Ứng dụng Blockchain truy xuất nguồn gốc: Đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử
(BDO) Với bản chất là chuỗi liên kết các khối và được bảo đảm an toàn, tin cậy nhờ hệ thống giao thức mã hóa và xác thực, công nghệ chuỗi khối (blockchain) được xem như là một giải pháp tương đối toàn diện cho vấn đề chống giả mạo thông tin và theo dấu giao dịch. Đây là cơ sở quan trọng trong đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử.
Các diễn giả nói về công nghệ blockchain trong truy xuất nguồn gốc tại Horasis Bình Dương 2019
Tạo sự tin tưởng
Theo thạc sĩ Bùi Thanh Khiết, giảng viên Đại học Thủ Dầu Một, các giao dịch trên nền tảng blockchain thực hiện trực tiếp thông qua các giao thức trên sổ cái bằng việc gắn thông tin giao dịch vào các khối và liên kết các khối đó bằng cơ chế xác thực tạo thành chuỗi các khối. Việc sử dụng chung một sổ cái chia sẻ bảo đảm tính minh bạch hơn so với việc giao dịch qua bên trung gian. Cơ chế hoạt động của chuỗi khối được bảo đảm an toàn và minh bạch bằng việc sử dụng cơ chế đồng thuận giữa các người dùng trên mạng chuỗi khối trên nền giao thức chung sử dụng các thuật toán mật mã. Vấn đề cơ bản trong hoạt động của chuỗi khối là quá trình xác thực và đồng thuận về thông tin các giao dịch. Thông tin sau khi xác thực sẽ được lưu vào trong các khối (block), sau đó các khối sẽ được liên kết với nhau trong một sổ cái chia sẻ giữa các nút trong hệ thống.
Trong đó, giao dịch trong chuỗi khối là một giao dịch thể hiện sự tương tác giữa các bên. Ví dụ: Với tiền điện tử, giao dịch thể hiện sự chuyển giao tiền điện tử giữa người dùng trong hệ thống mạng công nghệ Blockchain (chuỗi khối). Đối với giao dịch giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, giao dịch ghi nhận lại tất cả những hoạt động. Chuỗi khối cơ bản là một cơ sở dữ liệu phân tán của các sổ cái ghi lại tất cả giao dịch dưới dạng các khối được mã hóa, sổ cái công khai tất cả các giao dịch hoặc sự kiện đã được thực hiện và chia sẻ giữa các bên tham gia và có thể xác minh bất cứ lúc nào có thể. Mỗi giao dịch trong sổ cái được xác minh công khai bằng sự đồng thuận của đa số người tham gia hệ thống. Dữ liệu không bao giờ thay đổi và xóa được. Điều này thực hiện mà không ảnh hưởng đến quyền riêng tư của các bên liên quan. Không phụ thuộc vào các bên liên quan thứ ba. Công nghệ chuỗi khối này khiến những kẻ tấn công khó có thể thay đổi hoặc xóa dữ liệu.
Một trong những vấn đề nổi lên ở Việt Nam hiện nay là nguồn gốc của sản phẩm và quản lý đường đi của các sản phẩm từ khi được sản xuất đến người tiêu dùng cuối. Trong chuỗi cung ứng, hàng hóa đi qua một loạt các công đoạn từ sản xuất, đóng gói, vận chuyển, lưu kho... để đến người tiêu dùng. Việc xuất hiện ngày càng nhiều các sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ (hoặc nguồn gốc xuất xứ bị giả mạo) tạo ra tâm lý bất an đối với người tiêu dùng, gây khó khăn, nhầm lẫn và thiệt hại đối với những nhà cung cấp có uy tín và ảnh hưởng đến sức khỏe, niềm tin của người tiêu dùng. Một câu hỏi đặt ra về vấn đề an toàn thông tin trong chuỗi cung ứng: “Một tổ chức có thể được tin cậy để làm trung gian quản lý tất cả dữ liệu về mỗi chuỗi cung ứng không, nhất là trong xu thế mà thương mại điện tử đang là vấn đề rất thời đại?”. Rõ ràng điều này là không thể và cũng không an toàn. Việc dựa hoàn toàn vào bên thứ 3 làm cho hệ thống rất kém ổn định và minh bạch. Bên cạnh đó, các công ty, tổ chức rõ ràng không muốn để lộ toàn bộ thông tin của mình ra bên ngoài.
