Ứng dụng AI ở Việt Nam chỉ ở mức sơ khai

Thứ sáu, ngày 09/06/2017

(BDO)  Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với sự tiếp sức của trí tuệ nhân tạo được nói nhiều thời gian qua, nhưng mới dừng lại ở lý thuyết.

Theo ông Trần Nguyên Vũ, Giám đốc Nhóm các giải pháp phần mềm của IBM, mức độ ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) ở Việt Nam còn rất cơ bản, đa số là ở các doanh nghiệp trẻ, startup.

Một trong những nguyên nhân là các nhà cung cấp kiểu cũ cũng như người dùng truyền thống chưa hình dung rõ nét được AI sẽ giúp ích gì cho họ hay chưa xây dựng được lộ trình cụ thể trong việc triển khai công nghệ AI. Do vậy, Việt Nam sẽ cần điều chỉnh, thay đổi các quan điểm, tư duy kiểu cũ để có thể nắm bắt cơ hội trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Khái niệm trí tuệ nhân tạo đã ra đời từ thập niên 40 của thế kỷ trước, tuy nhiên, việc ứng dụng AI trong đời sống mới bắt đầu diễn ra mạnh mẽ vài năm gần đây. Chẳng hạn, Trung tâm Y tế Gil tại Hàn Quốc đã sử dụng giải pháp điện toán có nhận thức IBM Watson để hỗ trợ các bác sĩ đưa ra các lựa chọn điều trị bệnh ung thư cho bệnh nhân. Watson có thể đánh giá 15 triệu trang dữ liệu y tế và phân tích hàng nghìn ca bệnh để đưa ra phác đồ, hạn chế các sai sót trong chẩn đoán và sử dụng thuốc.

Hay trong sự kiện thời trang MET Gala 2016 ở New York (Mỹ), người mẫu đã mặc chiếc váy "có nhận thức" đầu tiên trên thế giới. Watson phân tích hình ảnh của 200 chiếc váy do Trung tâm Marchesa thiết kế, rồi đưa ra đề xuất về chất liệu và màu sắc cho váy "cognitive" với 150 bông hoa đèn LED, phát ra các ánh sáng khác nhau dựa trên cảm xúc của khán giả trong khán phòng.

ung-dung-ai-o-viet-nam-chi-o-muc-so-khai

AI sẽ hiện diện trong mọi lĩnh vực, như người dùng có thể "trò chuyện" với máy pha cafe qua smartphone để yêu cầu làm cho họ một tách cafe.

Chia sẻ tại hội thảo IBM Watson Vietnam Summit ngày 8-6, ông Eric Yeo, Tổng giám đốc IBM Việt Nam, nhận định AI sẽ hiện diện trong mọi ngành nghề, lĩnh vực từ giao thông, y tế, ngân hàng cho tới thời trang, ẩm thực, âm nhạc… Tại Việt Nam, lĩnh vực bị ảnh hưởng nhất sẽ là ngân hàng khi smartphone đang rất thịnh hành và hàng loạt công ty Fintech (công nghệ trong tài chính) ra đời.

Ông Yeo lấy ví dụ, một người bạn của ông khi đi du lịch ở Thượng Hải (Trung Quốc) đã rất bất ngờ khi tới siêu thị, người mua không trả tiền mặt hay cà thẻ mà thanh toán trên điện thoại thông qua nền tảng AliPay của Alibaba. 

Lĩnh vực bị ảnh hưởng thứ hai là ngành vận tải, có thể thấy rõ qua câu chuyện Uber tác động như thế nào đến ngành taxi truyền thống. Về lâu dài, bất cứ lĩnh vực nào khác cũng sẽ bị tác động nhưng với tốc độ và mức độ khác nhau.

Tuy nhiên, vị chuyên gia của IBM cho rằng trí tuệ nhân tạo sẽ không thay thế con người mà hỗ trợ họ làm việc hiệu quả hơn, đưa ra những quyết định đúng đắn hơn. Như trong lĩnh vực y tế, không máy móc nào thay thế bác sĩ, nhưng bác sĩ quá bận rộn để có thời gian đọc hết các tài liệu y khoa, bệnh án... AI sẽ giúp tổng hợp, phân tích, sàng lọc dữ liệu để giúp bác sĩ lựa chọn phác đồ phù hợp nhất.

Việt Nam đang đứng trước "cơn bão" của những công nghệ mang tính đột phá. Ông Trần Nguyên Vũ cho rằng các lập trình viên Việt Nam cần chuẩn bị sẵn sàng để đón làn sóng công nghệ mới. Họ nên tham gia vào nhiều cộng đồng, không chỉ trong lĩnh vực IT mà cả những ngành kinh doanh khác để hiểu nhu cầu và làm ra những sản phẩm có thể giải quyết được những bài toán của từng ngành cụ thể.

Theo VNE