Tuyên truyền trong công nhân lao động: Cần đi vào thực chất hơn

Thứ sáu, ngày 23/05/2014
 Thời gian qua, các cấp công đoàn (CĐ) đã có nhiều biện pháp để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục (TTGD) trong công nhân lao động (CNLĐ). Tuy vậy, công tác này vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế, số CNLĐ được tuyên truyền, giáo dục còn ít.

 Nhiều nỗ lực

Theo báo cáo của Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh, năm 2013, công tác TTGD được ngành tập trung thực hiện. Cụ thể, LĐLĐ tỉnh tiếp tục tuyên truyền đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 20/NQ-TW về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” đến các cấp CĐ; quán triệt thực hiện Chỉ thị 03/ CT-TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh…

   Lễ phát động Tháng Công nhân Việt Nam và Tuần lễ Thanh niên công nhân tỉnh Bình Dương lần VII-2014 thiếu CNLĐ trực tiếp sản xuất tham gia.  Ảnh: THANH LÊ

Trong năm qua, các cấp CĐ đã tổ chức 869 lớp tuyên truyền về pháp luật lao động, Luật Công đoàn và các nghị định hướng dẫn chi tiết của Chính phủ về các chính sách, pháp luật có liên quan đến người lao động cho hơn 100.000 lượt CNLĐ và phát hơn 50.000 tài liệu hỏi đáp về các quy định tiền lương tối thiểu cho công nhân viên chức, lao động (CNVC-LĐ) ở các đơn vị, doanh nghiệp. Các cấp CĐ còn tổ chức các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao, tuyên truyền lồng ghép với các nội dung về phòng chống ma túy, mại dâm, HIV… cho 110.000 lượt CNLĐ và cấp phát hơn 14.000 tài liệu các loại.

Đặc biệt, hưởng ứng Tháng Công nhân Việt Nam và Tuần lễ Thanh niên công nhân lần thứ VI, các cấp CĐ trong tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi, thiết thực như hội thi biểu diễn văn nghệ quần chúng trong CNVC-LĐ; mở lớp kiến thức quốc phòng cho CNLĐ…

Quan tâm đến hiệu quả công tác tuyên truyền

Kết quả trên thể hiện những nỗ lực của các cấp CĐ trong năm 2013 đối với công tác TTGD trong CNVC-LĐ. Tuy nhiên, từ những số liệu trên cũng cho thấy, công tác này chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế so với hàng trăm ngàn CNLĐ đang làm việc tại Bình Dương. Và có một thực tế là người được TTGD đa phần là cán bộ, công chức, cán bộ CĐ, số CNLĐ trực tiếp sản xuất thì còn ít.

Theo đại diện LĐLĐ tỉnh, có nhiều nguyên nhân giải thích cho công tác TTGD trong CNLĐ còn hạn chế. Nguyên nhân dễ thấy nhất đó là CNLĐ trực tiếp sản xuất không có thời gian nên khó vận động để họ tham gia các buổi TTGD. Điển hình như tại lễ phát động Tháng Công nhân Việt Nam và Tuần lễ Thanh niên công nhân tỉnh Bình Dương lần VII-2014 vừa qua có đông người dự, nhưng hầu như không có CNLĐ trực tiếp sản xuất tham gia, số đại biểu tham dự phần lớn là đoàn viên thanh niên ở khu phố, Ban chủ nhiệm Chi hội thanh niên công nhân nhà trọ. Khi Ban tổ chức trao 50 suất Quỹ hỗ trợ thanh niên xa quê có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn thì đại diện các huyện, thị, thành phố và đoàn thể tiếp nhận, không có CNLĐ để Ban tổ chức trao trực tiếp.

Lý giải cho việc thiếu CNLĐ lên nhận giải tại buổi lễ phát động nói trên, đại diện một số CĐ cơ sở cho rằng: do thiếu con người, thiếu kinh phí nên không thể tổ chức TTGD đến tận CNLĐ mà chỉ dừng lại ở cán bộ CĐ, sau đó cán bộ CĐ sẽ TTGD lại cho CNLĐ...

Thực tế cho thấy, CNLĐ ít được tuyên truyền, phổ biến pháp luật nên hiểu biết pháp luật còn nhiều hạn chế và có khi họ làm những việc trái pháp luật, như sự việc một số CNLĐ tham gia đập phá doanh nghiệp nước ngoài vừa qua. Vì vậy, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác TTGD trong CNLĐ là điều mà các cấp, các ngành cần quan tâm triển khai thực hiện hiệu quả; cần đi vào thực tế, xuống tận CNLĐ chứ không chỉ dừng lại ở tuyên truyền bề nổi.

 TIỂU LIÊN