UNESCO tôn vinh nhà nữ khoa học trẻ Việt Nam Hồ Thị Thanh Vân
(BDO)
Phó giáo sư-Tiến sỹ Hồ Thị Thanh Vân hướng dẫn các sinh viên về quy trình nghiên cứu pin nhiên liệu tại phòng thí nghiệm của Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh.
Ngày 22/6, tại trụ sở Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ở thủ đô Paris, Hội đồng Giám khảo UNESCO và Quỹ L’Oréal đã trao giải thưởng Nhà khoa học nữ trẻ tài năng thế giới 2022 cho Tiến sỹ Hồ Thị Thanh Vân, thuộc chuyên ngành hóa học của trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh.
Giải thưởng danh giá này nằm trong khuôn khổ chương trình Vì sự phát triển của phụ nữ trong khoa học, do Quỹ L’Oréal và UNESCO khởi xướng.
Được triển khai từ năm 2000 nhằm hỗ trợ và khuyến khích các nhà nghiên cứu khoa học nữ theo đuổi sự nghiệp, giải thưởng năm nay được trao cho 15 nhà nghiên cứu nữ triển vọng được lựa chọn trong số 250 hồ sơ tài năng trẻ từ các chương trình quốc gia và khu vực vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học.
Trị giá giải thưởng là 15.000 euro (15.840 USD), cùng các chương trình đạo tạo lãnh đạo nữ.
Với công trình nghiên cứu "Chất xúc tác có cấu trúc nano mới để sản xuất pin nhiên liệu hiệu quả, tiết kiệm chi phí và sản xuất năng lượng H2 xanh," Tiến sỹ Hồ Thị Thanh Vân đã được Hội đồng Giám khảo Giải thưởng Nhà khoa học trẻ tài năng thế giới bầu chọn là một trong 15 gương mặt nữ khoa học trẻ tài năng thế giới 2022.
Dự án nhằm tiếp cận những vấn đề về năng lượng và môi trường, thiết lập vòng tuần hoàn sạch trong đó tập trung vào năng lượng hydro và nhiên liệu sạch ứng dụng trong đời sống hằng ngày, tạo ra một dạng năng lượng xanh, sạch, bền bỉ, có khả năng tái tạo và thân thiện với môi trường.
Chia sẻ với phóng viên niềm vui và vinh dự khi được nhận giải thưởng, nữ Tiến sỹ Hồ Thị Thanh Vân cho biết để có được thành công này, chị đã nhận được rất nhiều sự ủng hộ và đồng hành của các cộng sự trong nhóm nghiên cứu, của gia đình, cơ quan và cả tổ chức UNESCO và Quỹ L’Oreal, những người đã tạo cơ hội, động viên khích lệ, để các nhà khoa học nữ như chị có thể cống hiến cho khoa học.
Đối với chị, giải thưởng này là một vinh dự lớn lao, là niềm tự hào không chỉ với cá nhân chị mà với cả đội ngũ nữ trí thức trẻ làm nghiên cứu khoa học và với đất nước Việt Nam.
Chị mong rằng sẽ có nhiều bạn nữ theo đuổi sự nghiệp khoa học mà theo chị có nhiều chông gai nhưng nếu đam mê và có một chút hy sinh bản thân mình thì các nhà khoa học nữ sẽ có thể vượt qua được những trở ngại để thành công, từ đó đóng góp nhiều cho cộng đồng, cho nền khoa học của Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung.
Đại sứ Lê Thị Hồng Vân, Trưởng đại diện phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO, cho biết giải thưởng là dịp để tôn vinh, động viên, khích lệ các nhà khoa học nữ nỗ lực hơn nữa, phát huy toàn bộ trí tuệ và sự sáng tạo, giúp họ tiếp tục theo đuổi niềm đam mê khoa học và tiến xa hơn trên con đường nghiên cứu khoa học, ứng dụng kết quả nghiên cứu vào phục vụ cuộc sống.
Bằng sự đam mê nghiên cứu khoa học, các nhà khoa học nữ đã đẩy lùi biên giới của tri thức để góp phần giải quyết một số thách thức lớn nhất của thời đại ngày nay, góp phần làm thay đổi cuộc sống, giúp cân bằng hơn sự cách biệt giới trong khoa học, đề cao vị thế, đóng góp của người phụ nữ trong xã hội, trong sự phát triển bền vững và bao trùm.
Đại sứ Lê Thị Hồng Vân nhấn mạnh: "Việc Tiến sỹ Hồ Thị Thanh Vân được trao giải lần này là niềm tự hào của Việt Nam, của các nhà khoa học nữ nước nhà, thể hiện vai trò và đóng góp của nước ta trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và khoa học ứng dụng, được quốc tế đánh giá cao và vinh danh; có ý nghĩa thiết thực trong hưởng ứng Năm Quốc tế 2022 về khoa học cơ bản vì sự phát triển bền vững mà Việt Nam là một trong những nước đi đầu khởi xướng và thúc đẩy tại UNESCO và tham gia đồng chủ trì tại Liên hợp quốc."