Thạc sĩ Bùi Thanh Khiết cho rằng nếu chúng ta sử dụng dịch vụ trung gian của nhiều hơn 1 bên thứ 3, điều này lại dẫn đến vấn đề về khó khăn trong việc phân phối nền tảng cho các bên trung gian, hệ thống sẽ khó vận hành và đạt được thỏa thuận thống nhất giữa các bên tham gia chuỗi cung ứng. Mặc dù còn tồn tại nhiều vấn đề như trên, cho đến gần đây, ý tưởng về sử dụng dịch vụ trung gian gần như là cách duy nhất để bảo đảm tính minh bạch dữ liệu dọc theo chuỗi cung ứng. Dễ dàng thấy rằng, sự minh bạch không thể nào xây dựng được khi sử dụng hệ thống tập trung mà phải là một hệ thống lưu trữ tin cậy, không thể giả mạo và phi tập trung. Chúng ta thấy rằng các hệ thống tập trung rất khó để tạo ra môi trường minh bạch cho các giao dịch. Mặc dù đã có nhiều nỗ lực khác nhau trong việc liên kết và công khai các thông tin về sản phẩm vẫn chưa đầy đủ và khó kiểm chứng. Để giải quyết các vấn đề đó, các tổ chức trung lập, phi lợi nhuận đã xây dựng các hệ thống lưu trữ dữ liệu tập trung với những thông tin tin cậy.
Minh bạch hóa
để phát triển
Cho đến thời điểm hiện nay, chúng ta có rất ít thông tin về những sản phẩm và dịch vụ mà chúng ta sử dụng hàng ngày. Hàng hóa trước khi đến tay người tiêu dùng phải trải qua một loạt công đoạn từ xuất hàng, vận chuyển, lưu kho, bán lẻ... từ nhiều nhà cung cấp dịch vụ khác nhau, thông tin về hàng hóa bị chồng chéo và che giấu khiến người sử dụng và ngay cả nhà cung cấp cũng rất khó có thể tiếp cận và xác thực được những thông tin đó. Những thông tin hạn chế này không được nhà sản xuất và người tiêu dùng chú ý. Trong những giao dịch, người bán có lợi thế về kiến thức liên quan đến các sản phẩm và dịch vụ được yêu cầu, có thể cung cấp cho các dịch vụ chất lượng thấp với giá chất lượng cao để theo đuổi lợi nhuận tối đa. Người mua có thể trả chi phí cao cho chất lượng dịch vụ thấp do không có khả năng truy cập đến nguồn thông tin. Rõ ràng, trong thời đại thông tin luôn được phổ biến và cập nhật liên tục chỉ với một cú nhấp chuột như hiện nay, các hoạt động marketing và truyền thông không chỉ là những lời nói suông của các doanh nghiệp mà phải là những tuyên bố, cam kết về chất lượng, nguồn gốc sản phẩm chính xác và rõ ràng. Để bảo đảm được lòng tin của khách hàng, các bên tham gia chuỗi cung ứng phải minh bạch hóa hoạt động của mình (nhưng vẫn phải bảo đảm được tính bí mật thông tin theo những chính sách của công ty), người dùng có thể truy xuất ngược lại những thông tin về sản phẩm một cách đơn giản và tin cậy.
Tại diễn đàn Horasis 2019, các chuyên gia nói nhiều về vấn đề quản lý chất lượng và nguồn gốc sản phẩm càng trở nên khó khăn do chuỗi cung ứng bao gồm nhiều tầng, nhiều giai đoạn. Trong thương mại điện tử, việc minh bạch hóa thông tin càng là vấn đề quan trọng cần phải giải quyết để bảo đảm lòng tin của người tiêu dùng. Sự minh bạch cho phép mọi sản phẩm, dịch vụ được đi kèm với một “hộ chiếu” kỹ thuật số chứng minh tính xác thực. Mọi thay đổi về thông tin của sản phẩm/dịch vụ đó đều được ghi lại trên một hệ thống lưu trữ tin cậy và không phụ thuộc vào bên thứ 3. Việc tìm lại những thông tin về sản phẩm (trước và sau khi thay đổi) đều phải được thực hiện một cách dễ dàng đối với tất cả mọi cá nhân (có tham gia hoặc không tham gia vào đường đi của sản phẩm, dịch vụ đó. Với bản chất là một sổ cái chia sẻ, blockchain có thể xem như một giải pháp tương đối hoàn thiện cho vấn đề minh bạch trong quản lý chuỗi cung ứng.
Theo ông Phạm Lê Cường, Giám đốc QUACERT, đối với các ngành có nhiều bên tham hoặc phần lớn những ngành sản xuất, các giao thức truy xuất nguồn gốc và tiêu chuẩn được đề ra dọc theo chuỗi cung ứng. Những đặc tính của blockchain thích hợp để xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc. Khi một sản phẩm được tạo ra, chúng ta sẽ ghi nhận vào hệ thống và gắn cho nó một token. Khi sản phẩm được chuyển từ nơi này sang nơi khác (người này sang người khác hoặc công ty này sang công ty khác), chúng ta sẽ ghi nhận thông tin đó vào sổ cái. Những thay đổi về thông tin của sản phẩm đều được ghi nhận lại và được bảo vệ bởi cơ chế đồng thuận. Người dùng có thể truy xuất ngược lại nguồn gốc của sản phẩm đến điểm đầu tiên xuất hiện.
TIỂU MY