Tuyên truyền sâu rộng Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XI) trong toàn Đảng, toàn dân
Hôm nay (1-8), Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương tổ chức Hội nghị cán bộ chủ chốt của tỉnh để triển khai học tập, quán triệt các kết luận, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI). Trao đổi với phóng viên Báo Bình Dương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nguyễn Hữu Lộc đã cho biết một số nội dung của các kết luận, nghị quyết hội nghị này.
- Xin ông cho biết những nội dung của Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI)?
- Trong thời gian 9 ngày, từ 7 đến 15-5-2012 tại Thủ đô Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã họp Hội nghị lần thứ 5 (khóa XI) và đã thông qua nội dung các kết luận, nghị quyết của hội nghị này. Cụ thể, hội nghị đã kết luận về tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm 1992 và một số nội dung cơ bản cần sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992; Kết luận về tổng kết thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa IX) về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Kết luận về một số vấn đề về tiền lương và định hướng cải cách tiền lương đến năm 2020; Kết luận về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí” và Nghị quyết “Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020”.
Những nội dung của Hội nghị Trung ương lần này đều là những vấn đề rất phức tạp, nhạy cảm và rất quan trọng đối với sự phát triển bền vững của đất nước, không chỉ trong nhiệm kỳ này mà trong cả các nhiệm kỳ tiếp theo và về lâu dài.
- Ông có thể cho biết mục đích và ý nghĩa của việc học tập, quán triệt các kết luận nghị quyết trên?
Cán bộ chủ chốt của tỉnh học tập, quán triệt các nghị quyết của Đảng - Thực hiện Hướng dẫn số 52/HD-BTGTW ngày 22-5-2012 của Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương đã xây dựng Kế hoạch tổ chức học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) trong toàn Đảng bộ. Mục đích của việc học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) giúp các cấp, các ngành và cán bộ, đảng viên nắm vững những nội dung cơ bản của các kết luận, nghị quyết được Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) thông qua, trên cơ sở đó tuyên truyền sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Từ đó tạo sự thống nhất về ý chí và hành động trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, góp phần đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch, các biểu hiện lệch lạc trong nhận thức. Thông qua việc học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) nhằm kịp thời động viên các cấp, các ngành, các cán bộ, đảng viên và nhân dân chấp hành nghiêm chỉnh đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Vận dụng một cách sáng tạo các đường lối, chủ trương của Đảng vào quá trình công tác, lao động, học tập; tham gia giám sát việc thực hiện các đường lối, chủ trương đó của các cơ quan chức năng của Nhà nước, các tổ chức Đảng, đoàn thể liên quan, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.
- Nội dung và phương thức học tập, quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) được tổ chức như thế nào, thưa ông?
- Theo kế hoạch tổ chức học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, trong triển khai học tập, ngoài việc làm rõ mục đích, ý nghĩa, sự cần thiết, phạm vi ban hành các văn kiện, cần tập trung quán triệt các nội dung cơ bản đó là: Vị trí, vai trò của Hiến pháp năm 1992. Tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm 1992. Đến nay, Hiến pháp năm 1992 đã đi qua chặng đường 20 năm, có nhiều vấn đề mới được đặt ra, có những quy định của Hiến pháp năm 1992 đã bị thực tiễn vượt qua, không còn phù hợp. Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 là yêu cầu khách quan, cần thiết. Trong kết luận về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước cần nêu vị trí, vai trò của đất đai, những hạn chế, bất cập trong thực hiện đường lối, chính sách đất đai. Định hướng đường lối, chính sách đất đai trong thời gian tới. Điểm mới của hội nghị lần này là Trung ương đã quy định rõ hơn về sự khác nhau giữa quyền sở hữu và quyền sử dụng đất; quyền và trách nhiệm của Nhà nước đối với quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đối với từng loại đất. Về một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020 cần tập trung quán triệt thành tựu, hạn chế trong thực hiện chính sách xã hội và định hướng chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020. Về một số vấn đề về tiền lương cần làm rõ những kết quả đạt được và hạn chế, bất cập; một số nội dung thực hiện trong năm 2012 và 2013, định hướng cải cách chính sách tiền lương đến năm 2020. Đối với kết luận về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) cần đánh giá tình hình và nêu mục tiêu, quan điểm chỉ đạo và nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới. Từ khi Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) được ban hành, các cơ quan của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và cả hệ thống chính trị đã chủ động, tích cực vào cuộc. Tuy nhiên, công tác phòng, chống tham nhũng chưa đạt yêu cầu “ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng”. Vì vậy, Trung ương nhấn mạnh phải kiên trì và đẩy mạnh nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI).
Về phương thức, các cấp ủy Đảng mở lớp để nghe báo cáo về nội dung các văn kiện trên trong thời gian 1,5 ngày, trong đó báo cáo viên tập trung giới thiệu những nội dung cơ bản của mỗi văn kiện trong 1 ngày, tổ chức thảo luận chương trình, kế hoạch thực hiện của cấp mình trong 0,5 ngày. Trên cơ sở các văn kiện Hội nghị Trung ương 5 và các tài liệu do Ban Tuyên giáo Trung ương biên soạn, báo cáo viên lựa chọn những nội dung cốt lõi để xây dựng đề cương báo cáo, thuyết trình.
- Xin cảm ơn ông!
ĐÌNH HẬU (thực hiện)