Cũng theo Đại sứ Lê Thị Hồng Vân, từ năm 2015 cho đến nay, đã có 3 nhà khoa học nữ Việt Nam được vinh danh là Nhà khoa học trẻ tài năng thế giới (L’Oréal-UNESCO International Rising Talent).
Trước đó, Tiến sỹ Trần Hà Liên Phương, Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (năm 2015), và Tiến sỹ Nguyễn Thị Hiệp, Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (năm 2017) cũng được vinh danh là Nhà khoa học nữ tài năng thế giới.
Từ năm 1998, Quỹ L’Oréal và UNESCO hằng năm đều tôn vinh 5 nhà khoa học nữ xuất sắc đến từ 5 châu lục trên thế giới, với những nghiên cứu tiên phong trong khoa học trên tất cả các lĩnh vực nhằm tận dụng toàn bộ trí tuệ, sự sáng tạo và đam mê của phụ nữ.
Đến năm 2000, Quỹ L’Oréal và UNESCO đã đưa thêm hạng mục Giải thưởng Nhà khoa học trẻ tài năng thế giới để hỗ trợ và khuyến khích 15 nhà khoa học nữ trẻ triển vọng mỗi năm.
Các đề tài nghiên cứu của các tiến sỹ nữ rất đa dạng, từ nghiên cứu chuyên sâu vào những khám phá mới và hướng đi mới trong hỗ trợ điều trị bệnh ung thư và chăm sóc sức khỏe cộng đồng, cho đến các nghiên cứu tổng hợp vật liệu mới, thông minh và bảo vệ môi trường, ứng dụng trong đa ngành như y học, vận tải, năng lượng...
Trong suốt 24 năm qua, Chương trình L’Oréal - UNESCO vì sự phát triển của phụ nữ trong khoa học đã vinh danh 122 nhà khoa học nữ xuất sắc và hỗ trợ hơn 3.800 nhà khoa học nữ trẻ tài năng đến từ hơn 110 quốc gia, những người đã đạt được những thành tựu nổi bật và cống hiến cho một thế giới tốt đẹp hơn.
Mặc dù số lượng phụ nữ theo đuổi sự nghiệp khoa học đang tăng nhẹ, nhưng trên thế giới chỉ có hơn 30% nhà nghiên cứu là phụ nữ.
Hiện nay, trong lĩnh vực nghiên cứu, một định kiến "bất thành văn" vẫn còn tồn tại như một thực tế.
Theo Báo cáo khoa học mới nhất của UNESCO được công bố vào tháng 6/2021, số lượng phụ nữ làm việc trong các ngành liên quan đến khoa học chỉ đạt hơn 33% trên tổng số các nhà nghiên cứu khoa học toàn thế giới.
Ở châu Âu, 86% các vị trí hàn lâm cấp cao là do nam giới nắm giữ và có chưa đến 4% giải Nobel khoa học được trao cho các nhà khoa học nữ.
Theo bà Alexandra Palt, Giám đốc điều hành của Quĩ L'Oréal, vai trò của các nhà nữ khoa học đã thể hiện rất rõ trong đại dịch COVID-19, khi thế giới phải ứng phó với các mối đe dọa sức khỏe, xã hội...
Tuy nhiên, có một thực tế là họ thường gặp phải những trở ngại đáng kể trong quá trình làm việc và nghiên cứu. Đây là hệ quả của những rào cản mang tính hệ thống, những thành kiến vô thức trong xã hội, sự tự kiểm duyệt mà còn cả sự phân biệt đối xử. Vấn đề này cần phải được nghiên cứu một cách phù hợp và bao trùm với sự tham gia của tất cả các nhà nữ khoa học tài năng.
Trong khi đó, bà Shamila Nair-Bedouelle, Trợ lý Tổng Giám đốc về Khoa học Tự nhiên tại UNESCO, nêu rõ UNESCO, với tư cách là cơ quan khoa học của Liên hợp quốc, đặt ưu tiên bình đẳng giới lên hàng đầu, quyết tâm hành động để chấm dứt những bất bình đẳng này.
Mối quan hệ đối tác L’Oréal-UNESCO vì phụ nữ trong khoa học là một điển hình về hành động tích cực trong lĩnh vực này, mang lại tiếng nói và tầm nhìn cho các nhà khoa học nữ và những thành tựu của họ để đáp ứng những thách thức của thế kỷ.
Với mục tiêu xóa bỏ định kiến xã hội về giới tính, Quỹ L'Oréal và UNESCO đã cùng cam kết thúc đẩy vị trí của phụ nữ trong khoa học, để tài năng của họ được biết đến và để truyền cảm hứng cho các thế hệ tương lai.
Lễ kỷ niệm năm nay sẽ là một cơ hội để làm nổi bật công việc trong cuộc sống của họ và nhiều trở ngại mà họ đã vượt qua./.
Theo TTXVN