TX.Dĩ An: Hiệu quả từ phân loại rác tại nguồn
(BDO) Đi từng bước, đến từng hộ gia đình để phát túi, hướng dẫn phân loại chất thải rắn sinh hoạt (rác) tại nguồn… Kết quả sau 4 tháng triển khai thực hiện thí điểm, khu phố Nhị Đồng 2, phường Dĩ An có môi trường xanh - sạch - đẹp hơn.
Đi từng bước…
Vì sao TX.Dĩ An chọn khu phố Nhị Đồng 2, phường Dĩ An làm khu vực thí điểm? Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TX.Dĩ An cho biết bởi đây là khu dân cư Trung tâm hành chính thị xã và đường Nguyễn An Ninh (đoạn từ Công ty TNHH Forever đến khu dân cư trung tâm) có 48 cơ quan hành chính, sự nghiệp, trường học, 106 nhà hàng, khách sạn, quán ăn, karaoke và 1.350 hộ dân. Hơn nữa, các tuyến đường khu vực này có chiều rộng tối thiểu khoảng 14m, thuận tiện cho xe chuyên dụng thu gom rác. Theo kế hoạch, TX.Dĩ An chia ra thành 2 nhóm đối tượng, gồm nhóm các cơ quan chức năng hành chính Nhà nước, các đơn vị sự nghiệp, trường học… do Xí nghiệp Công trình công cộng thu gom; nhóm các hộ dân và các đơn vị, tổ chức kinh doanh tại khu dân cư trung tâm hành chính và đường Nguyễn An Ninh do khu phố Nhị Đồng 2 triển khai, theo dõi, giám sát…
Rác sau khi phân loại được thu gom về điểm tập kết rác tại Tân Bình để chuyển đi xử lý
Lãnh đạo Phòng TN&MT xác định, một trong những nhiệm vụ quan trọng là đẩy mạnh truyền thông về việc phân loại rác tại nguồn. Đi từng bước như phòng tổ chức 2 buổi tập huấn hướng dẫn cho các phòng ban trực thuộc UBND thị xã, các đơn vị hành chính và phối hợp với khu phố Nhị Đồng 2, tổ trưởng tổ nhân dân tự quản tổ chức 8 buổi tập huấn tại nhà cho 800 hộ dân, cấp phát hơn 2.600kg túi tự phân hủy (màu xanh và màu cam) cùng với tuyên truyền lưu động, ra quân phân loại rác… người dân khu phố Nhị Đồng 2 đã tiếp cận thông tin, góp phần chuyển từ “nhận thức” sang “hành động” trong từng hộ dân về phân loại rác tại nguồn.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện phân loại rác tại nguồn không dễ dàng. Kết quả ban đầu không như mong muốn. Sau tuần lễ ra quân, tỷ lệ người dân, tổ chức kinh doanh có ý thức tham gia chỉ đạt khoảng 0,1%. Trước tình hình đó, TX.Dĩ An tiếp tục vận động bằng mọi cách để tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Đến nay, tỷ lệ phân loại rác tại nguồn trong khu trung tâm hành chính được duy trì đạt 96%. Riêng trong 48 cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp đều trang bị 2 thùng rác riêng biệt và có dán nhãn nhận diện chất thải, tạo điều kiện dễ dàng cho quá trình phân loại rác.
Hiệu quả đáng kể
Tỷ lệ thu gom đúng chất thải sau khi phân loại hoàn toàn phụ thuộc vào việc phân loại rác tại nguồn. Bà Lê Ngọc Hà, chuyên viên Phòng TN&MT, tổ phó tổ giám sát phân loại rác tại nguồn TX.Dĩ An, cho biết nhờ truyền thông đến nay tỷ lệ người dân phân loại rác tại nguồn đã tiến triển rõ rệt. Cụ thể thành phần rác thực phẩm thu gom vào các ngày thứ 2, 4, 6 chiếm từ 90 - 95%; thành phần rác còn lại thu gom vào ngày thứ 5 chiếm từ 94 - 98%. Rác sau khi phân loại sẽ được thu gom bằng xe chuyên dụng 5 tấn và được tập kết về Pô rác Tân Bình, sau đó Xí nghiệp Công trình công cộng cũng sẽ bố trí các xe chuyên dụng vận chuyển riêng biệt từng loại rác về Xí nghiệp Xử lý rác Nam Bình Dương. Theo đánh giá của xí nghiệp này, lượng rác mà TX.Dĩ An đưa về để xử lý có 90% tỷ lệ phân loại đúng theo quy định.
Sau thời gian ngắn triển khai thí điểm, hiệu quả mang lại là đáng kể. Lãnh đạo Phòng TN&MT TX.Dĩ An khẳng định, con số 96% hộ dân khu phố Nhị Đồng 2 thực hiện phân loại rác tại nguồn cho thấy người dân ngày càng nhận thức rõ hơn về giá trị kinh tế, môi trường. Người dân xem đó là việc làm thiết thực hàng ngày, mỗi người tự nguyện vận động, kết nối các hộ dân khác làm theo. Mô hình thí điểm này cũng sẽ tiếp tục nhân rộng, lan tỏa trên địa bàn TX.Dĩ An, để ngày càng có nhiều rác thải được phân loại, góp phần vì môi trường xanh - sạch - đẹp, vì đô thị văn minh, hiện đại mà TX.Dĩ An đã và đang hướng tới.
Việc phân loại rác thải tại nguồn thành 2 nhóm:
- Nhóm chất thải thực phẩm và rác vườn là chất thải hữu cơ dễ phân hủy trong môi trường tự nhiên như thức ăn dư thừa, rau, củ, quả; xác động vật, vỏ trứng, vỏ sò, cà phê, xương cá, thịt, lá cây, cành cây… Loại chất thải này được thu gom riêng và chứa trong túi phân hủy màu xanh và đựng trong thùng màu xanh có gắn nhãn “chất thải thực phẩm/hữu cơ”.
- Nhóm chất thải còn lại (rác vô cơ) là những chất thải khác nhóm thực phẩm, không dễ tự phân hủy hoặc khó phân hủy bao gồm tất cả các thành phần chất thải phát sinh trong sinh hoạt của gia đình như vỏ lon, chai nhựa, carton, giấy, thủy tinh, cao su, gỗ vụn, quần áo cũ, gạch cát đá… Loại rác này được thu gom riêng và chứa trong thùng màu cam có gắn nhãn “chất thải còn lại”.
P.V