UBND tỉnh: Quy định về quản lý tài nguyên nước

Thứ năm, ngày 25/12/2014

UBND tỉnh vừa ban hành Quyết định số 44/2014/ QĐ-UBND quy định quản lý tài nguyên nước trên địa bàn. Quy định này áp dụng đối với các cơ quan Nhà nước, tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến tài nguyên nước, hành nghề khoan nước dưới đất trên địa bàn tỉnh. Quy định về trách nhiệm thực hiện điều tra, đánh giá, kiểm kê tài nguyên nước; điều tra hiện trạng khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả thải vào nguồn nước; lập, điều chỉnh, phê duyệt quy hoạch tài nguyên nước; hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước; báo cáo sử dụng tài nguyên nước; đăng ký khai thác nước dưới đất; căn cứ cấp phép; trình tự, thủ tục cấp giấy phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả thải vào nguồn nước…

Quy định nêu rõ về các trường hợp khai thác, sử dụng tài nguyên nước không phải đăng ký, không phải xin phép: khai thác, sử dụng nước sinh hoạt của hộ gia đình; khai thác nước dưới đất cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ với quy mô không vượt quá 10m3/ngày đêm; khai thác nước mặt cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản không quá 0,1m3/giây; khai thác nước mặt cho các mục đích kinh doanh, dịch vụ và sản xuất phi nông nghiệp không quá 100m3/ngày đêm; khai thác, sử dụng nước mặt để phát điện với công suất lắp máy không quá 50 kW; khai thác, sử dụng nước phục vụ các hoạt động văn hóa, tôn giáo, nghiên cứu khoa học, phòng cháy, chữa cháy, ứng phó khắc phục sự cố ô nhiễm, dịch bệnh và các trường hợp khẩn cấp khác theo quy định của pháp luật.

Các trường hợp xả nước thải vào nguồn nước không phải đăng ký, không phải xin phép: xả nước thải của các cá nhân, hộ gia đình; xả nước thải của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ với quy mô không quá 5m3/ngày đêm và không phải là cơ sở hoạt động trong lĩnh vực: dệt nhuộm, may mặc có công đoạn nhuộm, in hoa; giặt có công đoạn tẩy; luyện kim, tái chế kim loại, mạ kim loại; sản xuất linh kiện điện tử; xử lý tái chế chất thải công nghiệp; thuộc da, tái chế da; chế biến khoáng sản có sử dụng hóa chất; lọc hóa dầu, chế biến sản phẩm dầu mỏ; sản xuất giấy và bột giấy, cao su, chất tẩy rửa, phụ gia, phân bón, hóa chất, dược phẩm… Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoạt động trong các lĩnh vực này phải có giấy phép xả nước thải vào nguồn nước.

Quy định cũng nêu cụ thể về thời hạn giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt là 5 năm và được xem xét gia hạn nhiều lần, mỗi lần gia hạn là 3 năm; giấy phép thăm dò nước dưới đất 2 năm và được xem xét gia hạn 1 lần, thời hạn gia hạn không quá 1 năm; giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất 5 năm và được xem xét gia hạn nhiều lần, mỗi lần gia hạn 3 năm; giấy phép xả thải vào nguồn nước 3 năm và được xem xét gia hạn nhiều lần, mỗi lần gia hạn 2 năm. Việc gia hạn cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả thải vào nguồn nước phải căn cứ vào các quy định tại Điều 13 của Quy định này, Điều 18 và 20 của Nghị định 201/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước.

H.A