Ứng dụng AI - Những định hướng bền vững, góp phần vào sự phát triển của giáo dục đại học

Thứ tư, ngày 27/11/2024

(BDO) Trường Đại học Thủ Dầu Một vừa tổ chức hội thảo với chủ đề "AI - Cơ hội và thách thức đối với giáo dục đại học". Đây là hoạt động có ý nghĩa quan trọng trong thời đại công nghệ phát triển nhanh chóng và sâu rộng; qua đó, tìm ra những định hướng bền vững, góp phần vào sự phát triển của giáo dục đại học.

  Tiến sĩ Nguyễn Quốc Cường, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Thủ Dầu Một phát biểu khai mạc hội thảo

Tiền năng lớn lao

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0 phát triển vượt bậc, ứng dụng AI đã và đang tăng theo cấp số nhân, có mặt ở khắp mọi nơi, mang lại nhiều lợi ích cho kinh tế, xã hội và đời sống, có tác động tích cực đến giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng.

Bên cạnh tiềm năng lớn lao mà AI đem lại, việc sử dụng AI đã và đang đặt ra những thách thức liên quan đến nhiều vấn đề trong quản lý và phát triển xã hội như quyền sở hữu trí tuệ, tính minh bạch, quyền riêng tư và đạo đức, và lớn hơn là thách thức đối với an ninh quốc gia, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.

 Các đại biểu tham dự hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Cường, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Thủ Dầu Một khẳng định, việc nghiên cứu, đánh giá những cơ hội và thách thức của AI đối với kinh tế, xã hội nói chung, với giáo dục đại học nói riêng là rất cần thiết. Hội thảo được tổ chức với kỳ vọng trao đổi thông tin tư liệu, thảo luận, gợi mở định hướng nghiên cứu về AI cùng những cơ hội và thách thức trong đổi mới giáo dục đại học, đặc biệt là đổi mới trong đào tạo ngành luật của các trường đại học và thực hành ngành luật của các cơ quan có liên quan.

  Lãnh đạo Trường Đại học Thủ Dầu Một tặng hoa cho các diễn giả tham dự hội thảo

Tại hội thảo, các đại biểu đã lắng nghe 6 chuyên đề xoay quanh chủ đề về những định hướng bền vững, góp phần vào sự phát triển của giáo dục đại học do các đại biểu, các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục và công nghệ triển khai.

6 chuyên đề gồm: "Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giảng dạy và quản lý đại học số", "Kinh nghiệm, giải pháp và hướng phát triển quản trị đại học số", "Al và ứng dụng - cơ hội hợp tác và phát triển ở Đại học Thủ Dầu Một", "Tội phạm mạng. Tội phạm công nghệ cao. Chứng cứ điện tử và những vấn đề đặt ra đối với hoạt động đào tạo ngành luật trong các trường đại học ở Việt Nam hiện nay", "các công cụ AI như ChatGPT, BingAI, Bard, DApps, Smart Contract tác động như thế nào đến nghề luật?", "Sơ đồ tư duy và sử dụng sơ đồ tư duy trong công tác giải quyết án hình sự ở Viện kiểm sát hiện nay và công tác đào tạo sinh viên ngành luật cho ngành kiểm sát - Bài học kinh nghiệm cho công tác đào tạo ngành/nghề tại các trường đại học, cao đẳng ở Việt Nam hiện nay".

Khẳng định vai trò của AI

Thông qua các tham luận, các nhà khoa học đã thảo luận sôi nổi về AI đối với giáo dục đại học nói chung và đào tạo ngành luật, thực hành ngành luật nói riêng. Qua đó, các nhà khoa học đã gợi mở những hướng đi mới trong nghiên cứu và đào tạo ngành luật ở trường đại học, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong tự động hoá các hoạt động giáo dục, cá nhân hóa quá trình học tập, các mô hình tích hợp AI nhằm cung cấp cho sinh viên phương pháp học trực tuyến hiệu quả, thiết thực nhất...

