Tỷ phú đi lên từ dây khoai lang
Mỗi lần nhắc lại những ngày tháng khổ sở nhất của cuộc đời là vợ chồng anh Đinh Văn Phơ (xã Thanh Tuyền, huyện Dầu Tiếng) lại rưng rưng nước mắt nghẹn ngào. Nhờ lao động không biết mệt mỏi, từ trồng dây khoai lang đến lập vườn cao su và gia đình anh nay đã thành tỷ phú.
Khởi nghiệp từ bán... dây lang
Vào những năm 1983, chàng thanh niên 28 tuổi đời Đinh Văn Phơ kết hôn cùng chị Nguyễn Thị Trinh và bắt đầu lập nghiệp bằng hai bàn tay trắng. Hồi đó, tất cả những gì mà anh chị có đó là một cái chòi lợp tranh mà ở trên thì dùng để sinh hoạt, ở dưới thì... nuôi heo. Hàng ngày, vợ chồng đi làm thuê làm mướn, mò cua, bắt ốc kiếm sống qua ngày. Kể về những ngày tháng ấy, mắt chị Trinh rưng rưng lệ khi đã từng thấm thía được cái cảnh cuộc sống quá khổ sở. Có những quãng thời gian mà công việc làm thuê cũng không có để làm, nên đôi vợ chồng trẻ vừa kết hôn được 5 tháng đã phải tạm xa nhau, chị về quê ngoại Tây Ninh kiếm việc làm thuê khác. Sinh được cậu con trai đầu lòng, chị đi làm ở đâu cũng “tha” con theo rồi để con chơi vật vã một mình...
Vợ chồng anh Đinh Văn Phơ và chị Nguyễn Thị Trinh đang chăm sóc vườn cây cảnh của gia đình Năm 1985, gia đình anh Phơ khai hoang được 2 sào đất ruộng, nhờ có số vốn sau 2 năm đi làm thuê nên anh có tiền để mua heo, gà chăn nuôi kết hợp trồng xen kẽ các loại dây khoai lang, cây mì trên đất để “lấy ngắn nuôi dài”. Quãng thời gian này, vợ chồng anh luôn nỗ lực hết mình, có ngày làm việc đến 20 giờ. Ngày đi làm mướn, tối về cắt dây khoai lang để bán, bình quân mỗi ngày bán được 30.000 - 40.000 đồng. Bán dây khoai lang có “thâm niên” nên “ra chợ Bến Súc hỏi chị bán dây khoai lang thì ai ai cũng biết”, chị Trinh nói. Cũng từ mảnh đất trồng dây khoai lang mà gia đình anh Phơ vừa có nguồn thức ăn để nuôi heo, vừa tạo thêm thu nhập.
Sau 2 năm, anh chị Phơ tiếp tục mua được 3 ha đất trồng điều và nuôi 5 heo nái, 20 heo thịt, 1 năm sau thu về 1 tấn điều cùng 1 cây vàng từ bán heo. Hồi đó, heo nái nhà chị thật mắn đẻ, quãng thời gian này chị Trinh cảm thấy mình thực sự may mắn. Tất cả số tiền có được anh chị đều dồn vào nuôi heo, đến năm 1994, anh chị đã sở hữu 9 ha đất. Nhờ sự cần cù chịu khó đó mà tính đến thời điểm 2011 gia đình anh chị đã có 17 mẫu đất trồng cao su.
...và trở thành tỷ phú
Đi trên trục đường ĐT747 đoạn qua xã Thanh Tuyền, hình ảnh đẹp mà người lưu thông dễ bắt gặp nhất đó là ngôi nhà có dãy hoa mười giờ nở sum suê, cổng rào xây cao với thiết kế đẹp mắt, phía bên trong ngôi nhà đậu 1 chiếc xe hiệu Toyota cùng vườn cây cảnh và hơn 20 lồng chim hót líu lo... Cơ ngơi mà anh chị gầy dựng được như ngày hôm nay tất cả đều từ sự nỗ lực không ngừng nghỉ. Mỗi ngày số tiền thu về cho gia đình từ 5 - 6 triệu đồng (nửa diện tích đất trồng cao su cho thu hoạch), trung bình hàng năm gia đình anh thu được 700 triệu đồng. Dẫu giàu có nhưng anh Phơ và chị Trinh vẫn tự làm hết mọi việc, từ xịt thuốc, bỏ phân... “làm riết rồi cũng thành... chuyên gia”, anh Phơ “tếu”. “Vợ chồng tôi luôn tâm niệm rằng phải cố gắng chăm chỉ hơn người khác. Nếu người khác làm việc 8 giờ/ngày thì mình phải làm hơn như thế, phải chăm chỉ và biết tiết kiệm”.
Tuy công việc bận rộn là vậy nhưng gia đình anh Phơ vẫn rất tích cực tham gia các phong trào của xã tổ chức như ủng hộ xây dựng đường giao thông nông thôn, đóng góp cho Hội Cựu chiến bình, mỗi dịp tết thì ủng hộ người nghèo 10 phần quà (mỗi phần trị giá 200.000 đồng), bên cạnh đó chị Trinh còn tham gia những hoạt động như dự thi “Duyên dáng tuổi 40” do huyện Dầu Tiếng tổ chức hay tham gia văn nghệ hội phụ nữ... Chị nói: “Đã làm là làm hết sức và chơi thì cũng hết mình”.
Gia đình anh Đinh Văn Phơ là một tấm gương sáng về sự cần cù, chịu thương chịu khó trong lao động, với bất kỳ công việc nào chỉ cần có sự đam mê, tâm huyết với công việc thì thành công ắt sẽ tới...
THANH LÊ