TX.Dĩ An: Nâng chất bữa ăn cho học sinh mầm non, mẫu giáo

Thứ sáu, ngày 23/03/2018

(BDO) Trong điều kiện số học sinh (HS) mầm non (MN), tiểu học gia tăng mỗi năm, song ngành giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) TX.Dĩ An vẫn bảo đảm sắp xếp đủ chỗ học cho HS. Đặc biệt, ngành đã thực hiện khá tốt việc tổ chức chất lượng bữa ăn cho HS bán trú trên địa bàn thị xã.

Nâng chất

Ngày 20-3, chúng tôi có dịp theo đoàn khảo sát Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh, cùng ngành chức năng giám sát công tác tổ chức chất lượng bữa ăn tại các trường MN, tiểu học trên địa bàn TX.Dĩ An. Để có cái nhìn thực tế, đoàn có mặt tại các trường từ tờ mờ sáng để kiểm tra từ khâu nhập thực phẩm, xuất xứ nguồn gốc thực phẩm. Tại 2 trường: Tiểu học Lý Thường Kiệt và MN Võ Thị Sáu, theo đánh giá của ngành chức năng, chất lượng thực phẩm cơ bản đạt yêu cầu, thực phẩm sống như thịt, tôm còn khá tươi.

Đoàn Ban Văn hóa Xã hội HĐND tỉnh giám sát khâu sơ chế suất ăn cho học sinh tại trường MN Võ Thị Sáu

TX.Dĩ An hiện có 10 trường MN - mẫu giáo (MG) với trên 25.700 cháu và 20 trường tiểu học với 34.375 HS. Dù hàng năm HS con em lao động ngoài tỉnh tăng cao, gây khó khăn cho ngành, nhưng đáng mừng là các nhà trường vẫn duy trì được việc thực hiện bán trú cho HS và toàn bộ đều tổ chức bếp ăn tại trường. Đơn cử như trường Tiểu học Nhị Đồng, tuy cơ sở vật chất chật hẹp, vậy mà trường đã thực hiện tốt bữa ăn bán trú cho 664 HS. Ông Phạm Văn Bảy, Phó Chủ tịch UBND TX.Dĩ An cho biết, ngành GD-ĐT đã thực hiện tốt công tác chỉ đạo về bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), chỉ đạo ban giám hiệu có tổ chức bếp ăn tập thể kiểm tra hàng ngày. Ngành còn phối hợp trung tâm y tế kiểm tra 100% cơ sở giáo dục công lập và kiểm tra định kỳ, đột xuất các trường khác trên địa bàn. Ngoài ra, nhà trường còn phối hợp với ban đại diện cha mẹ HS kiểm tra thường xuyên bếp ăn từ khâu giao, nhận thực phẩm đến tổ chức bữa ăn.

Chất lượng dinh dưỡng bữa ăn cũng là vấn đề các nhà trường quan tâm. Hiện nay, tiền ăn của trẻ MN - MG từ 20.000- 25.000 đồng/ngày, chia ra 3 bữa; khối tiểu học bình quân 21.000 đồng, trong đó có ăn trưa và ăn chiều. Qua ghi nhận cho thấy, có trường đã thực hiện được phần mềm dinh dưỡng của Bộ GD-ĐT. Chất lượng bữa ăn còn thể hiện qua sự đa dạng món ăn. Tại trường Tiểu học Dĩ An C, dù phải phục vụ gần 2.600 suất ăn mỗi ngày, nhưng thực đơn của HS lớp 1 và lớp 5 có khác nhau. Điều đó cho thấy, các nhà trường đặt vấn đề dinh dưỡng, sức khỏe của HS lên hàng đầu.

Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm

Đề cập đến an toàn thực phẩm trong trường học, bác sĩ Huỳnh Thị Nguyệt Phương, Giám đốc Trung tâm Y tế TX.Dĩ An nhận xét, bếp ăn trường học an toàn, nguồn thực phẩm cung cấp cho các cháu ở trường tương đối bảo đảm. Ông Trần Minh Hoàng, Phó Chi cục ATVSTP cũng đánh giá, bếp ăn tập thể trường học thực hiện tương đối tốt quy định về ATVSTP. Ngoài ra, điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, kiến thức của nhân viên cấp dưỡng đã được nâng lên so với trước đây. Các trường đã thành lập và thực hiện hiệu quả mô hình tổ tự quản an toàn thực phẩm. Vì vậy, trong những năm gần đây TX.Dĩ An không xảy ra sự cố ngộ độc thực phẩm.

Theo quan sát của chúng tôi, hầu hết các bếp ăn được thiết kế theo quy trình bếp ăn một chiều, đồ dùng, dụng cụ nhà bếp được trang bị đầy đủ, đầu tư mua sắm theo hướng chuẩn hóa, đáp ứng cơ bản các điều kiện về ATVSTP theo quy định của Bộ Y tế. Các trường ký hợp đồng cung cấp thực phẩm với các nhà cung cấp bảo đảm tiêu chuẩn ATVSTP, có đủ giấy phép và có kiểm dịch các loại thực phẩm hàng ngày.

Bên cạnh những mặt tích cực, vẫn còn những tồn tại mà các trường có tổ chức bếp ăn tập thể cần sớm khắc phục. Theo các ngành chức năng, có một số trường do xây dựng ban đầu chưa có sự tham vấn của cơ quan chuyên môn, nên chưa thực hiện quy trình bếp ăn một chiều; có trường bếp ăn nhỏ, khu vực sơ chế và chế biến chưa rõ ràng… Nếu sớm khắc phục những hạn chế trên, thì chất lượng bữa ăn tại các trường MN - MG, trường tiểu học sẽ được nâng cao hơn nữa. Từ đó, góp phần bảo đảm sức khỏe HS, nâng cao chất lượng giáo dục.

 H.THÁI