TX.Thuận An: Phát triển nông nghiệp đô thị bền vững

Thứ năm, ngày 12/12/2019

(BDO) Những năm qua, tại TX.Thuận An, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh dẫn đến diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp. Trong điều kiện đó, đối với lĩnh vực nông nghiệp địa phương chú trọng phát triển nông nghiệp đô thị theo hướng bền vững.

 Ông Nguyễn Văn Tuấn ở phường An Thạnh đang chăm sóc vườn lan của gia đình Ảnh: VĂN TIẾN

 Là người đam mê cây mai vàng, ông Lưu Ngọc Cương, ngụ khu phố Bình Hòa, phường Bình Nhâm, đã gây dựng vườn mai với hàng trăm gốc có giá hàng tỷ đồng, trong đó mai nhỏ khoảng 70 cây, mai lớn khoảng 30 cây, chủ yếu là mai vàng truyền thống 5 cánh. Gần 15 năm trồng và kinh doanh cây mai, ông luôn theo sát thị trường cũng như sở thích chơi hoa của khách hàng.

Ông Cương cho biết, đối với người Việt, nhất là người miền Nam, hoa mai vàng vẫn là sự lựa chọn đầu tiên để mang về chưng trong những ngày tết. Chính vì vậy, vào dịp Tết cổ truyền của dân tộc ông bán và cho thuê nhiều hoa mai nhất. Bình quân mỗi vụ mai, sau khi trừ chi phí ông thu về gần 400 triệu đồng.

Tại phường Hưng Định, mô hình hoa lan mokara cắt cành của ông Trần Anh Tuấn, ngụ khu phố Hưng Thọ là một ví dụ điển hình. Ông Tuấn tận dụng diện tích chuồng trại (trước đây nuôi heo) hơn 2.000m2 để cải tạo lại với tổng kinh phí khoảng 350 triệu đồng. Đến nay, ông có trên 5.000 gốc lan mokara các loại, trong đó phải kể đến mokara vàng mai, vàng chanh, vàng chấm, đỏ, tím, trắng chấm, nến, hồng các loại, vàng chuối...

Hiện ông Tuấn là thành viên của Hợp tác xã Sản xuất thương mại - dịch vụ Hoa lan Đất Thủ. Vườn lan của ông cung cấp chủ yếu hoa cho hợp tác xã, phần còn lại ông cung cấp cho các shop lan gần nhà. Có đầu ra ổn định, ông yên tâm đầu tư cho vườn lan. Mỗi năm, sau khi trừ chi phí ông có thu nhập từ mô hình trồng lan khoảng 120 triệu đồng.

Hiện nay, trên địa bàn thị xã có nhiều mô hình nông nghiệp đô thị mang hiệu quả kinh tế cao. Theo Phòng Kinh tế thị xã, địa phương đang duy trì và phát triển cây trồng, vật nuôi phù hợp với xu hướng đô thị như rau an toàn, mầm giá, hoa lan, cây mai, cây kiểng, nấm các loại. Mô hình chăn nuôi theo hướng nông nghiệp đô thị cũng được địa phương quan tâm, như nuôi cá sấu, trăn, chim trĩ, chim yến, bồ câu….

Có thể thấy, thời gian qua nhờ định hướng nông dân phát triển nông nghiệp đô thị đã góp phần đưa phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi trên địa bàn thị xã ngày càng hiệu quả. Chỉ tính trong giai đoạn 2017-2019, toàn thị xã có 206 hộ nông dân đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp thị xã. Từ phong trào này đã xuất hiện nhiều nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tiêu biểu như các hộ Trần Văn Viễn ở xã An Sơn, Trần Minh Vũ ở phường Vĩnh Phú, Nguyễn Văn Tuấn ở phường An Thạnh...

Phát triển nông nghiệp đô thị là hướng đi phù hợp của thị xã hiện nay. Với hướng đi này, nông dân vừa tận dụng được diện tích nhỏ hẹp để chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp, mang lại giá trị kinh tế cao vừa góp phần tạo việc làm cho nông dân.

 Bà Nguyễn Thụy Minh Chi, Chủ tịch Hội Nông dân TX.Thuận An, cho biết từ đầu năm đến nay, hội đã phối hợp với Trạm Khuyến nông, Trạm Trồng trọt - Bảo vệ thực vật, Phòng Kinh tế thị xã tổ chức được 39 lớp tập huấn cho 1.210 lượt hội viên nông dân. Nội dung tập huấn gồm chuyển giao khoa học - kỹ thuật về rau an toàn, phòng bệnh trên rau màu, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, quản lý sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật… Bên cạnh đó, hội đã phối hợp với Trạm Khuyến nông liên huyện phía Nam tổ chức 6 lớp tập huấn theo nhu cầu nông dân về nông nghiệp đô thị; phối hợp với Trạm Trồng trọt - Bảo vệ thực vật hỗ trợ 2 mô hình nhà lưới trồng hoa lan cho nông dân phường An Thạnh... Qua các lớp tập huấn giúp nông dân có hướng phát triển nông nghiệp phù hợp, hiệu quả, bền vững trong thời gian tới.

 VĂN TIẾN