TX.Tân Uyên: Khẩn trương di dời cơ sở phế liệu gây ô nhiễm môi trường
(BDO) Từ tháng 3-2018 đến nay, các cơ sở kinh doanh (CSKD) phế liệu không bảo đảm tiêu chuẩn về môi trường, mỹ quan và phòng chống cháy nổ trên địa bàn TX.Tân Uyên đã có xu hướng giảm dần, hiện chỉ còn 67 cơ sở. Kết quả đó là nhờ vào sự phối hợp tốt của cả hệ thống chính trị từ thị xã đến các xã, phường và người dân chung tay thực hiện công tác chỉnh trang đô thị, gắn liền với bảo vệ môi trường để nâng cao chất lượng đời sống, phục vụ người dân.
CSKD phế liệu không phép, ngoài vùng quy hoạch nằm trên mặt tiền đường ĐT742, đoạn qua phường Phú Chánh, TX.Tân Uyên
Xử lý CSKD phế liệu không bảo đảm
Trong năm 2018, trên địa bàn TX.Tân Uyên có tổng số 86 CSKD phế liệu; trong đó có 40 cơ sở hoạt động không phép, bao gồm cả trong vùng quy hoạch và ngoài vùng quy hoạch. Tình trạng trên gây ra cảnh bát nháo, mạnh ai nấy làm, không được quy hoạch bài bản, tiềm ẩn nhiều nỗi lo về mỹ quan đô thị, môi trường và phòng chống cháy, nổ khi xảy ra sự cố, tác động xấu đến đời sống của người dân. Vì vậy, UBND TX.Tân Uyên đã nhanh chóng chỉ đạo, đôn đốc các ngành chức năng thực hiện công tác kiểm tra, xử lý các CSKD phế liệu không bảo đảm; thực hiện lộ trình siết chặt, di dời cơ sở gây ô nhiễm.
Theo đại diện Phòng Tài nguyên - Môi trường TX.Tân Uyên, căn cứ vào tình hình thực tế, nhiều CSKD phế liệu không phép, không được quy hoạch xuất hiện trên địa bàn TX.Tân Uyên. Trong quá trình hoạt động việc thu gom phế liệu từ các cơ sở xảy ra tình trạng súc rửa, thải các chất nguy hại ra môi trường, hoạt động vận chuyển khá cồng kềnh, gây mất an toàn giao thông. Vì vậy, Phòng Tài nguyên - Môi trường thị xã đã phối hợp với chính quyền các xã, phường tiến hành rà soát toàn diện các CSKD phế liệu về các mặt như giấy phép, quy hoạch để có phương án xử lý, di dời. Việc thực hiện kiểm tra, xử lý được phối hợp với các ngành chức năng của thị xã, qua đó, nhiều chủ CSKD phế liệu sai quy định, không đầy đủ hồ sơ pháp lý liên quan đến thủ tục đất đai, xây dựng, công tác phòng cháy chữa cháy đã bị phát hiện, xử phạt. Một số trường hợp đã buộc phải di dời, ngưng hoạt động hoặc vận động chuyển đổi hình thức kinh doanh.
Tiếp tục xử lý, yêu cầu di dời
Theo tìm hiểu của P.V, tại TX.Tân Uyên 2 địa phương là xã Thạnh Hội và phường Thạnh Phước không có CSKD phế liệu. Trong số 10 xã, phường còn lại thì phường Khánh Bình có nhiều CSKD phế liệu, nhưng công tác quản lý và xử lý CSKD phế liệu đang thực hiện khá tốt. Hiện địa phương này có 15 CSKD phế liệu, tất cả đều có giấy phép hoạt động kinh doanh. Có 4 cơ sở trong vùng quy hoạch, 11 cơ sở ngoài vùng quy hoạch. Hiện phường Phú Chánh là một những địa phương dẫn đầu về CSKD phế liệu không phép (tổng số 11 CSKD phế liệu thì chỉ có 1 CSKD phế liệu có phép, 7 CSKD phế liệu không phép, phát sinh mới nằm ngoài vùng quy hoạch). Số CSKD phế liệu không phép, phát sinh mới chủ yếu nằm dọc mặt tiền đường ĐT742, qua địa bàn phường Phú Chánh.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó chủ tịch UBND phường Phú Chánh, TX.Tân Uyên, cho biết: “Quá trình rà soát của địa phương chưa chặt chẽ, để phát sinh CSKD phế liệu không phép. Qua công tác phối hợp kiểm tra, xử lý, UBND phường Phú Chánh đã xử phạt hành chính nhiều CSKD phế liệu không phép liên quan đến lĩnh vực đất đai, môi trường, xây dựng… Trong thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ tăng cường xử lý vi phạm, thông báo và vận động các CSKD phế liệu không phép, nằm ngoài vùng quy hoạch ngưng hoạt động, thực hiện di dời hoặc chuyển đổi ngành nghề. Trường hợp cố tình hoạt động sai quy định, UBND phường sẽ tham mưu đến ngành chức năng thị xã để cưỡng chế, tháo dỡ”.
Cũng theo tìm hiểu, trong quá trình quản lý, thực hiện di dời các CSKD phế liệu không bảo đảm, một số địa phương đang gặp một số khó khăn, như: Hầu hết chủ cơ sở đều tận dụng lại mặt bằng sẵn có của nhà ở nên không di dời vào vùng quy hoạch, gặp khó về vốn đầu tư di dời; giá đất tăng cao gây khó khăn trong việc thỏa thuận thuê đất hoặc nhận chuyển nhượng; cơ sở hạ tầng giao thông, lưới điện, cấp thoát nước chưa đồng bộ; đặc biệt phần lớn quy hoạch sử dụng đất đai tại vùng quy hoạch bố trí CSKD phế liệu không phù hợp (đất ở, đất sản xuất kinh doanh hoặc đất trồng cây lâu năm).
Liên quan đến vấn đề trên, ông Nguyễn Hồng Nguyên, Phó Chủ tịch UBND TX.Tân Uyên, cho biết để từng bước nâng cao chất lượng quản lý đối với các CSKD phế liệu, UBND TX.Tân Uyên đã lập vùng bố trí kinh doanh phế liệu với tổng diện tích khoảng 86,8 ha. Trên cơ sở đó, UBND thị xã yêu cầu UBND các xã, phường thông báo, hướng dẫn các CSKD phế liệu di dời vào vùng quy hoạch đã bố trí. Bên cạnh đó, thị xã cũng yêu cầu ngành chức năng và chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, không để phát sinh mới các CSKD phế liệu không phép, nếu để phát sinh thì lãnh đạo xã, phường phải chịu trách nhiệm. Trong quá trình thực hiện di dời, quy hoạch gặp những khó khăn sẽ được các ngành chức năng, chuyên môn của thị xã xem xét, giải quyết. Mặt khác, UBND TX.Tân Uyên sẽ rà soát lại các quy định, quy trình cấp phép kinh doanh phế liệu để thực hiện đúng các quy định của pháp luật; từng bước di dời CSKD phế liệu có quy hoạch, hoạt động phát triển gắn liền với công tác chỉnh trang đô thị, bảo vệ môi trường, góp phần vào sự nghiệp phát triển chung của TX.Tân Uyên văn minh, giàu đẹp, bền vững.
Đến nay, TX.Tân Uyên còn 67 CSKD phế liệu, trong đó 38 cơ sở có phép, 7 cơ sở nằm trong vùng quy hoạch. Ngoài ra, có 18 CSKD phế liệu hoạt động với quy mô nhỏ lẻ, kinh doanh mua bán trong ngày. |
HƯNG PHƯỚC