TX.Thuận An: Nâng cao công tác quản lý và xử lý nước thải sinh hoạt trong khu nhà trọ

Thứ tư, ngày 12/12/2018

(BDO) Hiện nay trên địa bàn TX.Thuận An có hơn 13.000 cơ sở kinh doanh nhà trọ, góp phần giải quyết chỗ ở cho hàng trăm ngàn công nhân lao động. Theo ước tính của cơ quan chức năng, mỗi ngày, các cơ sở này thải ra gần 80.000m3 nước thải sinh hoạt. Trong khi đó, hầu hết các nhà trọ vẫn chưa có hệ thống xử lý nước thải mà chỉ được xử lý sơ bộ bằng bể tự hoại hoặc xả thải trực tiếp ra môi trường xung quanh, gây nguy cơ ô nhiễm môi trường.


Con rạch dọc theo đường Lái Thiêu 93 (phường Lái Thiêu) bị “đầu độc” bởi nước thải, chất thải sinh hoạt từ khu dân cư và nhà trọ trong khu vực

Nguy cơ ô nhiễm môi trường

Vận động người dân đấu nối vào hệ thống thu gom nước thải tập trung

Tại hội nghị sơ kết 3 năm kết quả thực hiện kế hoạch bảo vệ môi trường TX.Thuận An giai đoạn 2016-2020 và triển khai phương hướng thực hiện năm 2019, ông Đỗ Thanh Sử, Phó Chủ tịch UBND TX.Thuận An đã đưa vấn đề quản lý chất thải trong khu nhà trọ để thảo luận trong cuộc họp. Ông Sử cho rằng hiện nay một số nhà trọ trực tiếp xả nước thải xuống kênh, rạch, gây ảnh hưởng đến môi trường nghiêm trọng. Trong khi đó, địa phương đã được đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt với công suất 17.000m3/ngày đêm và một số phường, xã đã được đầu tư xây dựng hệ thống đấu nối. Vì vậy, các ngành chức năng cần nhanh chóng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân, nhất là các nhà trọ đấu nối nước thải vào hệ thống xử lý nước thải tập trung của thị xã theo quy định. Đối với các khu vực phường, xã chưa được đầu tư hệ thống đấu nối, ngành chức năng cần có giải pháp hướng dẫn người dân đầu tư xây hệ thống xử lý nước thải đúng quy chuẩn kỹ thuật và phù hợp với quy mô số phòng của nhà trọ. Ngoài ra, các ngành chức năng cần thực hiện có hiệu quả việc phân loại rác tại nguồn và xây dựng mô hình “Khu phố không rác”.

Là địa bàn trọng điểm phát triển công nghiệp của Bình Dương, TX.Thuận An thu hút hàng trăm ngàn công nhân lao động đến làm việc và sinh sống. Để đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho người lao động, nhiều nhà trọ được đầu tư xây dựng. Trong quá trình hoạt động của các nhà trọ đã phát sinh một lượng lớn chất thải sinh hoạt. Nếu lượng chất thải này không được thu gom xử lý hợp lý sẽ gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh và sức khỏe của người dân.

Theo ghi nhận của P.V, một trong những nguyên nhân chính khiến một số kênh, rạch trên địa bàn TX.Thuận An bị ô nhiễm là do nước thải sinh hoạt từ các nhà trọ. Điển hình như tại con rạch dọc theo đường Lái Thiêu 93 (KP.Long Thới, phường Lái Thiêu) đang bị “đầu độc” bởi nước thải chảy ra từ các ống thoát nước của các nhà trọ trong khu vực. Không những thế, một số người thuê trọ còn “tiện tay” vứt rác xuống rạch khiến dòng chảy bị tắc nghẽn. Mỗi khi triều cường hay sau mỗi cơn mưa thì nước trong rạch đen kịt, bốc mùi hôi rất khó chịu. Chị Nguyễn Thị Ánh Tuyết, một người dân địa phương, phản ánh: “Trước đây, chúng tôi còn sử dụng nước rạch để tưới cây. Trong những năm gần đây, cùng với việc nhiều khu nhà trọ được xây dựng ồ ạt thì nguồn nước ở con rạch này cũng có màu đen như mực, bốc mùi rất hôi, khó chịu vô cùng”.

Tương tự, mỗi khi nhắc đến tình trạng ô nhiễm ở rạch Vĩnh Bình, anh Lê Văn Lợi, ngụ KP.Phú Hội, phường Vĩnh Phú lại lắc đầu ngao ngán: “Bà con ở đây sống chủ yếu bằng nghề chăn nuôi. Chúng tôi thường lấy nước rạch Vĩnh Bình để nuôi cá và tắm cho vịt. Bây giờ nước rạch Vĩnh Bình đen như mực, bốc mùi tanh nồng, ngay cả con ốc cũng khó mà sống được. Rau muống trồng dưới rạch cũng phát triển èo uột, còn nuôi vịt thì phải sử dụng nước giếng. Mỗi khi tôi xuống rạch cắt rau muống cho heo, cho vịt ăn là bị nổi mẩn ngứa ngay, dùng xà bông để rửa mấy lần mà vẫn còn mùi hôi thối”.

