UBND tỉnh tổ chức Hội nghị Ba Nhà lần thứ nhất – thành phố thông minh
(BDO) Sáng 18-7, tại Trung tâm Hành chính tỉnh, ông Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì hội nghị Ba nhà lần thứ nhất (Nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà trường ) - thành phố thông minh Bình Dương.
Tham dự hội nghị, về phía Bình Dương còn có ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng ban Điều hành Thành phố thông minh; ông Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc tổng công ty Becamex IDC, cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành. Về phía đối tác từ Brainport Eindhoven có ông Peter Portheine, Ủy viên Hội đồng vùng North-Brabant, ông Antonionio Espada,Tổng Giám đốc Công ty Philips lighting.
Tại hội nghị ông Peter đã giới thiệu tổng quan về đề án Thành phố Thông minh (TPTM) Bình Dương (BD) với mô hình Ba nhà và kế hoạch 2016-2020 của BD với 4 lĩnh vực chính gồm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; quy hoạch đô thị văn minh hiện đại; phát triển dịch vụ tri thức tác động cao vào khu công nghệ cao. Đồng thời giới thiệu về bán dẫn và đề xuất qui trình nghiên cứu khả thi về sản xuất back-end cho ngành công nghiệp bán dẫn công nghệ cao tại BD. Đại diện trường Đại học Quốc tế Miền Đông và Philips lighting đã giới thiệu Phòng thực nghiệm chiếu sáng thông minh thông minh đang thực hiện cùng Công ty Philips lighting.
Ông Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: XUÂN THI
Hội nghị cũng đã thảo luận về các phòng thí nghiệm mới, việc mở rộng ngành công nghệ cao tại Bình Dương. Đồng thời các thành viên, các đơn vị đã chia sẻ tầm nhìn, ý tưởng và góp ý để phát triển đề án TPTM Bình Dương.
Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Thanh Liêm nói: “Đề án TPTM của BD nhằm đến những giá trị mới của nền kinh tế khu vực và toàn cầu trong thế kỷ 21. Chúng tôi đặt con người và tri thức là trọng tâm, lấy kết nối hợp tác thông minh làm phương châm phát triển nhằm hướng tới một nền kinh tế có giá trị gia tăng cao hơn, sản xuất công nghệ cao, dịch vụ có hàm lượng chất xám cao, môi trường kinh doanh năng động, sáng tạo, linh hoạt có khả năng thích ứng với những biến chuyển của thế giới”.
Ông Trần Thanh Liêm nhấn mạnh, đề án tập trung vào hướng phát triển hệ thống giáo dục-nghiên cứu khoa học, tạo điều kiện tốt nhất để thúc đẩy khởi nghiệp, thu hút và kết nối thêm nhiều doanh nghiệp sản xuất kỹ thuật cao làm đòn bẩy cho các hạng mục đầu tư của tỉnh, đồng thời sáng tạo và ứng dụng khoa học kỹ thuật để hình thành thêm nhiều địa bàn cư trú và làm việc tiện nghi, văn minh hiện đại cho người dân và doanh nghiêp mới. Thời gia qua, định hướng và tinh thần của Đề án TMTM đã đi sâu vào trong các chương trình hành động, kế hoạch phát triển cụ thể của các cơ quan ban ngành. Tỉnh Bình Dương đang đồng loạt thực hiện những cải cách, đổi mới hướng tới người dân và doanh nghiệp. Việc ứng dụng mô hình Ba nhà với sự tham gia đóng góp của quí vị chính là một trong những nền tảng quan trọng nhất. Ông tin tưởng những đóng góp chia sẻ của các thành viên, phía đối tác và các đơn vị sẽ góp phần quan trọng xây dựng Đề án TPTM Bình Dương ngày càng phát triển, góp phần mang lại đời sống thịnh vượng, tốt đẹp hơn cho người dân.
PHƯƠNG LÊ