Tuyệt vời những “Cung bậc quê hương”
Con sông Sài Gòn êm ả chảy nhè nhẹ qua Bình Dương hôm ấy như lưu luyến nhớ thương một điều gì đó ở quê hương này. Những con sóng cứ lăn tăn vỗ nhẹ vào bờ, thỉnh thoảng thổi nên những cơn gió nhẹ làm mát cả khung cảnh hữu tình đang diễn ra tại Nhà hàng Tiamo Phú Thịnh (TP.Thủ Dầu Một). Tiếng nhạc hò xự xang xê cống vang lên hòa cùng những giọng ca ngọt lịm của chương trình “Cung bậc quê hương” khiến tâm hồn khán giả mộ điệu đờn ca tài tử (ĐCTT) như bay bổng, yêu đời hơn.
(BDO)
Tiết mục “Dạ cổ hoài lang” do CLB ĐCTT Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh biểu diễn
Tình yêu với nghệ thuật di sản
Đã gần 1 năm trôi qua, cứ vào tối thứ bảy cuối cùng của mỗi tháng, tại Nhà hàng Tiamo Phú Thịnh (TP.Thủ Dầu Một) lại tập trung nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ, tài tử đờn, ca và cả ê-kíp Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Dương thực hiện chương trình “Cung bậc quê hương”. Để thực hiện chương trình, cả ê-kíp đã lên kế hoạch từ nhiều tháng trước và đến nay những con người tưởng như khô khan ấy đã “trót yêu” ĐCTT rồi qua 10 số gắn bó với chương trình.
Chia sẻ với chúng tôi về một tình yêu “sét đánh” sau khi dẫn xong chương trình thứ 10, phát thanh viên Vũ Liên cho biết, trước đây Liên đã nghe nói nhiều về ĐCTT và biết rằng ĐCTT là loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng của vùng Nam bộ. Đây là loại hình của đờn và ca do những người bình dân thể hiện sau những giờ lao động mệt nhọc để họ chia sẻ thú vui tao nhã trong cuộc sống. Dòng nhạc dân gian dân tộc của Việt Nam đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể. Và khi cùng thực hiện chương trình “Cung bậc quê hương”, Liên đã bị cuốn hút với những ngón đờn, giọng ca ngọt lịm ở Bình Dương. Càng dẫn nhiều chương trình, Liên càng thấy yêu bộ môn nghệ thuật này vô cùng và thầm mong chương trình sẽ tiếp tục được duy trì để có thể gắn bó, tìm hiểu nhiều hơn về ĐCTT.
Ông Bùi Thiện Khải, Phó Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Dương chia sẻ: “Chúng tôi gặt hái được thật nhiều niềm vui và hạnh phúc khi thực hiện chương trình này. Chương trình không chỉ tạo sân chơi bổ ích cho các CLB của 9 huyện, thị xã, thành phố mà qua đây người mộ điệu như thỏa lòng hơn khi bộ môn nghệ thuật di sản được truyền bá một cách thực thụ nhất”. Ngoài chương trình này, Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Dương còn thực hiện nhiều phóng sự, ký sự về nghệ thuật ĐCTT. Trong đó đang phát sóng ký sự “Hành trình cung bậc phương Nam” dài 80 tập với sự hưởng ứng của 21 tỉnh, thành phố trong khu vực Nam bộ. Đặc biệt, trong khuôn khổ các hoạt động chính của Festival ĐCTT quốc gia lần II vào tháng 4 tới, Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Dương sẽ tổ chức thực hiện truyền hình trực tiếp chương trình “Đêm giao lưu Nghệ nhân ưu tú Nam bộ năm 2017”. Chương trình sẽ diễn ra vào tối 11-4, với sự tham gia của 71 NNƯT và sự hưởng ứng của 21 tỉnh, thành phố.
“Sau Festival, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện chương trình Cung bậc quê hương với tiêu chí quảng bá sâu hơn về nghệ thuật ĐCTT. Qua đó, khuyến khích các tác giả sáng tác nhiều lời mới cho 20 bài bản Tổ nhạc tài tử; còn các nghệ nhân, tài tử sẽ chăm chút nhiều hơn cho ngón đờn, giọng ca của mình để nâng cao chất lượng biểu diễn trong mỗi số phát sóng, góp phần đáp ứng nhu cầu thưởng thức ngày càng cao của bộ môn nghệ thuật này”, ông Khải cho biết thêm.
Sức hấp dẫn của những “Cung bậc quê hương”
Sau khi số đầu tiên phát sóng, các nghệ nhân, nghệ sĩ, tài tử và khán giả mộ điệu đã truyền tai nhau về sức hấp dẫn của chương trình. Ngày càng có nhiều người đến xem trực tiếp buổi ghi hình. Có người đến để xem người thân, bạn bè trình diễn ĐCTT như thế nào. Có người đến để thưởng thức, để chiêm nghiệm những lời ca, tiếng nhạc khi khoan khi nhặt làm náo nức lòng ai. Với họ, đây là một chương trình rất ý nghĩa và thiết thực bởi ĐCTT đã có dịp đến gần hơn với quần chúng nhân dân. Theo đó, số lượng khán giả theo dõi chương trình qua 2 kênh của BTV1 và BTV2 của đài cũng ngày càng tăng.
Góp mặt trong chương trình là các CLB đại diện cho phong trào ĐCTT của 9 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh nên các tiết mục đều được đầu tư, chăm chút rất kỹ lưỡng. Nhất là khi càng gần với thời gian diễn ra Festival thì không khí trường quay càng hào hứng hơn với sự phấn khởi của các nghệ nhân, tài tử. Bên cạnh những tiết mục biểu diễn đặc sắc của các CLB ĐCTT trong tỉnh, khán giả mộ điệu còn có dịp giao lưu với nhiều nghệ sĩ nổi tiếng trong giới tài tử - cải lương như: Chiêu Hùng, Kim Thoa, Thanh Hằng, Kim Tử Long… Chị Nguyễn Thị Tuyết Mai (phường An Phú, TX.Thuận An) cho biết: “Tôi rất yêu thích ĐCTT từ nhỏ, vì thế khi được biết đến chương trình, tôi đã rủ bạn bè đến xem trực tiếp các buổi ghi hình tại Nhà hàng Tiamo Phú Thịnh. Hy vọng Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Dương sẽ tiếp tục thực hiện nhiều chương trình hay như thế này, để ĐCTT có thêm cơ hội truyền bá những giá trị độc đáo đến công chúng, để ngày càng có nhiều người chung tay gìn giữ và phát triển bộ môn nghệ thuật này ở khắp nơi”.
Nhằm bảo tồn, phát triển ĐCTT, dòng nhạc dân gian dân tộc và để hướng tới Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần II tổ chức tại Bình Dương vào tháng 4-2017, Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Dương đã thực hiện chương trình ĐCTT và cải lương chủ đề “Cung bậc quê hương”, với sự tài trợ của Công ty Biconsi. Qua chương trình đông đảo khán giả mộ điệu trong và ngoài tỉnh đã có những cái nhìn ấn tượng hơn với ĐCTT Bình Dương, góp phần khẳng định quyết tâm bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT bền vững ở Bình Dương. Chương trình được phát sóng vào lúc 21 giờ thứ bảy đầu tháng trên kênh BTV2 và phát lại vào lúc 14 giờ 30 ngày hôm sau trên kênh BTV1.
THỤC VĂN