Anh Lợi cho biết thêm, rạch Vĩnh Bình là nơi hợp lưu của rạch Cầu Đất và rạch Thầy Năm, trong đó rạch Thầy Năm là nơi tiếp nhận nguồn nước từ kênh tiêu Bình Hòa và kênh tiêu D. Trong khi đó, các kênh, rạch này lại tiếp nguồn nước thải từ các doanh nghiệp trong và ngoài các khu công nghiệp trên địa bàn TX.Thuận An. Bên cạnh đó, các kênh, rạch này lại chảy qua các khu vực đông dân cư, nơi tập trung hàng ngàn nhà trọ có đông công nhân sinh sống. Vì vậy, các kênh, rạch này phải “gồng mình” chịu thêm nước thải từ các nhà trọ. Đây chính là một trong những nguyên nhân chính “đầu độc” rạch Vĩnh Bình trong thời gian qua.

Không riêng gì rạch Vĩnh Bình, các rạch Cây Trâm, rạch Bưng Biệp, rạch Búng... cũng đang bị “đầu độc” bởi nước thải chảy ra từ cc ống nhựa do cc hộdân và nhà trọ tựlắp dẫn nước thi sinh hot trực tiếp ra con rạch. Trong khi đó, chính quyền địa phương đang triển khai nhiều giải pháp nhằm cải thiện chất lượng nguồn nước mặt ở các con rạch này.

Chủ động phòng ngừa

Trao đổi với P.V về nguy cơ ô nhiễm môi trường từ nước thải sinh hoạt từ các nhà trọ, một lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường TX.Thuận An cho biết, nhằm chủ động nắm tình hình phát sinh cũng như đề xuất biện pháp quản lý nước thải, chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ các nhà trọ trên địa bàn thị xã một cách hiệu quả, Phòng Tài nguyên và Môi trường đã làm chủ đầu tư triển khai thực hiện Đề án “Điều tra, khảo sát các cơ sở kinh doanh nhà trọ trên địa bàn TX.Thuận An, tỉnh Bình Dương và đề xuất biện pháp quản lý” vào năm 2017. Qua công tác điều tra khảo sát 700 nhà trọ cho thấy hầu hết nước thải từ các nhà trọ đều được xử lý sơ bộ qua bể tự hoại, sau đó thải ra hệ thống thoát nước chung của thị xã và một phần rất nhỏ các nhà trọ cho nước thải sinh hoạt tự thấm. Đáng nói, kết quả phân tích mẫu nước thải của 272 nhà trọ cho thấy hầu hết các thông số về ô nhiễm trong nước thải có nồng độ nằm ngoài giá trị giới hạn cho phép của QCVN 14:2008/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải sinh hoạt.

Ngoài ra, trung bình hàng ngày các nhà trọ trên địa bàn thị xã còn phát sinh thêm 340 tấn rác thải sinh hoạt. Lượng chất thải rắn này được các nhà trọ xử lý bằng cách thuê các đơn vị thu gom và vận chuyển đến nơi xử lý đúng quy định. Bên cạnh đó vẫn còn một số nhà trọ tự xử lý bằng phương pháp chôn lấp hoặc đốt, dẫn đến nguy cơ ô nhiễm môi trường.

Từ kết quả trên, đề án cũng đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao công tác quản lý và xử lý chất thải, nước thải trong nhà trọ đạt hiệu quả cao. Theo đó, các ngành chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng nhằm thu hút người dân tham gia, từ đó giúp người dân nhận thấy được tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường nói riêng cũng như sự cần thiết của các thủ tục hành chính trong quá trình hoạt động kinh doanh. UBND các cấp cần tăng cường công tác quản lý nhà nước về tình hình chấp hành quy định pháp luật về môi trường, xây dựng, thương mại… đối với các cơ sở kinh doanh nhà trọ trên địa bàn; đồng thời xử lý nghiêm khắc các trường hợp cố tình vi phạm trong các lĩnh vực này nhằm bảo đảm tính răn đe và nghiêm minh của pháp luật. Bên cạnh đó, bản thân mỗi cá nhân, người thuê trọ cũng cần có ý thức trách nhiệm trong công tác bảo vệ môi trường; đồng thời phát huy vai trò của các tổ tự quản về môi trường tại các khu dân cư.

Theo báo cáo kết quả thực hiện đề án, qua điều tra khảo sát 700 nhà trọ tại 10 phường, xã trong năm 2017 cho thấy, chưa tới 50% nhà trọ hoạt động có giấy phép xây dựng, trong đó các phường có tỷ lệ nhà trọ có giấy phép xây dựng rất thấp như phường Bình Hòa (10%), An Phú (8,9%) và Lái Thiêu (7,1%). Đáng nói, hầu hết các nhà trọ trên địa bàn thị xã chưa hoàn thiện hồ sơ pháp lý về môi trường, thậm chí có địa phương không có nhà trọ nào có hồ sơ pháp lý về môi trường. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trên là do ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của người dân chưa cao mặc dù cơ quan chức năng đã thường xuyên tuyên truyền. Ngoài ra, một phần các nhà trọ trên địa bàn thị xã được xây dựng khi thị xã vừa thành lập, cơ chế chính sách của chính quyền các cấp chưa được hoàn thiện dẫn đến gây không ít khó khăn trong quá trình quản lý hồ sơ môi trường.

Ngoài ra, hầu hết nguồn cung cấp nước sinh hoạt tại các nhà trọ là nước giếng, chiếm từ 8,33 đến 79,03%. Mặc dù tất cả các phường đều đã được đấu nối hệ thống cấp nước chung của thị xã nhưng tỷ lệ cơ sở nhà trọ sử dụng nước máy vào mục đích sinh hoạt còn khá thấp (1,61 - 12,50%). Trong khi đó, các phường nằm trên trục đường chính có tỷ lệ nhà trọ sử dụng nước máy cao hơn, từ 60% đến 91,67%.

 

NGUYỄN HẬU