TX.Bến Cát: Nỗ lực giải quyết chợ tự phát

Thứ tư, ngày 18/07/2018

(BDO) Các chợ tự phát trên địa bàn TX.Bến Cát không chỉ làm mất vẻ mỹ quan đô thị, cản trở giao thông, ô nhiễm môi trường mà còn là nơi bày bán một số hàng hóa kém chất lượng, chưa được kiểm tra chặt chẽ về nguồn gốc xuất xứ, an toàn thực phẩm. Hiện các ngành chức năng của thị xã đang nỗ lực giải quyết vấn đề này.

Theo ghi nhận của phóng viên, tại khu vực gần chợ Bến Cát (phường Mỹ Phước, TX.Bến Cát), khu vực xung quanh chợ, đường Ngô Quyền, đường 30-4 có nhiều hộ kinh doanh, buôn bán các mặt hàng thịt, hải sản, rau, củ quả... Nhiều người bày bán hàng hóa khu vực này lấn chiếm lòng lề đường, gây mất trật tự an toàn giao thông, mỹ quan đô thị, gây ách tắc giao thông vào giờ cao điểm. Tại lô C chợ Bến Cát - đang kinh doanh trong khu vực hành lang sông Thị Tính, đã hết hợp đồng với nhà đầu tư chợ Bến Cát.

Khách hàng chọn mua sản phẩm tại phiên chợ cuối tuần được tổ chức tại chợ tạm - gần chợ Bến Cát. Ảnh: THOẠI PHƯƠNG

Hiện việc giải quyết tốt vấn đề chợ tự phát trên địa bàn TX.Bến Cát nói chung, ở phường Mỹ Phước nói riêng ngành chức năng gặp không ít khó khăn, vì hàng hóa ở chợ tự phát được bán với giá rẻ hơn trong các chợ truyền thống vì không phải chịu các loại phí như thuế, tiền thuê sạp, các loại phí khác… Để giải quyết tình trạng nói trên, thời gian qua, một trong những giải pháp chính của thị xã là xây dựng một địa điểm kinh doanh mới (có thể gọi là chợ tạm) ở gần chợ Bến Cát để bố trí cho bà con tiểu thương vào chợ buôn bán. Một chợ tạm đã được thị xã đầu tư xây dựng vào năm 2016 với diện tích khoảng 912m2. Mặc dù địa phương đã kêu gọi các tiểu thương vào buôn bán tại chợ tạm này nhưng số hộ kinh doanh đồng ý di dời vào đây còn ít.

Chị Trần Nguyệt Ánh, một tiểu thương trên địa bàn, cho hay chị đã di dời vào địa điểm kinh doanh mới nhưng vì chỗ mới, đường ra vào chợ và sân bãi đỗ xe chưa được nâng cấp, chợ chưa có hệ thống thoát nước… nên mặt hàng chị bán rất chậm, thu nhập cũng vì thế sụt giảm so với trước đây.

Để bảo đảm địa điểm kinh doanh mới - chợ tạm nói trên đi vào hoạt động ổn định hơn, TX.Bến Cát đang đầu tư xây dựng hệ thống mương thoát nước, nâng cấp sân bãi và đường vào xung quanh khu vực, khắc phục tình trạng ngập úng cục bộ cho khu vực. Đồng thời, thị xã sẽ sớm giải quyết tình trạng ứ đọng nước trên mặt đường, sân gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống của người dân kinh doanh trong khu vực... Từ đó giải quyết được địa điểm kinh doanh cho các hộ tiểu thương chưa có vị trí kinh doanh cố định, đang bày bán tại vỉa hè, hành lang đường bộ dọc tuyến đường Hùng Vương, Ngô Quyền khu vực chợ Bến Cát và các hộ kinh doanh trong hành lang sông Thị Tính. Thực hiện tốt nhiệm vụ nói trên sẽ góp phần giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường dọc sông Thị Tính đoạn chợ Bến Cát, chỉnh trang đô thị, xây dựng văn minh đô thị của địa phương.

Từ thực tế trên cho thấy, việc giải quyết vấn đề chợ tự phát đối với các địa phương là khó nhưng không phải là không làm được. Vấn đề là chính quyền địa phương có cách làm phù hợp, hiệu quả. Cụ thể, địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, đồng thời tạo điều kiện để các tiểu thương chưa có địa điểm kinh doanh được bố trí chỗ buôn bán mới trước khi địa phương tiến hành giải tỏa, thiết lập lại trật tự...

 Theo bà Võ Trần Dạ Thảo, Phó trưởng phòng Kinh tế TX.Bến Cát, nhu cầu buôn bán, kinh doanh của người dân trên địa bàn hiện nay là rất lớn. Việc giải tỏa chợ tự phát, quy hoạch lại hệ thống chợ không chỉ nhằm tăng cường kiểm soát giá cả, chất lượng hàng hóa, xây dựng hệ thống kinh doanh chuyên nghiệp mà còn hướng tới bảo đảm mỹ quan đô thị, xóa bỏ tình trạng nhếch nhác, tạm bợ từ việc mua bán trên vỉa hè, dưới lòng đường...

 

 THOẠI PHƯƠNG