông minh, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao giá trị gia tăng của nền kinh tế, hướng tới kinh tế số, kinh tế tri thức.
Thời gian qua, mặc dù gặp phải một số khó khăn bởi đại dịch Covid-19, Bình Dương vẫn tiếp tục đột phá phát triển. Trong đó chú trọng hội nhập quốc tế, đẩy mạnh số hóa, cải cách hành chính để tạo điều kiện tốt nhất cho sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ tối đa các DN trong việc cải tiến quy trình quản lý, ứng dụng công nghệ 4.0, chuyển đổi số, nâng cao năng suất chất lượng, tham gia mạnh mẽ hơn nữa vào chuỗi giá trị toàn cầu. Những chính sách đột phá của Bình Dương đã mang lại những kết quả vượt bậc, đưa tỉnh vươn lên thu hút đầu tư đứng thứ 2 Việt Nam, thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước. Bình Dương được Diễn đàn Cộng đồng thông minh thế giới (ICF) bình chọn là 1 trong top 7 khu vực có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu.
Bà Huỳnh Đinh Thái Linh, Giám đốc Trung tâm Thương mại Thế giới thành phố mới Bình Dương (WTC BDNC), cho biết: “WTC BDNC rất vinh dự khi được lựa chọn làm địa điểm ITAP 2021 tại điểm cầu Việt Nam. Trong bối cảnh Việt Nam nói chung, tỉnh Bình Dương nói riêng, đang hướng về công tác số hóa, chuyển đổi số như một xu hướng tất yếu, sống còn của mọi DN trong thời đại công nghiệp 4.0”.
Cũng theo bà Huỳnh Đinh Thái Linh, Tổng Công ty Becamex IDC đã triển khai rất sớm và ngày càng hoàn thiện từ các quy trình hành chính đến quy trình xây dựng, các lĩnh vực chuyên môn. Công nghệ 4.0 đã được áp dụng trong phát triển công nghiệp, đô thị, chú trọng phát triển dịch vụ để thúc đẩy phát triển kinh tế cân bằng. Cùng với đó 100% hoạt động tại Tổng Công ty Becamex IDC và một số công ty thành viên đã được số hóa. Ngoài ra, các dự án, kế hoạch theo định hướng phát triển công nghiệp 4.0, cũng như phát triển đề án Thành phố thông minh tại Bình Dương đã đi vào hoạt động, cho thấy những hiệu quả tích cực. Cụ thể, các dự án chiến lược về công tác chuyển đổi số, như: Chuyển đổi số công tác quản trị và vận hành doanh nghiệp; VNTT - Trung tâm dữ liệu, an ninh mạng và dịch vụ công nghệ thông tin; WTC BDNC - Kết nối đối tác, phát triển dịch vụ và lan tỏa chuyển đổi số; BIM - Chuyển đổi số trong xây dựng…
Tại hội nghị đã diễn ra phiên thảo luận nhóm với chủ đề “Công nghiệp 4.0 đang thúc đẩy và tạo ra giá trị mới cho các ngành sản xuất tại Việt Nam cũng như khu vực Đông Nam Á như thế nào?”. Các diễn giả đã tập trung thảo luận các vấn đề, như: Phát triển IOT trên nền tảng Việt Nam; Làm thế nào để đáp ứng được nhu cầu của thị trường? Hỗ trợ các công ty lấy dữ liệu ra như thế nào?...
Theo TS. Phạm Tuấn Anh, CIO & Giám đốc Văn phòng TPTM Becamex IDC kiêm Giám đốc Trung tâm Sản xuất Thông Minh trực thuộc Tổng Công ty Becamex IDC, công nghiệp 4.0 là cơ hội lớn cho các nước đang phát triển. Việt Nam có một thế hệ trẻ trong ngành công nghệ. Chúng ta cần thay đổi tư duy từ thuê ngoài sang phát triển các giải pháp của riêng mình. Thời điểm này là thích hợp để bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Với sự tụ hội của hàng loạt những sáng kiến và giải pháp công nghệ, ITAP 2021 đã giúp DN có cái nhìn toàn cảnh về tình hình kinh doanh và tiềm năng phát triển ở quy mô khu vực.
Ông Lê Duy Nhất Luận, Giám đốc công nghệ Công ty Takako Việt Nam, KCN VSIP 1: Qua đại dịch Covid-19, chúng tôi thấy được vai trò quan trọng của IoT, của công nghệ, của tự động hóa trong tất cả các bước và hệ thống. Phát triển công nghệ đã giải quyết các vấn đề rất lớn trong mùa dịch bệnh, mở ra nhiều góc nhìn khác nhau. Tuy nhiên, làm thế nào để ứng dụng công nghệ trong sản xuất có tính hiệu quả, giải quyết bài toán chi phí, bảo đảm mang tính thực tế là những vấn đề công ty đã đặt ra. Để giải bài toán này, chúng tôi đã xác định phải đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đó là chìa khóa để hướng tới phát triển hệ thống IoT. Thời gian tới, công ty sẽ tập trung kết nối các Line, thúc đẩy IoT và hướng tới xây dựng một nhà máy thông minh trong các hoạt động tiếp theo”. Ông Nguyễn Vĩnh Lộc, CEO Công ty CP Daviteq: Những thách thức Việt Nam gặp phải là giải pháp nào mang lại lợi ích trong thực tế cho khách hàng. Sau khi chứng minh lợi ích, vấn đề chi phí như thế nào và những vấn đề về tính bảo mật dữ liệu cũng cần tính đến. Có rất nhiều tiêu chí để các nhà máy lựa chọn. Daviteq đưa ra những giải pháp để tối ưu hóa và giải quyết những vấn đề trên, đó là sự kết nối không dây. |
PHƯƠNG LÊ