Tuyên truyền, vận động có hiệu quả quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm

Thứ tư, ngày 29/11/2017

(BDO)  Để triển khai thực hiện quy định của pháp luật về việc bắt buộc đội mũ bảo hiểm (MBH) đối với người đi mô tô, xe gắn máy, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện công tác tuyên truyền, vận động trong công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) và đoàn viên công đoàn (ĐVCĐ). Đồng thời, hướng dẫn các cấp công đoàn (CCCĐ) tổ chức hoặc phối hợp tổ chức tuyên truyền pháp luật an toàn giao thông (ATGT) trong công nhân lao động (CNLĐ) và ĐVCĐ, tập trung tuyên truyền cho CNLĐ khối ngoài quốc doanh tại các khu, cụm công nghiệp, doanh nghiệp (DN), khu nhà trọ có đông CNLĐ...

 CCCĐ cũng được hướng dẫn đưa nội dung tuyên truyền, vận động đội MBH, pháp luật ATGT trong CNVCLĐ vào chỉ tiêu thi đua xây dựng cơ quan, đơn vị, DN đạt chuẩn văn hóa hàng năm; Tạp chí Lao động Bình Dương, Chuyên mục Lao động và Công đoàn Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Dương, Trang thông tin điện tử Công đoàn Bình Dương được chỉ đạo tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, xây dựng các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền, vận động việc đội MBH, phổ biến pháp luật ATGT, biểu dương gương người tốt việc tốt và đưa tin về hoạt động tuyên truyền ATGT của CCCĐ trong tỉnh.

Một tiểu phẩm tuyên truyền tại hội thi Tìm hiểu pháp luật về ATGT đường bộ 2017 do Ban ATGT và LĐLĐ TP.Thủ Dầu Một tổ chức. Ảnh: NHÃ UYÊN

Theo ông Lưu Thế Thuận, Trưởng ban Tuyên giáo - LĐLĐ tỉnh, việc tuyên truyền, vận động đội MBH, phổ biến pháp luật về giao thông, xây dựng văn hóa giao thông được gắn với cuộc vận động xây dựng cơ quan, đơn vị, DN đạt chuẩn văn hóa nhằm góp phần làm thay đổi nhận thức của đội ngũ CNVCLĐ và ĐVCĐ đối với công tác bảo đảm trật tự, ATGT và khắc phục ùn tắc giao thông.

Qua đó, CNVCLĐ được tuyên truyền, vận động phải gương mẫu khi tham gia giao thông; trang bị đầy đủ kiến thức pháp luật về ATGT; có ý thức trách nhiệm đối với bản thân và cộng đồng khi tham gia giao thông. Có hành vi ứng xử văn hóa, thân thiện với người đồng hành, tận tình giúp đỡ người bị tai nạn. Không điều khiển phương tiện khi đã có uống rượu, bia. Không lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, hành lang ATGT, đặc biệt là việc bắt buộc phải đội MBH, tránh để xảy ra tai nạn giao thông khi tham gia giao thông.

Căn cứ vào hướng dẫn của LĐLĐ tỉnh, CCCĐ đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền cho từng cấp mình và tập trung tuyên truyền các nội dung như quy định đội MBH khi tham gia giao thông; Luật Giao thông đường bộ, Nghị định 46 của Chính phủ về quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt; báo cáo về các vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn để CNVCLĐ cảnh giác... Trong 10 năm qua (2007- 2017), CCCĐ thuộc LĐLĐ tỉnh đã tuyên truyền được 6.250 cuộc cho hơn 683.000 lượt CNLĐ dự nghe. Riêng LĐLĐ tỉnh đã tuyên truyền, vận động trực tiếp tại 432 đơn vị với hơn 85.000 lượt CNLĐ dự nghe.

Ngoài ra, CCCĐ còn tổ chức tuyên truyền, vận động đội MBH, lồng ghép Luật Giao thông đường bộ và các nghị định hướng dẫn vào các kỳ họp giao ban, các buổi tuyên truyền thành lập công đoàn cơ sở, các buổi sinh hoạt tổ công đoàn, thông tin trên loa đài, bản tin công đoàn. Qua đó, đã tuyên truyền được trên 8.750 buổi với hơn 300.000 lượt CNLĐ tham dự. Công tác tuyên truyền, vận động cũng được CCCĐ phối hợp với các ngành chức năng tuyên truyền bằng nhiều hình thức, cấp phát nhiều tài liệu, tờ rơi, áp phích tại các DN, các khu, cụm công nghiệp, khu nhà trọ của CNLĐ (đã cấp phát gần 200.000 tờ rơi và vận động treo hơn 5.000 băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền, vận động đội MBH, ATGT tại cổng các cơ quan, đơn vị, DN)...

Trong những năm qua, hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật ATGT nói chung và vận động đội MBH nói riêng trong CNLĐ đã được CCCĐ thuộc LĐLĐ tỉnh quan tâm. Từ đó, nhận thức và việc chấp hành pháp luật ATGT trong CNLĐ được nâng lên, góp phần giảm thiểu hậu quả tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh. Người sử dụng lao động ở một số DN ngoài quốc doanh đã dần nhận thức được tính tích cực của công tác tuyên truyền pháp luật đến với CNLĐ; tổ chức công đoàn tại nhiều DN đã có sự hỗ trợ tích cực, cũng như tạo điều kiện về địa điểm, thời gian để thực hiện công tác tuyên truyền, vận động...

Tuy nhiên, theo LĐLĐ tỉnh, thực tế hiện vẫn còn một số DN chưa có nhận thức đúng về công tác tuyên truyền pháp luật; nhiều công đoàn cơ sở thiếu sự quan tâm, người sử dụng lao động chưa tích cực tạo điều kiện... đã làm ảnh hưởng không ít đến hoạt động tuyên truyền pháp luật nói chung và pháp luật ATGT nói riêng...

 

BÌNH MINH