TX.Bến Cát: Lan tỏa phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi
(BDO) Nhiều mô hình hiệu quả
Bánh tráng Phú An là một trong những sản phẩm đặc trưng của làng nghề truyền thống xã Phú An, TX.Bến Cát nhiều năm trước đây. Tuy nhiên, những năm gần đây quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa trên địa bàn diễn ra nhanh, cùng với tác động của quy luật thị trường, nhiều người làm nghề tráng bánh ở Phú An đã bỏ nghề để làm công việc khác khiến làng nghề truyền thống này đang bị mai một.
Là một trong những người tâm huyết với nghề làm bánh tráng ở xã Phú An, ông Nguyễn Thanh Răng cùng một số hộ dân trong xã đã nỗ lực gắn bó với nghề truyền thống này bằng việc tự học hỏi, đầu tư máy móc thiết bị để làm bánh. Từ khi được trang bị máy móc, cơ sở làm bánh tráng của ông đã giảm được chi phí nhân công, tăng sản lượng. Tuy vậy, do làm ăn nhỏ lẻ nên cơ sở của ông và một số hộ khác trên địa bàn thường bị thương lái ép giá nên rất bị động trong đầu ra. Được sự hỗ trợ, giúp đỡ của Hội Nông dân xã, năm 2012, ông cùng một số hộ khác trên địa bàn đã xây dựng mô hình Tổ hợp tác bánh tráng Phú An. Tổ hợp tác ra đời nhằm để các thành viên trao đổi học tập kinh nghiệm, bảo đảm chất lượng sản phẩm, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm, bảo đảm thu nhập ổn định cho các hộ thành viên...
Từ khi thành lập đến nay, Tổ hợp tác bánh tráng Phú An đã thực hiện tốt mục đích đề ra ban đầu, nhờ đó chất lượng bánh làm ra được nâng lên, giá bánh thành phẩm cũng tăng lên (hiện giá bán từ 40.000 - 60.000 đồng/kg), góp phần đưa làng nghề bánh tráng Phú An đứng vững trên thị trường và giúp cho các hộ dân làm bánh tráng có cuộc sống ổn định hơn. Bên cạnh nâng cao thu nhập cho gia đình, cơ sở bánh tráng của ông Răng còn giải quyết việc làm cho 20 lao động với mức lương từ 5 - 6 triệu đồng/người/tháng.
Mô hình nuôi chim cút ở phường Tân Định cũng mang lại hiệu quả kinh tế tốt. Hình thành từ năm 2002, người khởi xướng mô hình này là ông Nguyễn Văn Thanh, hội viên nông dân phường Tân Định. Trước đó, ông Thanh cùng một số người thân đi tìm hiểu, học tập kinh nghiệm làm ăn từ các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi ở các địa phương khác. Qua học tập, nhận thấy vốn đầu tư cho việc nuôi cút không nhiều nhưng hiệu quả kinh tế lại cao nếu nắm bắt tốt kỹ thuật chăn nuôi, được sự hỗ trợ của địa phương ông cùng một số người dân trong phường đã thành lập Tổ chăn nuôi cút phường Tân Định. Đến nay tổ chăn nuôi hoạt động hiệu quả, cuộc sống của các gia đình thành viên ổn định hơn trước. Điều đáng mừng là đầu ra ổn định, nhờ các thương lái đặt hàng thường xuyên, uy tín nên các thành viên an tâm gắn bó với nghề.
Ngoài hai mô hình nói trên, các mô hình nuôi bò vàng, bò sữa ở phường Hòa Lợi, phường Thới Hòa, xã Phú An, mô hình trồng mai vàng ở xã An Tây, mô hình trồng rau an toàn ở phường Mỹ Phước... cũng mang lại thu nhập cao, ổn định cho người dân. Điều đáng nói, thời gian qua các cấp Hội Nông dân ở TX.Bến Cát đều định hướng phát huy những mô hình nông nghiệp thế mạnh của địa phương, phù hợp với diện tích đất, thổ nhưỡng vùng. Kết quả đạt được từ những mô hình này trong thời gian qua đã góp phần đưa ngành nông nghiệp thị xã phát triển theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp kỹ thuật cao và từng bước đi vào chuyên canh.
Phát huy hiệu quả phong trào
Bên cạnh định hướng phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả, thời gian qua Hội Nông dân TX.Bến Cát đã hỗ trợ người nông dân về vốn, cây, con giống, vật tư nông nghiệp… Cụ thể trong giai đoạn 2012-2017, hội đã hỗ trợ vốn từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân trên 24 tỷ đồng, nguồn vốn ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội trên 79 tỷ đồng, hội viên nông dân khá giúp hội viên nghèo trên 4 tỷ đồng.., từ đó đã giúp hơn 1.600 hộ nông dân nghèo thoát nghèo bền vững. Bên cạnh đó, qua phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, toàn thị xã có gần 26.000 lượt hộ hội viên đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, đạt 84,5% tổng số hộ đăng ký và tăng 24,5% so với kế hoạch đề ra.
Theo ông Nguyễn Văn Để, Chủ tịch Hội Nông dân TX.Bến Cát, bên cạnh các mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả, trong phong trào nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới các hội viên nông dân cũng đã tích cực phát huy vai trò của mình. Từng hội viên đều hiểu được tầm quan trọng của chương trình xây dựng nông thôn mới là phát triển nông thôn toàn diện, bền vững với mục đích nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn. Chính vì vậy, trong giai đoạn 2012-2017, người dân thị xã đã tự nguyện góp hơn 7.300 ngày công, đóng góp gần 4,8 tỷ đồng để thực hiện 221km đường giao thông; nạo vét, nâng cấp 159km kênh mương, cống rãnh; thực hiện mô hình thu gom rác thải sinh hoạt, thu gom chai, lọ thuốc bảo vệ thực vật… đóng góp tích cực cùng thị xã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Ông Nguyễn Hoàng Thông, Phó Bí thư Thường trực Thị ủy Bến Cát, cho biết trong thời gian tới Hội Nông dân TX.Bến Cát cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức hoạt động, đa dạng hóa các hình thức tập hợp nông dân. Cùng với đó, hội cần tiếp tục đẩy mạnh phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi; xây dựng nhiều mô hình điểm trình diễn ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt; xây dựng mô hình tổ kinh tế hợp tác, hợp tác xã giúp nông dân từng bước hội nhập kinh tế quốc tế...
THOẠI PHƯƠNG