  PGS.TS. Đặng Trần Khánh, Viện trưởng Viện Công nghệ Trải nghiệm Trường Đại học Văn Lang trình bày tham luận "Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giảng dạy và quản lý đại học số"

Cùng với đó là sử dụng AI trong việc tối ưu chi phí học tập, đầu tư đối với sinh viên, giảng viên. Đích đến là ứng dụng AI hiệu quả để giúp nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội.

Tại hội thảo, PGS.TS Đặng Trần Khánh, Viện trưởng Viện Công nghệ Trải nghiệm Trường Đại học Văn Lang đã chia sẻ chuyên đề "Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giảng dạy và quản lý đại học số". Theo PGS.TS Đặng Trần Khánh, AI tạo ra các giải pháp và công cụ nhằm nâng cao hiệu quả quá trình dạy và học, giúp cải tiến các phương pháp giảng dạy, cá nhân hóa trải nghiệm học tập, tự động hóa các công việc hành chính…

Ứng dụng AI không chỉ giúp tối ưu hóa các quy trình quản lý, mà còn tạo điều kiện cho việc phân tích dữ liệu và đưa ra những quyết định chiến lược dựa trên thông tin chính xác. Tuy nhiên, cần có chiến lược tổng thể cho việc chuyển đổi số và chiến lược dài hạn về ứng dụng AI, nghiên cứu và phát triển các ứng dụng AI mới nhằm xây dựng trường đại học số.

 Ứng dụng AI trong giáo dục đại học số giúp cải tiến các phương pháp giảng dạy, cá nhân hóa trải nghiệm học tập, tự động hóa các công việc hành chính…

Phát biểu tổng luận hội thảo, Tiến sĩ Đoàn Ngọc Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ Dầu Một nhận định, đối với lĩnh vực pháp luật và đào tạo ngành luật, AI đã cung cấp con đường giúp tối ưu hóa hiệu suất trong công tác nghiên cứu, giảng dạy và học tập. Bên cạnh những ưu việt không thể không sử dụng, AI cũng đặt ra nhiều vấn đề thách thức đối với hoạt động luật pháp và đào tạo ngành luật, như: trách nhiệm pháp lý, tiềm ẩn những gian lận, vi phạm về đạo đức; chứng cứ và độ tin cậy, xác thực đối với các thông tin, chứng cứ có sử dụng AI…

Đặc biệt là trong đào tạo ngành luật, việc chuyển đổi số và tận dụng thành tựu của AI trong xây dựng chương trình, đổi mới nghiên cứu, giảng dạy, học tập như thế nào là một bài toán không dễ dàng. Theo đó, các trường đại học cần xác định tầm nhìn và có bước chuẩn bị để bắt nhịp trong hoạt động đào tạo ngành luật đáp ứng điều kiện chuyển đổi số và các công nghệ giáo dục hiện đại.

“Dù thời gian chuẩn bị rất ngắn, chỉ trong vòng hơn 1 tháng, nhưng Ban Tổ chức hội thảo đã nhận được 30 bài tham luận, đề cập đến nhiều nội dung quan trọng của AI trong đời sống và thực tiễn pháp lý của Việt Nam. Một số báo cáo gợi mở những vấn đề chung trong nghiên cứu và ứng dụng của AI trong giảng dạy và quản trị đại học; AI trong thực hành ngành luật ở Việt Nam. Một số báo cáo đề cập và gợi mở những vấn đề liên quan đến nghề nghiệp của luật sư, cơ hội và thách thức đối với luật sư trong kỷ nguyên AI. Một số báo cáo trình bày những vấn đề khoa học và thực tiễn trong đào tạo ngành luật của các trường đại học ... Trên cơ sở các báo cáo gửi tới tham dự hội thảo, Ban Tổ chức đã sắp xếp, biên tập và in thành kỷ yếu phục vụ hội thảo”.

(Tiến sĩ Nguyễn Quốc Cường, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Thủ Dầu Một)

MINH HIẾU